Những nút thắt chính trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Hamas

Đề xuất mới nhất về một lệnh ngừng bắn ở Gaza mặc dù nhận được sự ủng hộ của hầu hết cộng đồng quốc tế, nhưng hai bên chính trong đàm phán là Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel chưa hoàn toàn chấp thuận.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim al-Thani tại cuộc họp báo ở Doha ngày 12/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim al-Thani tại cuộc họp báo ở Doha ngày 12/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, trong một tuyên bố vào đầu tuần này, Hamas cho biết lực lượng này hoan nghênh nghị quyết ngừng bắn tại Gaza đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Nghị quyết này do Mỹ đề xuất. Hamas chấp nhận nghị quyết chung, song yêu cầu chỉnh sửa.

Về phần mình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu công khai phản đối các điều kiện được đặt ra trong kế hoạch đề xuất của Mỹ.

Đang có chuyến công du thứ 8 trong khu vực kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, tại Qatar, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/6 nói với hãng tin AP rằng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại. Nhưng nhà ngoại giao này cho biết Hamas đã yêu cầu chỉnh sửa một số điều kiện.

Mặc dù Ngoại trưởng Blinken từ chối tiết lộ rõ hơn song theo những tuyên bố gần đây giữa các quan chức Israel và Hamas, hai bên dường như vẫn bị chia rẽ trong nhiều vấn đề vốn dĩ kéo dài trong nhiều tháng qua.

Dưới đây là một vài điểm “tắc nghẽn” chính trong quá trình đàm phán của hai bên.

Chấm dứt chiến tranh

Tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6. Ảnh: THX/TTXVN

Tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6. Ảnh: THX/TTXVN

Hamas khẳng định họ sẽ không thả những con tin còn lại trừ khi đạt được một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và lực lượng Israel rút toàn bộ khỏi Gaza. Trước đó, vào ngày 31/5, khi công bố đề xuất hòa bình mới nhất, Tổng thống Joe Biden công cho biết kế hoạch này có bao gồm cả 2 điều kiện trên.

Hamas cũng đang tìm cách giúp hàng trăm người Palestine bị Israel giam giữ được trả tự do. Những người đang bị giam giữ này gồm cả các nhà lãnh đạo chính trị và các tay súng bị kết tội dàn dựng các cuộc tấn công chết người nhằm vào dân thường Israel.

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu luôn nói rằng Israel kiên quyết cam kết triệt tiêu khả năng quản lý và quân sự của Hamas, đồng thời đảm bảo lực lượng này không bao giờ có thể thực hiện một cuộc tấn công kiểu ngày 7/10/2023 nữa. Việc rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Gaza đồng nghĩa với việc để nhóm này kiểm soát lãnh thổ và có thể tái vũ trang.

Bên cạnh đó, Israel vẫn chưa đưa ra kế hoạch quản lý Gaza hậu chiến. Thậm chí nước này còn bác bỏ đề xuất của Mỹ thành lập một nhà nước Palestine.

Đi đến giai đoạn thứ 2 trong đề xuất

Xe tải chở hàng viện trợ từ bến tàu nổi do Mỹ xây dựng vào Dải Gaza ngày 17/5. Ảnh: THX/TTXVN

Xe tải chở hàng viện trợ từ bến tàu nổi do Mỹ xây dựng vào Dải Gaza ngày 17/5. Ảnh: THX/TTXVN

Trong kế hoạch gồm 3 giai đoạn do Mỹ đề xuất, giai đoạn đầu tiên kéo dài 6 tuần, trong đó Hamas sẽ thả một số con tin để đổi lấy việc Israel rút quân khỏi các khu vực đông dân cư của người Palestine để họ có thể trở về nhà, đồng thời tăng cường viện trợ nhân đạo.

Hai bên dự kiến sử dụng khoảng thời gian 6 tuần này để đàm phán một thỏa thuận về giai đoạn thứ hai, bao gồm việc thả tất cả các con tin còn sống, là các binh sĩ nam, và Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza.

Tuy nhiên, để đi đến giai đoạn hai là cả một quy trình phức tạp. Cả hai bên phải đồng ý về các chi tiết của thỏa thuận.

Hamas tỏ ra lo ngại Israel sẽ tiếp tục chiến tranh khi những con tin dễ bị tổn thương nhất được trao trả. Hay thậm chí đến thời điểm đó, Israel có thể đưa ra những yêu cầu không nằm trong thỏa thuận ban đầu và không được Hamas chấp nhận, từ đó lấy cớ tiếp tục cuộc chiến.

Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, ông Gilad Erdan cho biết Israel sẽ yêu cầu trong các cuộc đàm phán giai đoạn 1 rằng phải loại bỏ quyền lực của Hamas.

"Chúng tôi không thể đồng ý để Hamas tiếp tục cai trị Gaza vì khi đó Gaza sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa cho Israel”, Đại sứ Erdan nói với chương trình "The Source" của CNN trong ngày 10/6.

Không chỉ vậy, Israel cũng cảnh giác với điều khoản giai đoạn 1 có thể được kéo dài hơn 6 tuần nếu như các cuộc đàm phán cho giai đoạn thứ 2 chưa kết thúc. Tel Aviv cho rằng điều khoản này cho Hamas cơ hội tiếp tục những cuộc đàm phán “vô tận và vô nghĩa”.

Hóa giải ngờ vực giữa kẻ thù lâu năm

Một nhóm người biểu tình kêu gọi ngừng bắn và thả con tin. Ảnh: Vũ Hội - P/v TTXVN tại Israel

Một nhóm người biểu tình kêu gọi ngừng bắn và thả con tin. Ảnh: Vũ Hội - P/v TTXVN tại Israel

Một trong những khúc mắc lớn trong hòa giải hai bên là sự thiếu tin tưởng hoàn toàn giữa Israel và Hamas, vốn đã trải qua 5 cuộc chiến đối đầu và thề tiêu diệt lẫn nhau.

Tiếp đến là những sức ép mạnh mẽ và trái ngược lên Thủ tướng Netanyahu, khiến ông có nhiều lần có những quan điểm không đồng nhất về đề xuất ngừng bắn mới.

Hàng nghìn người Israel, bao gồm gia đình các con tin, đã biểu tình trong những tháng gần đây để yêu cầu chính phủ đưa những người bị bắt về nhà. Nhưng các đối tác cực hữu trong liên minh của Thủ tướng Netanyahu lại bác bỏ kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn và đe dọa sẽ lật đổ chính phủ nếu ông Netanyahu kết thúc chiến tranh mà không tiêu diệt được Hamas.

Khó có thể tưởng tượng Israel hay Hamas hoàn toàn từ bỏ đàm phán. Đối với Israel, điều đó đồng nghĩa với hành động bỏ rơi nhiều con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza. Đối với Hamas, điều đó sẽ kéo dài sự đau khổ của người Palestine ở Gaza và Israel có thêm thời gian để tiêu diệt lực lượng này.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters/AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-nut-that-chinh-trong-dam-phan-hoa-binh-giua-israel-va-hamas-20240613104237823.htm