Những nữ nghệ sĩ đưa nghệ thuật Estonia ra thế giới

Từ các hội chợ nghệ thuật Manhattan đến Venice Biennale, một thế hệ nghệ sĩ và chủ phòng trưng bày nghệ thuật người Estonia đang đưa nền sáng tạo của đất nước này gia nhập bản đồ sáng tạo thế giới.

Hai nữ nghệ sĩ Olga Temnikova và Margot Samel

Hai nữ nghệ sĩ Olga Temnikova và Margot Samel

Không nao núng trước thị trường vốn đã đông đúc của thành phố, hai chủ phòng trưng bày người Estonia đã quyết định tạo dấu ấn của mình tại New York trong năm nay, với một chút phong cách Baltic đặc trưng.

Theo đó, triển lãm nghệ thuật Alternative Esther đã mời các nhà sưu tập, đại lý, những người yêu nghệ thuật đến trải nghiệm kiến trúc và lịch sử của Ngôi nhà Estonia tại Manhattan. “Theo một cách nào đó, nơi này được coi như lãnh thổ của Estonia”, Olga Temnikova, người làm việc tại phòng trưng bày Temnikova & Kasela (có trụ sở tại Tallinn), cùng với Margot Samel, người sáng lập phòng trưng bày nghệ thuật Tribeca, cho biết. Cả hai nghệ sĩ đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của thế giới đến bối cảnh nghệ thuật Estonia.

Alternative Esther được thiết kế để trở thành một triển lãm nghệ thuật hoàn toàn khác: quy mô nhỏ (với 26 phòng trưng bày tham gia) và mang tính xã hội. Triển lãm được đánh giá có tầm quan trọng đáng kinh ngạc về mặt văn hóa, lịch sử và kiến trúc…, tất cả những điều đó được tận dụng và tạo ra một môi trường hơi khác lạ để các phòng trưng bày và nghệ sĩ có thể thử nghiệm. Nghệ sĩ Samel chia sẻ: “Toàn bộ chương trình tập trung vào các buổi biểu diễn, tọa đàm nghệ thuật thay vì xoay quanh các giao dịch mua bán tác phẩm nghệ thuật, mặc dù triển lãm khá thành công về mặt tài chính. Tại đây còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ Latvia, Lithuania, Romania và Georgia”. Temnikova và Samel hào hứng với ý tưởng “các nghệ sĩ tạo ra tác phẩm ở vùng ngoại vi và đưa họ đến trung tâm".

Tuy nhiên, khi nói đến việc đưa nghệ sĩ lên sân khấu quốc tế, chưa sự kiện nào vượt qua Venice Biennale. Nếu có ai biết về tầm quan trọng lâu dài của triển lãm nghệ thuật đương đại hoành tráng thì đó chính là Maria Arusoo. Bà là người đứng đầu Trung tâm Nghệ thuật đương đại Estonia (ECCA), người ủy quyền của gian hàng Estonia tại Venice Biennale từ năm 1999. ECCA cũng là trung tâm chuyên môn lâu đời nhất về nghệ thuật đương đại tại Estonia.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là đóng góp và phát triển lĩnh vực nghệ thuật đương đại địa phương, đưa các mối liên hệ và dự án quốc tế vào cũng như tìm kiếm các khả năng cho nghệ thuật Estonia trên trường quốc tế. Chúng tôi giới thiệu nghệ thuật Estonia thông qua các dự án hợp tác”, bà Arusoo cho biết. Đối với hầu hết các nghệ sĩ, Venice Biennale đã như một tượng đài, nhưng cũng là một động lực thực sự mạnh mẽ hướng đến quốc tế.

Tháng 11 tới, các tác phẩm của Edith Karlson - người nổi tiếng nhất với các tác phẩm điêu khắc kết hợp hình dạng động vật hình người, sẽ được phòng trưng bày Temnikova & Kasela mang đến Venice Biennale với triển lãm Hora Lupi. “Đối với các nghệ sĩ Estonia, bối cảnh quốc tế đa dạng mang tính kích thích quan trọng. Đó cũng là một trải nghiệm thực sự đặc biệt và xúc động khi đem triển lãm nghệ thuật của mình ra thế giới để xem nó quan trọng và được truyền tải tốt như thế nào”, Edith Karlson cho biết.

Với nhiều cách thể hiện, thiết kế xã hội của triển lãm Alternative Esther là biểu tượng của tình cảm, tạo ra diễn đàn thảo luận không chỉ trong giới nghệ thuật Estonia mà còn là nơi các nghệ sĩ, chủ phòng tranh giao lưu với nhau và với giới nghệ thuật quốc tế.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-nu-nghe-si-dua-nghe-thuat-estonia-ra-the-gioi-post755584.html