Những nguyên tắc cần nhớ để an toàn khi có động đất

Trước, trong và sau khi xảy ra động đất đều cần có các kỹ năng an toàn cơ bản để phòng ngừa rủi ro, giữ an toàn tính mạng cũng như tài sản để vượt qua những dư chấn có thể xuất hiện.

Những nguyên tắc phòng tránh động đất

Những ngày qua, nhiều trận động đất liên tiếp xảy ra khiến người dân hoang mang lo lắng. Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, ngày 28/7 xảy ra 21 trận, ngày 29/7 xảy ra 25 trận, ngày 30/7 xảy ra 4 trận và ngày 31/7 xảy ra 13 trận. Sáng ngày 1/8, vào lúc 04 giờ 12 phút 49 giây xảy ra 1 trận động đất có độ lớn 3.3 ở Kon Tum.

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 5 nguyên tắc phòng tránh động đất là chủ động trú, tránh, bảo đảm an toàn khi xảy ra động đất; Chủ động sơ tán ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng; Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương; Bố trí nơi ở tạm, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống, nhu yếu phẩm khác cho người dân bị ảnh hưởng; Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhận dân tại khu vực xảy ra thiên tai.

Đoàn công tác của Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đã đi khảo sát hiện trường xảy ra động đất tại thị trấn Măng Đen huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Đoàn công tác của Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đã đi khảo sát hiện trường xảy ra động đất tại thị trấn Măng Đen huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Việt Nam thường xuyên chứng kiến các trận động đất nhỏ và trung bình, đặc biệt là ở các vùng có hoạt động địa chất như khu vực ven biển phía bắc và khu vực miền Trung. Tuy nhiên, các trận động đất ở Việt Nam thường ít cảm nhận được và gây ra ít thiệt hại so với các quốc gia nằm trên các vùng biển sâu hoặc biên giới tấp nập với các biên giới địa chấn. Điều này là do tầng đất phía trên dày hơn và cấu trúc đô thị không quá chịu tác động của động đất. Tuy nhiên, việc chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp vẫn rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho mọi người.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chứ không thể đưa ra thông tin chính xác thời điểm nào xảy động đất.

"Thông tin cảnh báo khu vực này có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó đã là rất tốt rồi. Bởi từ thông tin này, chính quyền địa phương và người dân sẽ xây dựng các công trình như thủy điện, nhà dân,... có khả năng chống chịu với độ lớn của động đất từ thông tin cảnh báo", ông Xuân Anh nói và cho biết thêm, thông thường vùng nào đó xảy ra động đất nó sẽ kèm theo rất nhiều trận rung chấn tiếp theo. Thông tin này các nhà khoa học sẽ cảnh báo được, nhưng cũng không thể đưa ra chính xác thời điểm xảy ra rung chấn.

Do vậy, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo trước khi động đất xảy ra, người dân nên cột chặt bàn ghế, tủ vào tường; kiểm tra độ bền chắc của các vật treo như các quạt trần và những chum đèn treo. Cất các vật dễ đổ vỡ, các chất độc hại, dễ vỡ, dễ cháy ở ngăn kệ dưới và ở nơi an toàn. Luôn tắt bình gas khi không sử dụng.

Để chuẩn bị ứng phó trước khi có động đất, người dân cần làm quen với lộ trình sơ tán và cách chữa cháy. Đầu tiên là các thiết bị, chuông và các dụng cụ liên lạc. Học cách sử dung chúng trước. Chuẩn bị các vật dụng cần thiết khi có thảm họa với các thiết bị trợ giúp, thực phẩm đóng hộp, nước, quần áo, màn, máy phát thanh, đèn pin (và pin dự phòng), hộp cấp cứu, còi tu hút. Hướng dẫn và tham gia vào các hoạt động diễn tập thường xuyên với thảm họa động đất.

Phải làm gì khi có động đất?

Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo, khi có động đất xảy ra, nếu đang lái xe hãy cố gắng lái xe vào bên đường và dừng lại. Đừng cố chui qua hoặc vượt qua những cầu có khả năng bị sập do động đất. Nếu đang ở trên một ngọn núi hoặc ở gần một quả đồi nghiêng dốc, hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì có thể bị lở đất. Nếu ở dọc bờ biển và cảm thấy động đất lớn đến mức bạn khó có thể đứng vững, nó thường xảy ra sóng thần. Hãy chạy nhanh khỏi bãi biển tới vùng đất cao hơn.

Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà có kết cấu vững chắc thì hãy yên đó. bảo vệ cơ thể khỏi các tấm đổ vỡ bang cách bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống một cái bàn làm việc nào đó. Nếu đang ở bên ngoài, hãy chạy ngay tới vùng đất trống. Tránh xa các con đường có nhiều nguy cơ, các đường ống ngầm, các cột điện và các công trình xây dựng khác có khả năng bị đổ hoặc sụp xuống. Tránh xa các tòa nhà có nhiều cửa kính.

Lưu ý thận trọng với các dư chấn sau động đất chính, không nên sử dụng thang máy, không ra vào các tòa nhà đã bị đổ, giữ bình tĩnh. Xem lại bản thân có bị thương không trước khi đi giúp đỡ người khác. Kiểm tra mức độ hư hỏng của đường ống nước và đường điện, bình gas. Luôn cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng...

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-nguyen-tac-can-nho-de-an-toan-khi-co-dong-dat-169240801120023377.htm