NHỮNG NỘI DUNG LỚN ĐƯỢC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM THẢO LUẬN TẠI KỲ HỌP THỨ 5 VỀ DỰ ÁN LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (SỬA ĐỔI)
Theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khóa XV, sáng 28/8, các đại biểu sẽ cho ý về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, dự án Luật này đã nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 5, đã có 151 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trong không khí thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm và tập trung vào các vấn đề được gợi ý thảo luận. Trong đó, nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, đối với hồ sơ dự án Luật, quá trình chuẩn bị rất công phu và nhiều nội dung rất phù hợp.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu thấu đáo từng nội dung của dự thảo Luật bảo đảm hợp Hiến, hợp pháp, tính tổng thể, thống nhất, phù hợp và có tính kế thừa các quy định của các luật liên quan như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Cư trú, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Giao dịch điện tử và bảo đảm phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo Luật liên quan đến quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định và bảo hộ, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể ngay trong Luật để tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế quy định ở văn bản dưới luật.
Về tên gọi của dự thảo Luật là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí với tên gọi là Luật Căn cước để phù hợp với đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật. Một số ý kiến cho rằng, nếu sử dụng tên gọi là Luật Căn cước thì đề nghị có đánh giá tác động kỹ, sâu, rộng về đối tượng điều chỉnh, về kinh phí. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Căn cước công dân vì cho rằng lý do được Ban soạn thảo đưa ra chưa phù hợp, chưa cần thiết thay đổi tên gọi và gây nhiều hệ lụy. Dự thảo Luật chỉ bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam nhưng số lượng rất ít, nếu đổi tên Luật sẽ dẫn đến nhiều nội dung trong dự thảo Luật phải điều chỉnh (giấy tờ liên quan phải thay đổi, tất cả các loại mẫu biểu, các văn bản pháp lý kèm theo sẽ phải sửa; khi đến hạn đổi thẻ phải đổi sang mẫu mới thì công dân phải nộp lệ phí…) gây tốn kém, lãng phí. Tờ trình không có bất kỳ lý giải nào, quy định đối với người gốc Việt Nam cũng mang tính nguyên tắc để cấp giấy chứng nhận căn cước, còn chủ yếu vẫn quy định về căn cước công dân và cho rằng nên điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam tại điều khoản thi hành hoặc bằng Nghị quyết công nhận họ có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam.
Cho ý kiến về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, một số ý kiến đề nghị đánh giá tính hợp lý, những tác động đến an ninh, quốc phòng liên quan đến việc sử dụng tên gọi giấy chứng nhận căn cước; đề nghị nghiên cứu quy định phù hợp, đồng thời tránh xung đột với Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định pháp luật có liên quan khác. Một số ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn, quy định tiêu chí để xác định người gốc Việt Nam bảo đảm bao hàm hết đối tượng điều chỉnh tại Điều 2 và có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc cấp giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam không có quốc tịch nhưng đang cư trú tại Việt Nam, cũng như đảm bảo các quyền và lợi ích mà họ đang được hưởng. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện cấp Giấy chứng nhận căn cước; quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quản lý; cơ quan, tổ chức được quyền thu thập, cập nhật, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin về người Việt Nam
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10); thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16): Nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 10 và Điều 16, đồng thời đề nghị rà soát các trường dữ liệu để tránh việc thu thập, cập nhật những thông tin không cần thiết, dễ thay đổi, để bảo đảm tính ổn định của điều luật (08 ý kiến); tuy nhiên còn băn khoăn về cơ sở để thực hiện và tính bảo mật đối với cơ sở dữ liệu được quy định tại 2 Điều này vì có quá nhiều thông tin, vì vậy, đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về những thông tin bổ sung theo chính sách mới (sự cần thiết, tính bắt buộc trong công tác quản lý nhà nước, tính tự nguyện theo yêu cầu của người dân, tính đặc thù cho nhóm đối tượng nhất định…)
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước: Một số ý kiến đề nghị giữ tên là thẻ căn cước công dân vì giải thích chưa thuyết phục; ngoài ra, thời gian vừa qua đã thay đổi quá nhiều loại thẻ khác nhau, nếu lại thay đổi sẽ gây tốn kém và xáo trộn tâm lý người dân. Một số ý kiến đề nghị rà soát nội dung thể hiện trên thẻ căn cước để hạn chế sự trùng lặp giữa các trường thông tin của công dân, bảo đảm sự thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân là thẻ căn cước và hộ chiếu.
Nhiều ý kiến nhất trí về quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Trong khi đó cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi vì chưa phù hợp với tính chất và quy định về căn cước công dân, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí nguồn lực và tăng chi phí, tăng gánh nặng với ngân sách nhà nước. Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hơn về tác động tiêu cực, tích cực so với chi phí của các giải pháp để làm cơ sở quyết định chính sách cũng như tăng cường tính thuyết phục đối với các giải pháp đã lựa chọn. Đề nghị rà soát đảm bảo thống nhất với các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật khi quy định người dưới 14 tuổi có thẻ căn cước công dân, nhất là vấn đề các chế định đại diện theo pháp luật, đặc biệt là vấn đề dân sự.
Về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước: Nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị làm rõ phạm vi tích hợp đến đâu và như thế nào để bảo đảm khả thi; đề nghị rà soát bảo đảm liên thông giữa các cơ sở dữ liệu để sử dụng thông tin trên thẻ căn cước. Quy định có tính chọn lọc, chỉ tích hợp những thông tin cần thiết (như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn và giấy phép lái xe) và có biện pháp bảo mật thông tin hiệu quả, không chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý căn cước mà cần xử lý nghiêm cả các đơn vị kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin cá nhân bị rò rỉ ra bên ngoài; đồng thời bảo đảm tính bảo mật, không để lộ, lọt thông tin. Có ý kiến cho rằng, đây là một chính sách mới, tuy nhiên dự thảo Luật quy định quá sơ sài; đề nghị đánh giá và giải thích rõ; đồng thời, đề nghị bổ sung các quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tích hợp thông tin.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nhiều nội dung cụ thể khác của dự án Luật như về cấp, quản lý căn cước điện tử; nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; về quyền và nghĩa vụ về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; các hành vi bị nghiêm cấm; về thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; về số định danh cá nhân; giá trị sử dụng của thẻ căn cước; độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước; các quy định về cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (các trường hợp, thời hạn, nơi làm thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp đổi…); về thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất; về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lệ phí cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; trách nhiệm quản lý nhà nước; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ. Đông thời, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 25, tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79322