Những nhà văn châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý
Những nhà văn châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn châu Âu. Họ góp phần làm nên một nền văn chương châu Âu đa dạng và đa thanh bằng những tự sự mới và góc nhìn mới.
Tiếng nói của văn học di dân - chủ đề của Những ngày Văn học châu Âu 2025
Sau khi kết thúc hành trình tại TP. Hồ Chí Minh và Huế, từ ngày 8 - 12.5, các nhà văn được mời bởi các Viện văn hóa Đức, Pháp, Anh cùng Đại sứ quán Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech và Italia có mặt ở Hà Nội trong chương trình Những ngày văn học châu Âu 2025.
Những ngày văn học châu Âu năm nay chọn giới thiệu tới người yêu văn chương Việt những nhà văn gốc Việt như Anna Mọi, Clément Baloup, Vanessa Vũ, Khuê Phạm, Cecile Pin, Kim Nguyễn…

BTC thông tin về sự kiện Những ngày văn học châu Âu 2025
Ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết ban tổ chức đã lựa chọn giới thiệu các nhà văn gốc Việt trong sự kiện năm nay để kỷ niệm một năm với nhiều dấu mốc quan trọng giữa châu Âu và Việt Nam.
Ông đánh giá văn chương của những nhà văn châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn châu Âu. Họ góp phần làm nên một nền văn chương châu Âu đa dạng và đa thanh bằng những tự sự mới và góc nhìn mới.
Các nhà văn này cũng ngày càng tham gia sâu hơn, tích cực hơn vào nền văn chương các nước châu Âu và khẳng định được vị trí của mình bằng nhiều giải thưởng.
Theo nhà văn Anna Mọi, các nhà văn gốc Việt tại Pháp có đóng góp quan trọng cho văn chương Pháp. Tại Pháp, đầu những năm 2000 người ta có phân tách văn chương của người Pháp và văn chương của những tác giả không phải người Pháp.
Dù thừa nhận mình là một tác giả viết văn chương bằng tiếng Pháp không phải là người Pháp, nhưng Anna Mọi và nhiều tác giả khác không đồng tình với việc phân chia này.
Theo bà, văn chương chỉ có một loại duy nhất. Và các tác giả không phải gốc Pháp đang đóng góp cho gia tài văn chương Pháp nói chung. Bà kể, gần đây, khi bà sang dự hội thảo ở các trường đại học của Mỹ, bà thấy số sinh viên theo học văn chương Pháp ở đây giảm đi nhiều.
Một số giáo sư nói với bà, nhờ có văn chương Pháp của những người không phải gốc Pháp mà ngành văn học Pháp ở Mỹ còn duy trì được một lượng sinh viên theo học. Các nhà văn không phải người Pháp đang làm giàu cho văn chương Pháp bằng những tiếng nói khác biệt.
Có thể thấy, những nhà văn gốc Việt tại châu Âu đang ngày càng tham gia sâu vào nền văn chương của đất nước mà họ sống. Tại Pháp, tác phẩm của nữ nhà văn Linda Lê được đông đảo độc giả yêu thích.
Năm 2012, cuốn tiểu thuyết Lame de fond (Sóng ngầm) của Linda Lê là một trong bốn cuốn lọt vào vòng chung kết giải Goncourt 2012 - giải thưởng văn chương số 1 tại Pháp.
Còn Anna Mọi đã cho ra mắt 8 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết, trong đó nổi bật là Nọc bướm (Le Venin du papillon) từng đoạt giải Littérature - monde năm 2017.
Năm 2018, bà được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu "Hiệp sĩ về văn chương và nghệ thuật" vì những đóng góp cho giao lưu văn hóa Pháp - Việt.

Các nhà văn chia sẻ tại buổi thảo luận
Tại Đức, nhà báo, nhà văn gốc Việt Khuê Phạm từng đoạt nhiều giải thưởng. Vanessa Vũ cũng nhận nhiều giải thưởng uy tín như Theodor - Wolff - Preis, Helmut - Schmidt - Preis. Cecile Pin là nhà văn mang hai dòng máu Pháp - Việt, lớn lên ở Paris và New York, viết văn chương tiếng Anh.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay Wandering Souls (Những linh hồn phiêu bạt) của cô đã lọt vào danh sách dài giải Women's Prize for Fiction, giải Prix Femina Étranger, và danh sách rút gọn cho giải Waterstones Debut Fiction Prize.
Và còn nhiều nhà văn gốc Việt ở châu Âu đang ngày càng khẳng định được tiếng nói độc đáo của mình trong nền văn chương tại đây.
Những ngày Văn học châu Âu 2025 tại Hà Nội sẽ có các buổi thảo luận, workshop dành cho các cây viết trẻ tại Việt Nam. Đây là sự kiện để độc giả giao lưu với nhà văn lớn, đặc biệt là các nhà văn nữ gốc Việt tại châu Âu.
Những ngày Văn học châu Âu 2025 tại Hà Nội hứa hẹn sẽ là một không gian văn hóa đặc sắc, nơi những tác phẩm nổi bật của văn chương châu Âu đương đại được giới thiệu, đồng thời mở ra những đối thoại ý nghĩa về văn hóa và văn học giữa Việt Nam và châu Âu.