Những nông dân sở hữu cây dừa sáp cổ thụ
Dừa sáp - một trái cây đặc sản của vùng đất huyện Cầu Kè và đã có mặt cách đây hơn 100 năm. Ngày nay, tại một số khu vườn (chủ yếu trên đất giồng cát, triền giồng) nằm ven thị trấn Cầu Kè; ấp Chông Nô 1, Chông Nô 2 (xã Hòa Tân), ấp Rùm Sóc, Ô Mịch (xã Châu Điền)... vẫn đang được một số nhà vườn sở hữu những cây dừa cổ thụ có tuổi đời 100 năm, nằm đan xen trong các vườn dừa sáp được phát triển trồng mới.
Nói về những cây dừa sáp cổ thụ 100 năm tuổi trong khu vườn của gia đình, bà Thạch Thị Ngọc Dung (76 tuổi) ở Khóm 2, thị trấn Cầu Kè cho biết: gia đình có hơn 0,4ha đất vườn, xung quanh khu vườn hiện còn 04 cây dừa sáp cổ thụ. Lúc còn nhỏ, đã thấy có những cây dừa này rồi và nghe ba (ông Thạch Chịa, sinh năm 1915, mất năm 2008) kể lại các cây dừa này được các vị sư ở chùa Chợ cho về trồng.
Cũng theo bà Thạch Thị Ngọc Dung, do việc thu hoạch các cây dừa sáp cổ thụ như thế rất khó, vì quá cao (gần 20m), nên người mua dừa cũng không chịu hái; một phần là trái dừa có sáp trên cây dừa lâu năm cũng giảm. Vì vậy, nhiều gia đình buộc phải đốn bỏ và trồng thay vào những cây dừa sáp mới lại.
Dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột, mang hương vị đặc trưng riêng khi nhắc đến dừa sáp Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng. Ngày nay, trái dừa sáp đã mang lại nguồn thu nhập bền vững, giúp cho người dân vươn lên giảm nghèo, đặc biệt là trong vùng đồng bào Khmer.
Ông Thạch Niên (63 tuổi) ở ấp Ô Mịch, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè là một trong rất ít nhà vườn ở xã còn chăm sóc cây dừa sáp cổ thụ, khoảng 100 năm tuổi. Ông chia sẻ: hiện gia đình vẫn còn 17 cây dừa sáp có tuổi đời 100 năm còn sót lại trong vườn dừa hơn 0,47ha, nhiều cây dừa vẫn lưu giữ các mãnh đạn ghim vào do chiến tranh. Theo mẹ của ông (cụ bà Thạch Thị Phương, sinh năm 1928, mất năm 2018) kể lại thì số dừa trên đã có trong vườn từ khi cụ bà còn nhỏ; như vậy theo ước tính, các cây dừa này có độ tuổi hơn 100 năm.
Cũng theo ông Thạch Niên, trước đây trái dừa sáp ít người biết đến; nguyên nhân là hơn 40 - 45 năm trước, mỗi khi đến chu kỳ hái dừa khô, thì trái dừa sáp đã đến giai đoạn lên dầu, không sử dụng được; mỗi người vứt bỏ và nói đó là dừa bị “trăn ăn”. Khoảng 40 - 45 năm trở lại đây, bản thân đã biết và cảm nhận được đó là dừa sáp và bắt đầu mua bán với nhau. Từ những cây dừa sáp này, gia đình tiếp tục chọn lọc và trồng thêm ra; cho đến nay được khoảng 40 cây dừa sáp, số dừa sau này trên dưới 30 năm tuổi.
Hiện toàn huyện Cầu Kè có khoảng 1.140ha dừa sáp; trong đó, trồng tập trung nhiều ở xã Hòa Tân 480ha; Châu Điền 239ha và Hòa Ân 139ha… độ tuổi vườn dừa sáp tập trung nhiều hiện nay, chủ yếu từ dưới 20 năm tuổi.
Theo đồng chí Võ Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân: hiện nay, đối với số cây dừa sáp có độ tuổi từ 70 năm trở lên, trên địa bàn xã còn khoảng 35 cây; tập trung ở ấp Chông Nô 1 và Chông Nô 2; chủ yếu ở các diện tích vườn đất giồng cát, triền giồng.
Có thể nói, những cây dừa sáp giống thuộc dạng cổ thụ có đến 100 năm tuổi hiện đang còn sống rất ít; các nhà vườn của huyện Cầu Kè đã và đang mong muốn tìm các giải pháp để tạo nguồn cây giống đầu dòng để được phục tráng, duy trì và phát triển, nhằm giữ gìn và bảo tồn nguồn gien sáp giống quý.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ