Những 'ông đỡ' của đà điểu
Chỉ những công nhân lành nghề mới dám đỡ đẻ cho đà điểu nếu không muốn con trống tung những cú đá trời giáng để bảo vệ con mái.
Ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống đà điểu Khatoco (Khánh Hòa), cho biết Trung tâm có 2 trang trại nuôi đà điểu rộng 80 ha và 50 ha. Ở trang trại thứ nhất là nuôi đà điểu sinh sản, khu ấp trứng, om đà điểu con. Trang trại thứ 2 sẽ nuôi thương phẩm những đà điểu lớn từ 5 tháng trở lên.
Trại đà điểu thành lập từ năm 2004 là trại lớn nhất của cả nước. Hiện nay, Trung tâm đang có đàn sinh sản từ 600-700 con mái, mỗi năm cho ra đời 12.000 con đà điểu con cung cấp cho thị trường cả nước về con giống. Số đà điểu thương phẩm mà công ty để lại nuôi khoảng 7.000-8.000 con, mỗi một năm đưa ra thị trường trên 300 tấn thịt, da, trứng.
Đà điểu còn mang đặc tính của động vật hoang dã nên sức đề kháng rất cao, không có nhiều bệnh tật so với vật nuôi khác, dễ nuôi. Thức ăn cũng đơn giản, ngoài thức ăn hỗn hợp thì còn có thức ăn xanh như rau cỏ đều sử dụng được. Duy chỉ có điều nuôi đà điểu cần diện tích rộng để chúng vận động. Đà điểu thương phẩm từ 10 tháng trở lên đã đạt trọng lượng từ 80 - 100kg.
Trong các khu vực của trung tâm thì nuôi đà điểu sinh sản là khó khăn, quan trọng hơn cả. Khu nuôi bố mẹ có khoảng 124 chuồng, mỗi chuồng rộng khoảng 30 m2, dành cho 1 con trống và 2 con mái. Hệ thống chuồng làm bằng lưới B40, có đường chạy đủ dài khoảng 60-100 m để đà điểu thoải mái vận động. Đà điểu sinh sản từ tháng 12 năm này đến giữa tháng 10 năm sau. Mỗi con đẻ khoảng 7-10 quả trứng, nghỉ khoảng 10 ngày rồi tiếp tục đẻ. Trung bình mỗi năm 1 con đà điểu đẻ chừng 50-100 trứng.
Việc quản lý đà điểu ở đây rất khoa học, gắn thẻ bài trên cổ để ghi dòng dõi bố mẹ, sự phát triển hằng năm. Trứng đà điểu ấp khoảng 42 ngày thì nở, trứng cũng được ghi tên bố mẹ để theo dõi sự phát triển. Con trống được lựa chọn thường là những con cân đối, to cao, khỏe mạnh, bố mẹ có thành tích trong đẻ trứng.
Ông Lê Đình Khiêm, công nhân có kinh nghiệm 17 năm tại khu vực sinh sản, cho biết việc ghép con trống và 2 con mái để sinh sản cũng phải xem xét tính khí mỗi con. Mỗi công nhân được giao quản lý khoảng 80 con mái, nhiệm vụ là phải canh chừng và đỡ đẻ. Một đà điểu mái có dấu hiệu bồn chồn, đi lại và uống nước liên tục là sắp đẻ. Muốn đỡ đẻ cho các "chị em" thì phải quen mặt vì đà điểu rất nhát gan, thấy người là chạy nên rất dễ làm vỡ trứng.
Khi đẻ, đà điểu mẹ sẽ hạ hai chân xuống, bắt đầu rặn đẻ. Khi đó, "ông đỡ" nhanh nhẹn lại gần từ từ nhấc đuôi đà điểu lên. Đợi trứng lòi ra liền nhanh tay hứng lấy để tránh vỡ trứng và tránh nhiễm khuẩn. Sau đó, "ông đỡ" sẽ ghi chép số liệu đầy đủ lên vỏ trứng gồm số hiệu cha, mẹ để nhập vào hồ sơ. Ca nào dễ đẻ chỉ cần vài phút là lấy trứng được. Ca khó hơn, trứng lớn hoặc đà điểu nhát, trứng thụt ra thụt vào phải ngồi vuốt ve đến 30 phút mới lấy được trứng.
"Ông đỡ" Khiêm cho biết phải là người làm việc có kinh nghiệm trên 4, 5 năm mới đỡ đẻ được vì con trống có xu hướng bảo vệ con mái nên khi người đỡ đẻ vào không quen mặt thì xù lông, há mỏ khè khè dọa nạt. Mỗi con nặng hơn 1 tạ, cơ chân rất khỏe, nếu khi đỡ đẻ không khéo, không quan sát xung quanh, để đà điểu trống tung cước thì chỉ trọng thương. "Móng của đà điểu khá sắc, lực chân rất mạnh, nhiều trường hợp bị đá rách cả thịt nên phải bố trí những khe lách để công nhân kịp thời thoát thân. Cú đá của đà điểu mạnh đến nỗi tung cả hệ thống lưới rào B40.
Ông Ngô Văn Tưởng cho biết thêm, đỡ đẻ cho đà điểu đòi hỏi nhân viên phải chịu khó quan sát, thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc, thấu hiểu tâm sinh lý của từng con một, kể cả con mái lẫn con trống để có cách ứng xử phù hợp, nhằm tránh tình trạng vỡ trứng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhung-ong-do-cua-da-dieu-20230124134214349.htm