Những nhà nông thời công nghệ 4.0
Những năm gần đây, nhờ việc ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ 4.0, ngành nông nghiệp của tỉnh nâng cao năng suất, sản lượng, cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đồng thời hình thành đội ngũ nhà nông mới, hiện đại, tiên tiến biết tận dụng mạng xã hội để kết nối và phát triển mối hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và từng bước làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Công nhân Nông trại Queen Farm, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) thu hoạch sản phẩm rau thủy canh.
Dọc tuyến đường liên xã qua thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương nổi bật lên những khu nhà kính hiện đại, kiên cố của Nông trại Queen Farm. Đây là một trong những nông trại hiện đại bậc nhất của địa phương, đồng thời là điển hình cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại khuôn viên nông trại, những công nhân đang tất bật thu hoạch rau thủy canh và dưa chuột AIKO (giống Nhật Bản). Tuy không phải là những ngày đầu của vụ sản xuất nhưng năng suất của cây trồng vẫn được duy trì, bảo đảm theo tiêu chuẩn. Anh Trần Văn Tân, chủ nông trại chia sẻ: Đầu năm 2018, nông trại đi vào hoạt động và ứng dụng những kỹ thuật hiện đại vào trồng trọt, như: Sử dụng nhà màng, nhà kính để che chắn sâu bệnh, thời tiết; trồng rau thủy canh; ứng dụng lập trình hệ thống tưới, kiểm soát dinh dưỡng tự động... Đồng thời, nông trại còn nhập những giống cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao, như: Dưa lưới Taki, dưa chuột AIKO, KICHI, baby KICHI... về sản xuất. Tuy kỹ thuật sản xuất, khả năng thích nghi của các giống cây mới khó song nhờ tìm tòi, học hỏi nên nông trại đã sản xuất thành công, doanh thu đạt tới 65 triệu đồng/1.000m2/2,5 tháng.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại nông trại của gia đình anh Trần Văn Tân, chính là việc tận dụng mạng xã hội, website... để tìm kiếm, lựa chọn những sản phẩm được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao và quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nông trại còn phát triển theo hướng kết hợp giữa nông nghiệp ứng dụng CNC với du lịch trải nghiệm vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tận dụng du lịch như một “Kênh truyền hình thực tế” để quảng bá quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, tìm kiếm đối tác và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Được biết, thông qua việc tham gia phần mềm “Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn” và bán hàng qua mạng xã hội, hệ thống website... nông trại đã kết nối, ký hợp đồng với 31 đơn vị là siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học trong, ngoài tỉnh để tiêu thụ các sản phẩm rau, củ quả an toàn. Trung bình mỗi ngày trang trại cung cấp cho thị trường hơn 2,5 tạ dưa các loại và gần 1 tạ rau an toàn, doanh thu đạt hơn 20 triệu đồng/ngày...
Trồng dưa Kim Hoàng hậu không phải là mô hình mới, song tại xã miền núi Ngọc Phụng (Thường Xuân), mô hình trồng dưa của gia đình anh Trịnh Như Lực, thôn Xuân Lập lại trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của nhiều người. Không chỉ bởi hiệu quả kinh tế cao, mà hầu hết các khâu từ chăm sóc, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm đều được áp dụng những kỹ thuật hiện đại và công nghệ 4.0. Anh Lực, chia sẻ: Vốn có tình yêu lớn với sản xuất nông nghiệp nên dù công việc trong ngành y tế bận rộn song vẫn quyết tâm đầu tư, sản xuất và gắn bó với nông nghiệp. Do đó, gia đình đã nghiên cứu những kỹ thuật mới vừa hạn chế sử dụng sức lao động vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là: Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới, chăm sóc tự động. Ngoài ra, nắm bắt tâm lý “Trăm nghe không bằng một thấy” và chuộng sản phẩm nhà trồng của khách hàng, anh Lực đã dùng ứng dụng phát trực tiếp video, clip trên mạng xã hội để truyền tải các đoạn hình ảnh về quy trình chăm sóc, bảo quản, đóng gói sản phẩm... Từ đó, lượng khách hàng tìm kiếm, đặt hàng trực tuyến sản phẩm dưa của gia đình anh ngày càng tăng. Với 1.000m2 sản xuất, toàn bộ sản lượng 2,5 - 3 tấn dưa đều được khách đặt hàng qua mạng và tìm đến thu mua. Anh Lực, cho biết: Ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ 4.0 tuy chi phí đầu tư lớn song việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp dễ dàng hơn. Người nông dân không phải sử dụng sức lao động nhiều và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh đã, đang ứng dụng CNC, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hiện nay, hầu hết các mô hình thí điểm và những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ 4.0 được nhân rộng đều đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Điều đáng nói là có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ 4.0 hiện có trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng. Các mô hình này đã tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hình thành một tầng lớp nông dân mới dám nghĩ, dám làm và am hiểu thị trường.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhung-nha-nong-thoi-cong-nghe-4-0/111480.htm