Những người viết hùng ca phía mặt trời (kỳ 1)

Vượt qua sóng gió, bão tố trên biển Đông, vượt qua vô số tuyến tuần tiễu của địch, những chuyến tàu Không số đưa hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược từ miền Bắc vào chiến trường. Những người lính hải quân và những người trên bến đã viết nên bản hùng ca ngời sáng tinh thần yêu nước, kiên trung bất khuất.

Đèo Cả - Vũng Rô ngày nay. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Đèo Cả - Vũng Rô ngày nay. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

KỲ 1: Dấu ấn Vũng Rô

Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và kỷ niệm 60 năm tàu Không số cập bến Vũng Rô (28/11/1964-28/11/2024), Chương trình đầu tư sáng tác các tác phẩm sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT (Bộ Quốc phòng) vừa xuất bản hồi ký Nhớ và ghi lại của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu 41, và tập sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển của nhiều tác giả. Trong hồi ký Nhớ và ghi lại, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh viết: “...mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với khó khăn của sóng gió, thiên nhiên, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng điểm hỏa khối thuốc nổ đã được bố trí sẵn để hủy tàu, hủy hàng, bảo vệ bí mật con đường, con tàu và bến bãi…”.

Gần 62 năm đã trôi qua, kể từ ngày chuyến tàu Không số đầu tiên vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam, và cũng gần tròn 60 năm kể từ ngày bến Vũng Rô đón chuyến tàu Không số đầu tiên - tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy. Những người lính hải quân từng tham gia những chuyến tàu Không số và quân - dân tại các bến đón tàu luôn tự hào khi được góp sức mình làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vượt biển trở về

Nửa đêm. Một chiếc tàu sắt lớn thận trọng rẽ nước, rẽ bóng tối tiến vào Vũng Rô. Từ khối núi đen trũi, ánh đèn pin lóe lên. Một, hai, ba chớp sáng. Tín hiệu liên lạc được phát đi. Chỉ có tiếng sóng vỗ vào gành đá rì rầm đáp lại.

Tại Mũi Yến - một đảo nhỏ trong Vũng Rô, trên chiếc thuyền nan, tổ công tác được cử ra đón tàu đã thiếp đi trong mệt nhọc, sau một thời gian chèo thuyền ra và đợi, sau nhiều ngày chỉ ăn trái sung cầm hơi.

Đang lơ mơ, họ nghe tiếng động cơ rì rì. Choàng dậy, họ thấy một chiếc tàu đồ sộ chầm chậm lướt qua. Họ reo lên khe khẽ: “Tàu vô rồi! Tàu vô rồi!”.

Mái chèo gấp gáp khua nước. Tổ công tác theo kịp chiếc tàu đang chạy rất chậm để chờ bắt liên lạc. Có “hoa tiêu” là người địa phương dẫn đường, con tàu tiến vô giữa Vũng Rô...

Đứng trên boong tàu, trong lòng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh dâng lên niềm xúc động. Ông thầm gọi: Quê hương ơi, ba má ơi, con đã trở về sau 10 năm xa cách. 10 năm chia cắt bởi chiến tranh, khói lửa. 10 năm, trên những hành trình gian nan, nguy hiểm đã trải qua, con luôn ao ước được trở về, được góp sức cùng quê hương đánh đuổi quân xâm lược. Và hôm nay, con cùng đồng đội trở về, thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng vô cùng ý nghĩa đối với Phú Yên, đối với Khu 5.

Đó là lần đầu tiên tàu Không số cập bến Vũng Rô. Đêm 28/11/1964 trở thành cột mốc không thể nào quên trong ký ức của nhiều người - người trên tàu cũng như người ở bến.

Đây là chuyến đi đầu tiên bằng tàu sắt của Đoàn 125 mở đường vào bến ở Khu 5, sau 7 chuyến tàu vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Đồ họa: PHƯƠNG TRÀ

Đồ họa: PHƯƠNG TRÀ

Ở tuổi 91, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 thuộc Đoàn 125 Hải quân vẫn nhớ như in những năm tháng không thể nào quên: “Hồi đó, mỗi lần tàu đi vào miền Tây Nam Bộ, khi qua vùng biển Nam Trung Bộ, tôi nhìn về phía Tây - nơi có quê hương mình. Tôi ao ước một lần chỉ huy tàu đưa vũ khí vào chi viện cho quê hương đánh giặc. Đầu tháng 11/1964, sau chuyến đi Cà Mau thắng lợi, tôi được lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Hải quân gọi lên, giao nhiệm vụ chỉ huy tàu chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường Khu 5. Tôi rất mừng, dù chưa biết bến ở đâu. Sau đó, trong lần gặp thứ hai, cấp trên giao nhiệm vụ cụ thể, chỉ thị là vào bến Vũng Rô”.

Bến Vũng Rô thuộc Phú Yên - quê hương thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh. Lòng ngập tràn niềm vui khi điều ao ước lâu nay sắp trở thành hiện thực, ông tự nhủ phải chuẩn bị mọi thứ thật tốt.

Những năm tháng đó, dọc tuyến biển miền Trung, địch bố phòng dày đặc. Cách 3-5 hải lý, hải thuyền ngụy tuần tiễu; cách khoảng 5-20 hải lý là tuyến tuần tiễu của hải quân ngụy; từ 20 hải lý đến vùng biển quốc tế là hải quân Mỹ. Tàu tuần tiễu hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Nhiệm vụ của những người lính hải quân trên tàu Không số là vượt qua mọi khó khăn trở ngại, đưa tàu cập bến, chuyển giao vũ khí, đạn dược và trở về an toàn. Để tự vệ, mỗi con tàu được trang bị 3 khẩu 12,7mm, khẩu B40, B41 và lựu đạn chống tăng. Trong trường hợp tàu địch cập mạn tàu ta, thủy thủ sẽ nhảy qua, dùng lựu đạn chống tăng sống mái với địch. Vì trên khu trục hạm của chúng trang bị pháo 76,2mm, còn ta chỉ có pháo 12,7mm, không thể đánh xa. Và, trên mỗi chuyến tàu Không số đều có khoảng 1 tấn bộc phá cùng 3 loại kíp nổ (kíp hóa học, kíp dây cháy chậm và kíp đồng hồ điện), kết nối với nhau lên vị trí điều hành của thuyền trưởng. Nếu tàu bị lộ, địch bao vây, ta sẽ dùng số bộc phá này đánh đắm tàu, không để rơi vào tay địch.

Quyết định táo bạo

Tại Phú Yên, sau khi được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ tìm chọn bến bãi, sẵn sàng tiếp nhận vũ khí, đạn dược chi viện từ miền Bắc vào bằng đường biển, Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam thuộc Khu 5 đã tổ chức hội nghị liên tịch ở Suối Phẩn (khi đó thuộc xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1, nay thuộc huyện Tây Hòa). Sau khi xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng, hội nghị quyết định chọn Vũng Rô làm bến đón tàu vào.

Vũng Rô là một bến nước sâu dưới chân đèo Cả, lặng sóng, ở phía Đông quốc lộ 1. Nơi đây có nhiều hang đá, gộp đá, có thể làm nơi cất giấu vũ khí đạn dược, lại có những hành lang an toàn đi đến Hòa Hiệp, Hòa Xuân, lên căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên, căn cứ Liên Tỉnh ủy 3 và các tỉnh Nam Tây Nguyên.

Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy bến Vũng Rô do đồng chí Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 - phụ trách. Bảo vệ bến và bảo vệ hành lang vận chuyển là trung đội bộ đội địa phương K6, Đại đội 377, các trung đội, tiểu đội du kích tập trung của các xã lân cận. Làm nhiệm vụ chuyển hàng từ tàu xuống bến, đưa vào các hang đá, gộp đá là hơn 200 cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên được lựa chọn ở các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân.

Trình bày: Phương Trà

Thiếu tá Ngô Văn Định (SN 1944, hiện ở phường 6, TP Tuy Hòa) - người từng công tác tại đơn vị B tập trung miền Đông, sau là lực lượng nòng cốt của Đại đội bảo vệ bến Vũng Rô - nhớ lại: “Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ vào Vũng Rô nắm tình hình. Ẩn mình trong các gộp đá, chúng tôi dùng ống nhòm quan sát, tính xem tàu địch 1 ngày tuần tiễu bao nhiêu lần. Trên đèo Cả, xe của địch đi qua đi lại; trên ngọn núi gần đó có cái bót, ngày ngày địch gõ kẻng giao ban, cách chỗ chúng tôi chỉ vài cây số tính theo đường chim bay”.

Ngày 28/11/1964, cấp trên có chỉ thị: Tối nay các đồng chí nhận nhiệm vụ đón tàu chở hàng từ ngoài Bắc vào. Ông Ngô Văn Định kể: “Tổ đón tàu có 4 người, gồm Trung đội phó Tống Trọng Điểm, Tiểu đội phó Trần Dưỡng, đồng chí Trà Văn Hòa và tôi - Tiểu đội trưởng. Cả bốn người đều là dân làng biển Hòa Hiệp, rất trẻ, trong lòng háo hức. Chúng tôi chưa bao giờ hình dung là tàu từ ngoài Bắc sẽ chở vũ khí vào đây. Vì vậy, chúng tôi rất hồi hộp và rất mừng, nghĩ chúng ta sẽ có vũ khí, đạn dược để chiến đấu”.

KỲ 2: Đối mặt kẻ thù và quyết định cân não

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/319780/nhung-nguoi-viet-hung-ca-phia-mat-troi-ky-1.html