Những nông dân vượt khó làm giàu
ĐBP - Với ý chí quyết tâm và bản lĩnh dám nghĩ dám làm, nhiều nông dân đã vươn lên phát triển kinh tế, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh điển hình...
Chị Hạng Thị Cha, bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch xay xát thóc cho bà con trong bản.
Chị Hạng Thị Cha, bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch là điển hình trong phát triển kinh tế ở huyện Mường Nhé. Từ mô hình vườn ao chuồng kết hợp, hàng năm gia đình chị thu nhập trên 150 triệu đồng. Chị Cha cho biết, cách đây hơn 10 năm, cũng như nhiều hộ trong xã, gia đình chị gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nguyên nhân là do chưa đổi mới trong trồng trọt chăn nuôi. “Tư liệu sản xuất có, đất sản xuất rộng nhưng thời điểm ấy gia đình tôi không canh tác mà lại bỏ trống. Được cán bộ xã vận động, gia đình tôi mạnh dạn huy động vốn, vay mượn họ hàng, người thân mua 5 cặp lợn nái về nuôi. Đồng thời, tận dụng những khu vực đất trũng đào ao thả cá. Mấy năm đầu, làm ăn cũng tạm ổn, gia đình tôi tiếp tục dành quỹ đất trồng cỏ, mua trâu, bò về nuôi” - chị Cha chia sẻ. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Cha cơ bản đã phát huy hiệu quả. Hiện, gia đình chị đang sở hữu trang trại hơn 30 con trâu, bò; 40 con lợn; gần 50 con dê, ngựa; hơn 2.000m2 ao cá. Ngoài ra, chị Cha còn làm thêm dịch vụ máy xay xát phục vụ dân bản.
Ông Lò Văn Tắn, bản Ho Cang, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) cũng là gương điển hình trong phát triển kinh tế. Ông Tắn cho biết, trước đây kinh tế gia đình rất nhiều khó khăn, không ổn định, do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nhiều lúng túng, bế tắc. Thu nhập chỉ đủ ăn và đáp ứng chi phí tối thiểu trong sinh hoạt của gia đình. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện, nhất là sự động viên của các cấp hội nông dân, ông Tắn đầu tư toàn bộ số vốn 200 triệu đồng để đào ao thả cá với diện tích 4.000m2; hơn 6.000m2 trồng rau màu và nuôi hơn 10 con gia súc. Theo ông Tắn, đối với diện tích rau màu, mỗi năm ông thu nhập trên 30 triệu đồng; cá giống, cá thịt, hàng năm xuất bán ra thị trường thu nhập 218 triệu đồng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Tắn còn đầu tư vốn làm dịch vụ tổng hợp về nông nghiệp, như: Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại, máy móc phục vụ nông nghiệp và một số dịch vụ khác, thu nhập mỗi năm từ loại hình này trên 60 triệu đồng.
Cũng như chị Cha, ông Tắn, chị Chui Thị Xứng, tổ dân phố 10, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) là gương điển hình phát triển kinh tế ở địa phương. Xuất phát từ gia đình nhiều khó khăn, thiếu ăn thường xuyên, không có trâu bò cày kéo, đến vụ phải đi thuê sức kéo. Nhận thức được vấn đề, cùng với quyết tâm của 2 vợ chồng, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là Hội Nông dân huyện Mường Chà, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cho các hộ nghèo vay vốn để tạo công ăn việc làm. Đến nay gia đình chị Xứng đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành hộ khá của thị trấn và huyện. Cơ sở, vật chất phục vụ cho gia đình đầy đủ hơn, hiện gia đình chị Xứng còn xây được ngôi nhà kiên cố, mua sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh và nhiều trang thiết bị khác phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình. Chia sẻ về cách phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Xứng cho hay, cách đây hơn 5 năm, được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị đã đầu tư mua máy xay xát. Thấy cách làm này hiệu quả, trong khi nhiều người đến xát thóc không lấy cám, gia đình đã quyết định vay mượn thêm tiền mua lợn, trâu sinh sản và đầu tư chuồng trại nuôi gia cầm. Qua nhiều năm làm ăn, lũy tích kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế, đến nay, gia đình chị Xứng đang sở hữu trang trại với hơn 100 con lợn sinh sản; gần 1.000 con gia cầm và gần 20 con trâu sinh sản. Tổng thu nhập mỗi năm trừ chi phí gần 300 triệu đồng.
Ông Tắn, chị Cha, chị Xứng chỉ là 3 trong số rất nhiều nông dân trong tỉnh thời gian qua vượt khó vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với tư duy dám nghĩ, dám làm, khi thành công, họ đã không ngần ngại hỗ trợ, truyền cảm hứng cho nhiều nông dân khác vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.