Những 'ông lớn' thủy sản tiếp tục chơi vơi

Kinh doanh thủy sản tiếp tục ghi nhận sự giảm tốc trong 9 tháng đầu năm khi hàng loạt 'ông lớn' thủy sản báo giảm lãi đáng kể so với cùng kỳ. Dù vậy, hoạt động xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ đảo chiều vào năm sau.

Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 4 năm 2019 (niên độ tài chính kết thúc vào ngày 30-9). Theo đó, doanh thu trong năm tài chính 2018-2019 đạt hơn 3.951 tỉ đồng, giảm gần 52% so với năm trước đó.

HVG tiếp tục ghi nhận khoản thua lỗ với lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ là âm 476 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ trước đó lãi hơn 16 tỉ đồng, dẫn đến lỗ lũy kế hiện nay là gần 892 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính, một trong những nguyên nhân thua lỗ của HVG là vì không bán được hàng, tồn kho tăng đáng kể (hơn 664 tỉ đồng).

 Doanh thu Hùng Vương tiếp tục xu hướng giảm. Nguồn: Vietstock

Doanh thu Hùng Vương tiếp tục xu hướng giảm. Nguồn: Vietstock

Dù vậy, HVG không phải là công ty thủy sản duy nhất bán không được hàng. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), công ty chế biến cá tra đầu ngành ở Đồng Tháp có thị giá lớn nhất ngành hàng này trên sàn chứng khoán, cũng công bố những báo cáo kết quả kinh doanh không thuận lợi.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2019, doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm nay đạt 5.696 tỉ đồng, giảm gần 13,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 981 tỉ đồng, giảm 5,3%.

Theo giải trình của VHC, nguyên nhân kết quả kinh doanh không tốt là vì sản lượng bán và giá bán bình quân giảm. Trước đó, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán ACBS cho biết đây là kết quả có thể dự đoán từ trước vì nhu cầu từ thị trường Mỹ (thị trường chủ lực của Vĩnh Hoàn) giảm. Tính trong riêng quí 3-2019, doanh thu VHC đã giảm 25,5% so với cùng kỳ.

Một công ty khác là “vua tôm” Minh Phú, cũng mới chỉ công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quí 3, xin gia hạn nộp báo cáo hợp nhất đến ngày 15-11. Tuy nhiên, trong báo cáo riêng lẻ đã công bố cho thấy lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm đạt 484 tỉ đồng, giảm gần 9,7% so với cùng kỳ. Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất soát xét quí 2 cho thấy lợi nhuận đã giảm 66%. Theo lý giải của Minh Phú, lợi nhuận giảm vì công ty phải mua nguyên vật liệu với giá cao hơn.

Tính chung ngành thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn đối mặt với những khó khăn chung. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế đến hết ngày 15-10-2019, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,58 tỉ đô la, giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017 - 2018, đa phần cổ phiếu thủy sản “bay cao” vì nhiều công ty báo lãi lớn, thêm vào đó là bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng giúp ngành thủy sản xuất khẩu được nhiều hơn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay cổ phiếu trong ngành thủy sản lại sụt giảm đáng kể. Thậm chí đến Vĩnh Hoàn, công ty thủy sản có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán, phải mua vào cổ phiếu quỹ để “trợ giá”.

Dù vậy, bình luận về Vĩnh Hoàn, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định rằng giai đoạn khó khăn hiện tại chỉ mang yếu tố mùa vụ ngắn hạn, và phần nào cũng chịu ảnh hưởng bởi những bất ổn từ thương chiến Mỹ - Trung.

“Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ cá tra của người tiêu dùng vẫn đang tăng lên hàng năm. Việc thủy sản Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cũng mở ra cơ hội tăng trưởng thị phần cho cá tra nói riêng, và ngành thủy sản Việt Nam nói chung”, báo cáo nhận định.

Riêng thị trường cá tra, Công ty chứng khoán Rồng Việt ước xuất khẩu trong năm nay sẽ không đạt kết quả tốt như năm 2018, nhưng bước sang năm sau sẽ có nhiều điểm sáng mới.

 Doanh nghiệp thủy sản có xu hướng chuyển sang thị trường Trung Quốc. Nguồn: ACBS.

Doanh nghiệp thủy sản có xu hướng chuyển sang thị trường Trung Quốc. Nguồn: ACBS.

Trên thực tế, thủy sản Việt Nam rủi ro “đảo chiều” là rất lớn, tùy thuộc vào những cú “hắt hơi sổ mũi” ở thị trường lớn và từng đối thủ cụ thể ở thị trường đó.

Dễ thấy nhất là ở thị trường châu Âu. Sau khi nhận cảnh bảo “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy hải sản từ Việt Nam sang thị trường này đã giảm rõ rệt, từ vị trí lớn thứ 2 tụt xuống thứ 5 trong tốp thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, với tỷ trọng sụt giảm từ 18% xuống 13%, theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Hiện các bên liên quan vẫn đang nỗ lực để giải quyết câu chuyện “thẻ vàng” này.

Trong khi đó, thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, dù giá trị đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt khoảng 1,08 tỉ đô.

Hồi tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%. Còn tôm từ Trung Quốc nhập vào Mỹ đắt hơn do áp thuế bổ sung.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt vẫn đang tìm kiếm cơ hội mới ở thị trường Trung Quốc. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 831,8 triệu đô la, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Mới đây phía Trung Quốc cũng đồng ý bổ sung 3 loại thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào nước này.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/296104/nhung-ong-lon-thuy-san-tiep-tuc-choi-voi.html