Những nguyên tắc quyết định sự thành bại của giáo viên và nhà trường
Giáo sư Nguyễn Đức Chính nói: 'Giáo viên là một nghề. Đã là nghề thì phải có những kĩ năng đặc thù và ai không có những kĩ năng này thì chưa phải là giáo viên'.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng “Học sinh làm trung tâm”, “Nhà trường làm nền tảng” và “Thầy cô giáo làm động lực” là những nguyên lí giáo dục luôn đúng trong mọi trường hợp.
Vấn đề là nhà quản lí phải hiểu, luận giải rất tường minh, cụ thể, chi tiết các khái niệm này để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để các đối tượng quản lí làm đúng, làm trúng bản chất của khái niệm, nếu không mỗi nơi làm một kiểu và hệ quả thì đã có nhiều trong thực tế là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Lấy người học làm trung tâm, hiểu sao cho đúng?
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính lý giải “lấy người học làm trung tâm (student - centred approach)” là một cách tiếp cận trong quá trình dạy học xuất hiện từ những năm 90 của thế kỉ XX. Cách tiếp cận này có 14 nguyên tắc, thực hiện đúng và đủ thì đã lấy người học làm trung tâm, bao gồm:
Một là, việc học những vấn đề phức tạp sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu nó được tiến hành trên cơ sở những thông tin và kinh nghiệm mà người học đã tích lũy được.
Hai là, người học thành công là người học có thể diễn đạt tri thức đã học một cách có ý nghĩa và chặt chẽ.
Ba là, người học thành công là người có thể liên kết cái mới biết với cái đã biết một cách có ý nghĩa.
Bốn là, người học thành công là người có thể tạo ra hoặc sử dụng những phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu học tập.
Năm là, những chiến lược học tập của các học sinh khác nhau được thừa nhận và tôn trọng.
Sáu là, hoạt động học tập chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường như văn hóa, trình độ công nghệ, phương pháp giảng dạy.
Bảy là, học được những gì và bao nhiêu phụ thuộc vào động cơ của người học. Động cơ này phụ thuộc vào trạng thái tình cảm, sở thích, mục đích học tập và thói quen tư duy của người học.
Tám là, khả năng sáng tạo, thói quen suy nghĩ, óc tò mò có vai trò quan trọng đối với động cơ học tập. Động cơ nội tại có thể được phát huy bởi những công việc đòi hỏi trí tuệ, phù hợp với sở thích, cho phép sự chọn lựa cũng như chủ động của người học.
Chín là, sự tiếp thu những kiến thức và kĩ năng phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực của người học và cần có sự hướng dẫn. Nếu người học không có động cơ học tập đúng thì sẽ không nỗ lực, trừ khi bị ép buộc.
Mười là, người học càng lớn tuổi thì cơ hội và khó khăn trong học tập của họ càng khác biệt. Việc học sẽ hiệu quả nếu nó diễn ra phù hợp với điều kiện thể chất, trí tuệ, tình cảm và bối cảnh xã hội của người học.
Mười một, học tập là một hoạt động chịu sự chi phối bởi quan hệ xã hội, bởi sự giao tiếp với người khác.
Mười hai, mỗi người học có phương pháp và khả năng học tập riêng, phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người và cả yếu tố di truyền.
Mười ba, học tập có thể đạt hiệu quả cao nếu người học được quan tâm đầy đủ đến ngôn ngữ, văn hóa và hoàn cảnh xã hội của họ.
Mười bốn, đặt ra những mục tiêu cao một cách hợp lí để dạy học, đánh giá người học và quá trình học của họ là điều không thể thiếu trong hoạt động dạy học.
Như vậy “lấy người học làm trung tâm” không có nghĩa là người học muốn học gì, học vào lúc nào,… đều được thỏa mãn. Nếu nhà quản lí hiểu một cách tường minh cách tiếp cận, hướng dẫn cho giáo viên cách thực hiện các nguyên tắc này một cách đầy đủ thì học sinh sẽ là người thụ hưởng, kết quả dạy học sẽ tốt hơn rất nhiều.
Những nguyên tắc này nếu được thực hiện học sinh sẽ đạt được những mục tiêu học tập được quy định trong chương trình nhưng với cách phù hợp nhất với từng học sinh.
Nhà trường thực sự là nền tảng nếu có đủ ba quyền
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, trong một hệ thống giáo dục, mỗi cơ sở giáo dục là một thành tố tương đối độc lập mặc dù bị chi phối, điều chỉnh bởi cơ chế quản lí. Cơ chế quản lí này phải được trao 3 quyền cơ bản: Chủ động (trên cơ sở luật pháp cho phép) về chương trình giáo dục, về tổ chức quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh trong quá trình dạy học trong trường; Chủ động trong thu nhận, sa thải giáo viên; Sử dụng tài chính trong khuôn khổ pháp luật mà không bị can thiệp bởi bất kì thế lực nào.
Nếu có được 3 quyền cơ bản này thì nhà trường thực sự là nền tảng quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay. Để thực hiện được điều này cần đào tạo đội ngũ hiệu trưởng tương ứng!
Nói như vậy nghĩa là khi nhà quản lí muốn cấp dưới phải làm được gì thì phải hình dung được họ sẽ làm việc đó như thế nào và cần những điều kiện gì để có thể làm tốt việc đó, nhưng rất tiếc là nhà quản lí ở ta lại chỉ giao việc.
Giáo viên sẽ là động lực nếu thực sự có đủ những kỹ năng đặc biệt
Giáo sư Nguyễn Đức Chính phân tích, trong mọi nền giáo dục giáo viên không chỉ là động lực mà là nhân tố quyết định tới chất lượng, hiệu quả của cả nền giáo dục, cũng như của cơ sở giáo dục, của một lớp học, một học sinh cụ thể (đương nhiên giáo viên phải được làm việc trong một cơ chế quản lí phù hợp).
Nói như vậy để một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng không thế thay thế của giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như trong một cơ sở giáo dục. Giáo viên là người trực tiếp lên lớp, trực tiếp đào tạo lớp lớp học sinh năm này qua năm khác, cung cấp cho xã hội những công dân đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi nền giáo dục chuyển từ “chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chủ yếu rèn luyện phẩm chất, năng lực học sinh” thì vai trò quyết định của giáo viên lại được khẳng định một lần nữa.
Nhưng đây chính là một “vật cản” khá lớn, khó có thể khắc phục một sớm một chiều. Với một đội ngũ đông đảo (trên dưới 1 triệu thầy cô), rất nhiều năm chỉ quen cầm sách giáo khoa lên lớp, “truyền thụ” hết nội dung trong sách giáo khoa và làm các việc khác theo cách “cầm tay chỉ việc” của các cấp quản lí.
Đa số giáo viên thiếu trầm trọng kiến thức cơ bản về lí luận dạy học mới, về chương trình giáo dục, về dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, về kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, dùng đánh giá như một phương pháp dạy học, làm công cụ để học… và không có ý niệm về 'dạy cách học'.
Rất tiếc là những kiến thức này chưa được dạy trong các trường đại học sư phạm, đặc biệt là "giáo viên" còn thiếu cả những kĩ năng nghề nghiệp cơ bản.
Việc đào tạo lại đội ngũ này là bài toán khó cần giải của các cấp quản lí. Đó là chưa kể đời sống của đa số giáo viên, nhất là ở các vùng sâu, xa, miền núi hải đảo… còn không ít khó khăn, thiếu thốn. Và còn phải thực hiện hàng “núi” chứng chỉ, sổ sách, hồ sơ… các loại.
Vì vậy trước khi các nhà quản lí mong muốn giáo viên trở thành “ông nọ, bà kia” (nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội và cả nhà cách tân) thì hãy đào tạo lại họ trở thành giáo viên chuyên nghiệp, giáo viên đúng với nghĩa của từ này để có thể thực hiện được thiên chức của nghề là “dạy người”.
“Theo tôi, giáo viên là một nghề. Đã là nghề thì phải có những kĩ năng đặc thù và ai không có những kĩ năng này thì chưa phải là giáo viên”, thầy Chính nhấn mạnh.
Với kiến giải ấy, Giáo sư Nguyễn Đức Chính chỉ ra 3 nhóm tạm gọi là “giáo viên” hiện nay tại Việt Nam:
Thứ nhất, truyền đạt hết nội dung sách giáo khoa (vẫn quen gọi là “thợ dạy”).
Thứ hai, dạy để học sinh thi đỗ.
Thứ ba, dạy để học sinh “thành người” - tức là giúp mỗi học sinh phát huy hết tiềm năng riêng vốn có của mình để thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Vậy cần bồi dưỡng những kĩ năng nghề nghiệp nào để có giáo viên loại thứ ba hay ít nhất cũng là loại 2 và không có giáo viên loại 1?
Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng cần cấp thiết bồi dưỡng, rèn luyện 2 loại kĩ năng:
Một là, kĩ năng phát triển chương trình môn học, bài học
Đây là kĩ năng nghề đặc thù nhất và cũng là quan trọng nhất của nghề giáo viên (tương đương kĩ năng khám bệnh kê đơn, đưa phác đồ điều trị cho từng người bệnh của thầy thuốc). Điều này càng quan trọng khi dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Phát triển chương trình môn học, bài học thực chất là xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình môn học (quốc gia) cho phù hợp nhất với học sinh trường mình, lớp mình, với bối cảnh địa phương mình.
Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình các môn học (quốc gia) qui định các phẩm chất, năng lực chung cũng như chuyên biệt cho học sinh cả nước để rèn luyện trong suốt 12 năm.. Đây là pháp lệnh.
Tuy nhiên, học sinh với tư cách là chủ thể rèn luyện các phẩm chất, năng lực nêu trên, mỗi nơi mỗi khác, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, địa lí, lich sử…. mỗi nơi mỗi khác, các điều kiện cụ thể vể đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kĩ thuật mỗi trường mỗi khác. Và để rèn luyện phẩm chất, năng lực cho những học sinh khác nhau thì mỗi nơi cũng phải mỗi khác.
Mỗi giáo viên phải có kĩ năng căn cứ chương trình quốc gia xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, bài học phù hợp nhất với học sinh trường mình, với điều kiện cụ thể của trường mình, trong bối cảnh thực tế của địa phương mình. Như vậy, nếu các mục tiêu được qui định trong chương trình là chung và duy nhất, thì cách tổ chức rèn luyện cho học sinh, lộ trình… sẽ mỗi nơi mỗi khác.
Và chỉ có bằng con đường như vậy các phẩm chất, năng lực được qui định trong chương trình mới có thể được thực hiện thành công. Không thực hiện được việc này không thể nói tới thành công của đổi mới giáo dục. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quyết định của giáo viên!
Hai là, kĩ năng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh (assessment for learning)
Cần nhớ “học sinh đi học không phải để bị kiểm tra, đánh giá, nhưng học sinh có quyền được đánh giá để ngày càng tiến bộ hơn”.
Đánh giá vì sự tiến bộ người học là đánh giá đặc trưng của giáo dục và chỉ có trong giáo dục. Học sinh đến trường hàng ngày được học, được đánh giá để biết mình đang ở đâu còn thiếu gì cần làm gì để khắc phục những điểm yếu, và hôm nay tiến bộ hơn hôm qua. Đây là quyền của người học.
Rất tiếc là ở Việt Nam hầu hết mới chỉ biết “đánh giá kết quả”, tức là đánh giá thành tích học tập của học sinh sau một giai đoạn học tập. Đánh giá này chỉ phục vụ các nhà quản lí, còn học sinh chỉ biết mình đỗ hay trượt.
Để đánh giá ấy giúp học sinh tiến bộ hàng ngày, trong mỗi bài học giáo viên phải xác định được từng học sinh đang ở đâu, cần đi đến đâu và trong quá trình dạy học xác định được học sinh nào có khó khăn gì để giúp các em đạt mục tiêu học tập.
Sau giờ học phải đánh giá mức độ đạt mục tiêu học tập của học sinh, phát hiện học sinh chưa đạt mục tiêu để hỗ trợ hoặc hướng dẫn các em tự khắc phục. Nếu tất cả học sinh, bài nào cũng đạt tất cả các mục tiêu học tập thì việc kiểm tra đánh giá cuối cùng sẽ rất vui vẻ vì giáo viên biết chắc chắn rằng toàn thể học sinh của mình sẽ đạt.