Những nội dung cơ bản của Nghị định về hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính
Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 22/02/2023.
Nghị định số 111/2022/NĐ-CP bãi bỏ các văn bản và quy định sau:
a) Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp;
b) Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/1/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; d) Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.
Bảo đảm thống nhất, giải quyết đồng bộ các chính sách
Theo Bộ Nội vụ, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW1 với chủ trương: “Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc hỗ trợ, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.”.
Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, trong đó nêu rõ chủ trương tiếp tục tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; biên chế được giao giai đoạn 2022 - 2026 không bao gồm lao động hợp đồng.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Để bảo đảm thống nhất, giải quyết đồng bộ các chính sách và thể chế hóa đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, tạo cơ chế để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Công văn số 7253/VPCP-TCCV ngày 07/10/2021, trên cơ sở tổng kết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình hơn 20 năm áp dụng các quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP2 và gần 04 năm thực hiện quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP3, Bộ Nội vụ đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Nghị định về hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.
Nội dung chủ yếu
Nghị định 111/2022/NĐ-CP gồm 4 chương, 16 điều.
Về nội dung:
Chương I Quy định chung gồm 5 điều: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Đối tượng áp dụng; Điều 3. Chính sách của Nhà nước về thực hiện hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Điều 4. Các công việc thực hiện hợp đồng; Điều 5. Hình thức, các loại hợp đồng và điều kiện ký kết hợp đồng.
Chương II Ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ gồm 03 điều: Điều 6. Hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ; Điều 7. Thẩm quyền ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ; Điều 8. Tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ.
Chương III Ký kết hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ gồm 03 điều: Điều 9. Hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập; Điều 10. Tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ; Điều 11. Thẩm quyền ký hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
Chương IV Trách nhiệm thi hành gồm 4 điều: Điều 12. Kinh phí thực hiện; Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp; Điều 14. Hiệu lực thi hành; Điều 15. Trách nhiệm thi hành.
Những nội dung chính sách mới, quy định mới trong văn bản quy phạm pháp luật
Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định 111/2022/NĐ-CP bổ sung đối tượng điều chỉnh áp dụng đối với cả cơ quan hành chính của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
- Bổ sung quy định mới nguyên tắc thực hiện hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời là căn cứ để quy định các nội dung cụ thể của Nghị định.
- Bổ sung cụ thể các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện ký kết hợp đồng. Quy định ưu tiên ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ để thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Quy định không thực hiện ký kết hợp đồng đối với một số vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ làm công tác bảo vệ tại các cơ quan có tính chất quan trọng đặc biệt (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ) và một số cơ quan có tính chất đặc thù (Ngân hàng, kho bạc, kho ấn chỉ thuế, hải quan; lái xe phục vụ Bộ trưởng và tương đương trở lên; lái xe chuyên chở tiền của Ngân hàng, kho bạc).
Đối với các vị trí này được áp dụng chế độ, chính sách như công chức; khi thôi làm nhiệm vụ thì chuyển sang ký hợp đồng lao động.
- Bổ sung quy định cho phép ký kết hợp đồng lao động để thực hiện công việc ở vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết vướng mắc về nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực sự nghiệp y tế và sự nghiệp giáo dục.
- Quy định rõ về kinh phí thực hiện ký hợp đồng để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện và bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các quy định mới; đối với đơn vị nhóm 3 sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp để thực hiện hợp đồng; ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có), bảo đảm không làm tăng tổng chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.
Đối với đơn vị nhóm 4 thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế thì kinh phí thực hiện hợp đồng đối với số lao động hợp đồng do Hội đồng nhân dân nơi tổ chức chính quyền đô thị và nơi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định được bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương (ngoài kinh phí giao tự chủ của đơn vị).
Đối với các đơn vị trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý ở Trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách.
- Các nội dung mới bổ sung không phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính; bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, cán bộ, công chức, viên chức, dân sự và không phát sinh nội dung đặc thù về giới và bình đẳng giới trong Nghị định./.