Những nguy cơ chết người từ lối thoát hiểm bị bịt kín (Kỳ 1)
Nguy cơ cháy nổ có thể đến bất kỳ vào thời điểm nào trong năm nhưng lại gia tăng hơn trong những tháng hè nóng oi ả. Từ thói quen sinh hoạt thường ngày của người dân như thắp hương, đốt vàng mã, hay sạc điện thoại, xe đạp điện qua đêm, cho đến việc sử dụng điện không hợp lý… đều có thể dẫn đến cháy nổ.
Chống trộm nhưng bịt lối thoát hiểm
Cho tới thời điểm này, vụ cháy khiến 4 nạn nhân tử vong thương tâm ở quận Hà Đông, TP Hà Nội đã qua được hơn nửa tháng, song nỗi đau đớn, day dứt của những người thân, cơ quan chức năng vẫn còn hiển hiện. Nguyên nhân của vụ cháy hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng đánh giá của các chuyên gia cho thấy nếu như hệ thống "chuồng cọp" trên các tầng được mở, thì có lẽ hậu quả về người đã có thể được giảm bớt hoặc không xảy ra.
Khi đám cháy xảy ra, toàn bộ tầng 1 bị lửa phủ kín. Các nạn nhân không thể thoát ra lối cửa chính, chỉ còn cách chạy ngược lên phía trên. Tuy nhiên, lửa dữ, khói độc nhanh chóng lan lên, cộng với lối thoát hiểm ở các tầng đã bị "chuồng cọp" bịt kín, khiến cho việc chữa cháy, thoát nạn của các nạn nhân và người dân gặp vô vàn khó khăn.
Có khá nhiều vụ cháy xảy ra tại nhà dân, cơ sở kinh doanh và xưởng sản xuất trong thời gian qua ở Hà Nội. Đối với những vụ cháy liên quan đến nhà dân có hệ thống "chuồng cọp" kiên cố, phải kể đến vụ cháy xảy ra vào ngày 4/4/2021 tại căn nhà ống ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Hay như vụ cháy vào ngày 30/3/2021 tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cũng để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và nguyên nhân đều liên quan đến "chuồng cọp" khi các nạn nhân không thể thoát hiểm bởi lối thoát đã bị bịt kín.
Trong thời gian qua, dù Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương liên tục phát đi những cảnh báo, hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy (PCCC), song không ít người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở vẫn có tâm lý coi thường, hay như "không phải việc của mình".
Ghi nhận thực tế, hiện trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn khá nhiều chung cư, nhà dân lắp đặt hệ thống chấn song sắt tạo thành những "chuồng cọp" ở cả mặt trước, hay sau nhà. Tại những khu vực tập trung đông nhà tập thể như Thành Công, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Thủy Lợi, Nam Đồng… hiện tình trạng "chuồng cọp" vẫn rất phổ biến. Toàn bộ mặt trước, sau của những cửa sổ, ô thoáng gần như được các chủ hộ gia đình cơi nới, biến thành những "chuồng cọp" với hàng rào sắt kiên cố, không có lối mở, lối thoát.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong PCCC, cũng như trực tiếp tham gia nhiều vụ chữa cháy, thông tin với báo chí, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, việc hàn kín không gian ô thoáng của ngôi nhà hoặc gia cố những "chuồng cọp" với mục đích đảm bảo an ninh, an toàn, hay tăng diện tích sử dụng là tình trạng chung của không ít hộ gia đình, người dân, nhất là những căn nhà được sửa chữa, cải tạo. Ngay cả những ngôi nhà mới được xây dựng, nhiều hộ gia đình cũng không bỏ thói quen, suy nghĩ này.
Việc hàn gắn những "chuồng cọp" này rõ ràng sẽ nâng cao phòng chống trộm cắp, nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu, thẩm mỹ của ngôi nhà và đặc biệt bịt kín những đường thoát hiểm của gia đình khi xảy ra sự cố cháy nổ. Ngay cả khi lực lượng chức năng đến nơi, tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn bởi những "chuồng cọp" này.
Khẩn trương mở "lối thoát tư duy"
Đánh giá những nguy cơ đối với tình trạng mở "chuồng cọp" chống trộm mà quên đi việc phòng cháy, chữa cháy, nhất là lối thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ, các chuyên gia về phòng, cháy, chữa cháy cho rằng, hiện nay thiết kế nhà ống gần như chiếm đa số đối với những khu vực đô thị, đất chật, người đông.
Đối với những dạng nhà ống này, gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Diện tích đất chật, tình trạng xây dựng san sát nhau nên phần lớn những nhà dân trong phố đều không có lối thoát hiểm phía sau hoặc hai bên do tường chung tường, vách sát vách với nhà bên cạnh. Khi ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn, lực lượng PCCC nhanh chóng tiếp cận hiện trường.
Ngoài việc tiếp cận bằng cửa chính từ dưới lên, trong trường hợp không thể xuyên thủng được bức tường lửa đó, việc mất thời gian để cắt, phá dỡ những lồng sắt này để mở đường cứu các nạn nhân sẽ mất nhiều thời gian, có thể không cứu được kịp thời người bị nạn. Chính vì vậy, những "chuồng cọp" càng được gia cố chắc chắn thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy lớn càng nhiều.
Bày tỏ lo lắng trước tình trạng còn số đông người dân, chủ cơ sở kinh doanh hay các công trình xây dựng vẫn chưa thật sự dành nhiều quan tâm đến công tác PCCC, Thượng tá Đỗ Ngọc Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy cho biết, thống kê sơ bộ, trên địa bàn quận có gần 90 khu nhà tập thể. Nhiều trong số đó là những tòa nhà đã được xây dựng từ nhiều năm, cũ kỹ, thậm chí xuống cấp. Dù lực lượng Cảnh sát PCCC trong thời gian qua liên tục tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, nguy hiểm khi những lối thoát hiểm bị "chuồng cọp" bị kín, nhưng tỷ lệ người dân chưa tháo dỡ, mở lối "chuồng cọp" này vẫn còn nhiều.
Cùng với đó, Cầu Giấy cũng là địa bàn có nhiều khu chung cư theo diện tái định cư, chất lượng xây dựng cũng như các thiết bị PCCC được lắp đặt, hoạt động chưa đem lại sự yên tâm cho cư dân, cơ quan chức năng.
Thực trạng công trình, nhà ở là như vậy, song ý thức của người dân vẫn chưa cao. "Có rất nhiều nguyên nhân xảy ra cháy, nhưng tập trung chủ yếu vào nguồn điện chập cháy, thắp hương, hóa vàng không đảm bảo an toàn. Các hộ gia đình thắp hương bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần tài với nến, vàng mã, hương, chỉ cần một chút bất cẩn, lơ đễnh thì đốm lửa nhỏ, tàn hương rơi xuống trúng vào giấy vàng mã, sàn gỗ, vải hay bất cứ vật dụng nào dễ cháy, bén lửa là cũng có thể thiêu rụi cả căn phòng"- Thượng tá Đỗ Ngọc Tuấn cảnh báo.
Cũng đề cập đến thực trạng "chuồng cọp" bịt kín lối thoát nạn, Trung tá Lê Thế Tùng, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy, Công an TP Hà Nội khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp có lắp "chuồng cọp" thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa đủ rộng để khi mở ra người dân có thể chui ra chui vào dễ dàng, đồng thời thống nhất với các thành viên trong gia đình nơi để chìa khóa ở vị trí dễ lấy. Để tránh tình trạng khóa lâu hoen rỉ, những ổ khóa này cũng phải được mở thường xuyên, tra dầu mỡ, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.
Trong trường hợp không may xảy ra hỏa hoạn, người dân ở trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng hoặc dễ dàng tiếp cận được với lực lượng PCCC từ vị trí trên. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống tầng dưới qua ô cửa. Với những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.
"Người dân không được chủ quan và cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ; tạo lối thoát hiểm cho căn nhà, không vì phòng trộm mà tự bịt "đường sống" của chính mình", Trung tá Lê Thế Tùng chia sẻ.