Những người yêu nghề, sáng tạo
Không chỉ giỏi chuyên môn, họ còn có nhiều ý tưởng sáng tạo làm lợi cho đơn vị trong quá trình làm việc
Xuất phát điểm là một người thợ chuyên sửa máy may, nhờ nỗ lực vượt bậc cùng tinh thần ham học hỏi và óc sáng tạo, anh Nguyễn Thọ Trường đã trở thành Trưởng Ban Cơ điện Nhà máy May An Phú (thuộc Công ty CP Garmex Sài Gòn). Anh cũng là một trong số những lao động giỏi, sáng tạo tiêu biểu nhất vừa được LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM tôn vinh.
Nỗ lực không ngừng
Hơn 20 năm trước, từ Nghệ An, anh Trường vào TP HCM lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Sẵn đam mê máy móc nên lúc ấy, anh vừa đi làm vừa theo học một khóa ngắn hạn về sửa máy may. Học xong, anh vào làm tại các tổ hợp, các cơ sở may nhỏ để tích lũy thêm kinh nghiệm, sau đó xin vào làm việc tại Công ty CP Garmex Sài Gòn.
Tuy chỉ là công nhân (CN) sửa máy may nhưng anh rất thích vì đây là môi trường làm việc nhiều thử thách. Anh chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những người thợ lành nghề nên nhanh chóng theo kịp công việc.
Do yêu cầu sản xuất của các nhà máy nên những lúc cần thiết, công ty sẽ điều chuyển CN kỹ thuật đi các nơi để bảo đảm sản xuất không bị gián đoạn. Được tăng cường đến các nhà máy, Trường xem đây là cơ hội tốt để học hỏi và thỏa sức thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Với những sáng kiến nhỏ mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, anh được tin tưởng và cất nhắc làm Trưởng Ban Cơ điện Nhà máy May An Phú vào năm 2011.
"Từ CN lên làm quản lý, tôi thấy rất áp lực vì không gì khó hơn quản lý con người. Thế nhưng, tôi tâm niệm chỉ cần làm tốt công việc của mình, làm gương cho anh em, dần dần họ sẽ tin tưởng mình" - anh chia sẻ. Với suy nghĩ ấy, anh luôn gương mẫu trong công việc, dẫn dắt tổ cơ điện hoàn thành nhiệm vụ, hỗ trợ nhiệt tình cho những CN mới. Thợ trẻ ở nhà máy đặc biệt nể trọng anh ở tinh thần tiên phong sáng tạo. Một trong những sáng kiến điển hình do anh thực hiện là cải tiến máy ép seam (máy dán đường may) trụ đứng. Anh kể tại nhà máy An Phú, các máy ép seam trụ đứng đã cũ và không sử dụng. Vào mùa cao điểm, nhu cầu sử dụng máy ép seam trụ rất lớn nên nhà máy luôn lâm vào tình trạng thiếu máy móc trầm trọng. Nếu mua máy mới thì chi phí cao. Trăn trở trước vấn đề này, anh mạnh dạn đề xuất ban lãnh đạo cho cải tiến các máy ép seam đứng tồn kho. Được ban giám đốc ủng hộ, anh cùng anh em trong ban cơ điện đã mày mò nghiên cứu và mua vật tư thay thế, chuyển công năng các máy ép seam từ trụ đứng sang trụ nằm. Sáng kiến này không chỉ giúp nhà máy hoàn thành kế hoạch sản xuất mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể bởi chi phí cải tiến mỗi máy chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng trong khi mua máy mới mất gần 30 triệu đồng/máy.
Anh Trường cho biết công nghệ thay đổi liên tục nên những người làm kỹ thuật phải cập nhật kiến thức hằng ngày để không bị tụt hậu. Vì vậy, ngoài tự học, anh còn theo học các khóa đào đạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề. Anh Nguyễn Thanh, một đồng nghiệp của Trường, nhận xét: "Sống hết mình với nghề và hết lòng với thợ trẻ, đức tính ấy ở anh Trường đã thực sự thuyết phục anh em ở đơn vị".
Vì học sinh thân yêu
Là 1 trong số 220 gương CNVC-LĐ sáng tạo tiêu biểu được LĐLĐ quận Bình Thạnh, TP HCM tuyên dương, thầy Nguyễn Thanh Trường (giáo viên Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện) được biết đến là người thầy nhiệt huyết với nghề và hết lòng vì học sinh. Điều đó được thể hiện qua nỗ lực không ngừng để giúp học trò vượt qua sự tự ti, học tập tốt hơn. Thầy đã thành công với giải pháp giúp học sinh lớp 5 làm tốt các bài toán chia số thập phân.
Chia sẻ về giải pháp này, thầy Trường cho biết thực trạng chung của các em học sinh lớp 5 là sợ làm toán chia số thập phân. Đây là dạng toán khó, đòi hỏi phải tư duy khiến một số em, nhất là những em học chậm, có tâm lý tự ti, chán nản nên khi thực hành, nhiều em sẽ làm đại hoặc bỏ qua. "Tình trạng trên cũng diễn ra ở lớp của tôi và điều này làm tôi rất trăn trở. Là người thầy, tôi có trách nhiệm giúp đỡ học sinh của mình" - thầy Trường tâm sự.
Quyết tâm đưa ra được giải pháp học tập tốt hơn cho học trò, thầy Trường đã khảo sát lực học, cách tính toán của học sinh, qua đó phân loại các sai sót và nghiên cứu các cách để hạn chế các sai sót đó. Thầy tiến hành phân loại các dạng bài chia số thập phân và giúp học trò nắm chắc từng dạng bài tập và thường xuyên kiểm tra kiến thức xem học trò có tiến bộ hay không, nhất là những học sinh yếu. Để giúp môn học không khô khan và các em hứng thú hơn, thầy liên tục thay đổi hình thức dạy học sao cho phong phú, sinh động.
Đáng mừng là từ khi áp dụng các phương pháp này, học trò của thầy Trường có tiến bộ rõ rệt. Qua các kỳ thi, nhiều em đạt điểm tuyệt đối. Tâm huyết với công tác giảng dạy, thầy Trường cũng không ngừng trau dồi kiến thức. Sau những giờ lên lớp, thầy luôn sắp xếp thời gian để học thêm ngoại ngữ, tin học, cách ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cũng như cập nhật thông tin mới để đưa vào bài giảng sao cho thu hút sự chú ý và tập trung của học trò.
Với những nỗ lực đó, năm học 2017-2018, thầy đã đạt thành tích Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp TP.
Trong xu thế hội nhập, kiến thức và kỹ năng nghề chính là tài sản quý nhất của người lao động (NLĐ), là cơ sở để NLĐ mặc cả với người sử dụng lao động về tiền lương. Vì vậy, tự thân NLĐ cần không ngừng học tập để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, xem đó là điều kiện cần để ổn định việc làm, thu nhập và mở ra cơ hội thăng tiến cho bản thân".
Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nhung-nguoi-yeu-nghe-sang-tao-20190607220603358.htm