Những nơi lưu dấu chân Bác Hồ ở Văn Lâm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1946 - 1966, Người đã 10 lần về thăm Hưng Yên, trong đó huyện Văn Lâm vinh dự được đón Bác 2 lần. Những nơi lưu dấu chân Bác, nay đã trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tượng đài lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm tại xã Lạc Đạo

Hình ảnh Bác Hồ trong bộ trang phục giản dị, dáng đi nhanh nhẹn, trò chuyện thân tình, gần gũi với người dân vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều bậc cao niên ở xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù). Năm 1958, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về làm thủy lợi để chống hạn, xã Vạn Xuân phát động phong trào làm thủy lợi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã với khẩu hiệu quyết tâm “Vạn Xuân vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” và “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Khoảng hơn 2 tháng, toàn xã huy động được trên 7 vạn ngày công, nạo vét trên 10 nghìn m3 đất bùn, đào mới kênh mương dài 2 km dẫn nước từ sông Xuân Cầu về xã; nạo vét 89 mạch ngoài đồng, 105 ao làng để lấy nước tưới cho lúa chiêm xuân, cứu mạ mùa và bảo đảm nguồn nước để cấy, trồng hết diện tích theo kế hoạch, đưa năng suất lúa bình quân toàn xã lên 95 kg thóc/sào, vượt 9 kg thóc/sào so với kế hoạch đề ra. Do đạt những thành tích đặc biệt này, xã Vạn Xuân được Tỉnh ủy Hưng Yên và Huyện ủy Văn Lâm trao lá cờ “Chống hạn khá nhất” do Bác Hồ tặng tháng 6.1958.

Vinh dự hơn, vào ngày 3.7.1958, ngay sau khi dự Đại hội thi đua sản xuất vụ mùa giỏi tỉnh Hưng Yên, Bác về thăm xã Vạn Xuân, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, biểu dương thành tích làm thủy lợi. Dưới tán cây bàng ở trước sân đình thôn Đình Dù, Bác ân cần nói chuyện, động viên người dân thi đua làm thủy lợi, lao động sản xuất... Bác dạy: Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về... Đồng bào phải tích cực làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, hăng hái học tập bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ... Kết thúc buổi trò chuyện, Bác cùng toàn dân hát vang bài Kết đoàn.

Thời gian ngắn được gần Bác, được nghe Bác nói chuyện, động viên đã thôi thúc Chi bộ Đảng và chính quyền xã Vạn Xuân lãnh đạo, vận động Nhân dân thi đua làm thủy lợi, thi đua sản xuất… Đã 64 năm sau ngày Bác về thăm, ở xã Đình Dù vẫn vẹn nguyên niềm tự hào và đoàn kết, đồng lòng thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với sự quan tâm, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại nơi Bác đứng và nói chuyện, động viên Nhân dân xã Vạn Xuân, trở thành biểu tượng tỏ lòng kính yêu và nhớ ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Đình Dù đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Pho tượng Bác Hồ được đặt trang trọng tại gian trung tâm của Nhà lưu niệm. Lời di huấn Bác dạy khi về thăm xã Vạn Xuân: “Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về” cùng với nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Bác… được treo trang trọng. Trong khuôn viên Khu lưu niệm, nơi Bác đứng nói chuyện với người dân dưới gốc bàng được đặt bia ghi dấu địa điểm Bác Hồ đứng nói chuyện với Nhân dân xã Đình Dù.

Rời xã Đình Dù, chúng tôi đến thăm Tượng đài lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm tại xã Lạc Đạo. Ngày 16.10.1958, Bác về thăm công trường đào sâu, mở rộng sông Đậu, đoạn Như Quỳnh - Đoan Khê, thuộc công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Tại cầu Đậu thuộc xã Trung Kiên (nay là xã Lạc Đạo), Người gặp gỡ, nói chuyện với đông đảo cán bộ, dân công của các huyện: Thuận Thành, Gia Lương (Bắc Ninh) và Văn Lâm, Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ, thị xã Hưng Yên (Hưng Yên). Sau khi ân cần động viên Nhân dân và cán bộ trên công trường, Người đã trồng một cây đa bên cầu Đậu.

Để ghi nhớ lời dặn của Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lạc Đạo đã xây dựng Tượng đài lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm. Tượng đài lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm, phía trên có phù điêu chân dung Bác, phía dưới khắc ghi những lời Người: Đến nay, nếu chịu khó vất vả vài tháng, làm xong cho tốt hệ thống mương thủy lợi này mà chẳng những vụ chiêm sắp tới sẽ chống được hạn hán lại sẽ có nước cấy được nhiều hơn mọi năm hàng vạn mẫu nữa…” và “… Phải cố gắng làm thế nào bảo đảm có đủ nước cho vụ chiêm sắp tới được thắng lợi, đem lại no ấm cho đồng bào”.

Ngoài việc cùng với Nhân dân các địa phương khác tham gia tích cực để hoàn thành công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, cán bộ và Nhân dân trong xã còn ra sức thi đua tăng gia sản xuất, đặc biệt là xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Với thành tích xuất sắc trong sản xuất, các hợp tác xã của xã Lạc Đạo đã nhiều lần được tặng danh hiệu đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về động viên.

Khắc ghi những lời dạy và tình cảm chân tình của Bác, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Nhân dân trong huyện đã đoàn kết một lòng khắc phục mọi khó khăn, tích cực tham gia làm thủy lợi, toàn huyện đã khắc phục được hạn hán, phục vụ sản xuất ngày càng phát triển. Hệ thống thủy lợi của huyện Văn Lâm đã được hòa vào công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Đây là tiền đề cơ bản để Văn Lâm đạt nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Đình Dù và Tượng đài lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm tại xã Lạc Đạo đã trở thành địa điểm để cán bộ, đảng viên và Nhân dân đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mỗi dịp lễ, Tết và ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước. Nơi đây cũng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Vinh dự, tự hào được đón Bác về thăm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Văn Lâm luôn khắc ghi lời Bác dạy, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề của từng năm gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác; tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua trong các tầng lớp Nhân dân; chú trọng phát hiện xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến với nhiều nội dung sát với thực tiễn, có chất lượng và có sức lan tỏa lớn. Đồng thời, duy trì và thực hiện tốt việc đăng ký làm theo của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu; gắn việc đăng ký làm theo với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); xác định việc đăng ký làm theo là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm… Từ đó, việc thực hiện Chỉ thị số 05 đã tạo sức lan tỏa sâu rộng tác động tích cực đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Yến

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202205/nhung-noi-luu-dau-chan-bac-ho-o-van-lam-0a0074a/