Những nỗi sợ vô hình của nghề giáo
Đã có những buổi lên lớp nhìn học sinh mình, rồi khi về nhà nhìn những đứa nhỏ nhà mình, tôi lại bật khóc
Nguyên nhân tự tử của cô giáo ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vẫn còn là một uẩn khúc, đang chờ kết luận của cơ quan điều tra. Song, việc này đã khiến những người trong nghề giáo như tôi xót xa, vì cũng có lần tôi từng nghĩ như thế.
Áp lực từ ban giám hiệu đến phụ huynh
Tôi bước chân vào ngành giáo dục cách đây hàng chục năm, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, với tâm thế hăm hở và háo hức. Thế nhưng, cách đây 1 năm, tôi đã gõ cửa các phòng khám tâm lý để chữa chứng rối loạn lo âu. COVID-19 chỉ là một phần, lý do chính là những nỗi sợ đã trở nên thường xuyên mỗi khi đến trường của tôi.
Từ khi nào chẳng biết, nghề giáo đã trở nên rất áp lực. Đối với tôi và nhiều đồng nghiệp, nỗi sợ lớn nhất là phải đứng giữa ban giám hiệu và phụ huynh học sinh. Điển hình là việc ban giám hiệu đưa ra các khoản thu, phụ huynh bức xúc với các khoản ấy sẽ trút tất cả lên giáo viên chủ nhiệm.
Nếu bức xúc ấy không được giải quyết, họ gặp trực tiếp ban giám hiệu. Đương nhiên, sau đó, chúng tôi sẽ nhận lại những lời phê bình vì đã để phụ huynh "quậy" nhà trường. Vậy giải pháp nào cho chúng tôi? Ráng năn nỉ phụ huynh đừng "quậy" hay "cầu xin" sự thấu hiểu của ban giám hiệu?
Trong môi trường làm việc, nếu được ban giám hiệu thấu hiểu, tin tưởng, chấp nhận thì giáo viên còn có thể tìm thấy niềm vui, đến trường còn có động lực nhưng nếu không như thế thì sao? Chúng tôi sẽ đơn thương độc mã trên hành trình làm việc của mình. Một câu nói khi đặt ở ngữ cảnh khác sẽ trở thành vu khống, xúc phạm; một sự la mắng nghiêm khắc đôi khi sẽ trở thành bạo lực bằng lời nói, thậm chí có thể bị quy kết là "trong lời nói có hàm ý tấn công bằng bạo lực".
Những việc như thế sẽ bị ghi lại trong hồ sơ giáo viên, như một vết nhơ về lý lịch và dĩ nhiên sẽ bị cắt thi đua. "Cắt thi đua" là một cụm từ nhạy cảm. Đó là nỗi sợ vô hình bởi bất cứ thứ gì cũng có thể quy vào thi đua, kể cả việc nhỏ như con ong cái kiến là quên ký sổ đầu bài cho tiết dạy.
Có nhiều nơi nếu giáo viên bị ban giám hiệu "để ý", các đồng nghiệp sẽ e ngại tiếp xúc với họ. Đơn giản vì đó là cách duy nhất để tồn tại. Thanh tra về rồi thanh tra lại đi, chỉ có con người là còn đó. Và sự thực là vẫn còn đó những hiệu trưởng vì lợi ích nhóm, bắt giáo viên làm theo và phụ huynh gánh chịu.
Áp lực từ chương trình và môi trường giáo dục
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 thật sự là một áp lực tinh thần cho cả giáo viên và học sinh. Một tiết học có 5-7 hoạt động, tiết học nào cũng như thế, cả thầy và trò mệt phờ. Nhìn học sinh mắt mờ đi vì học, tôi bỗng thấy mình có lỗi biết bao! Có lỗi vì không bảo vệ cho các em có một tuổi thơ trong sáng. Có lỗi vì mình cũng là một mắt xích trong chuỗi những hoạt động ấy.
Đã có những buổi lên lớp nhìn học sinh mình, rồi khi về nhà nhìn những đứa nhỏ nhà mình, tôi lại bật khóc. Từ ngày có chương trình mới, tôi chưa bao giờ ngủ trước 1 giờ sáng. Là một nhà giáo (mà tôi tin mình là một nhà giáo chân chính), tôi luôn trăn trở làm thế nào để tìm ra sự có ích của mỗi bài học; làm thế nào để đến giờ học, chào đón tôi sẽ là niềm vui được gặp người mà học sinh yêu quý. Tôi chỉ có thể cố gắng làm trọn tâm sức của mình.
Thế nhưng, nếu sáng nào bạn cũng đến trường như thế này, liệu có tìm được niềm vui: 6 giờ 45 phút phải có mặt ở trường. Đến sau tiếng trống, tên của bạn sẽ được dán trên bảng tin phòng giáo viên (điều mà một giáo viên tự trọng khó có thể chấp nhận được). Nếu bạn là giáo viên nữ, không mặc áo dài đi dạy sẽ bị nhắc nhở... Bạn phải chứng minh cho quy trình tự đánh giá của bạn. Nghĩa là nếu bạn hết lòng với học sinh, bạn có nghĩa vụ phải định lượng những thứ vốn định tính ấy. Bạn phải định lượng sự "hết lòng" của mình bằng hình ảnh, giấy khen…
Bạn còn phải đăng ký đủ các danh hiệu thi đua, phải nhiệt tình tham gia Công đoàn, tập văn nghệ, thi bài viết… Bạn sẽ "được" thanh tra tiết dạy hoặc hồ sơ, sổ sách…
Trên đây chỉ là những thứ cơ bản. Nhiều người nhắn nhủ tôi đổi nghề. Nhưng tôi nghĩ đó nên là chuyện của tầm chục năm trước, khi tôi còn đủ trẻ và đủ năng lực để tiếp thu công việc mới. Còn bây giờ, tôi ngậm ngùi chấp nhận. Tôi không thể thay đổi, chỉ có thể ao ước môi trường mình đang làm việc sẽ đỡ mỏi mệt và ít nỗi sợ hơn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/nhung-noi-so-vo-hinh-cua-nghe-giao-20221002200909079.htm