Những 'ông mai' kiểm lâm ở Kinh Môn

Từ gặp gỡ, thuyết phục các chủ hộ đến kết nối Tổ chức động vật châu Á, các cán bộ kiểm lâm ở Kinh Môn giống như những 'ông mai', giúp một số động vật hoang dã bị nuôi nhốt được trở về với môi trường tự nhiên.

Đại diện Tổ chức động vật châu Á, chủ hộ nuôi và một số cơ quan chức năng tại buổi bàn giao cá thể gấu ngày 16/10

Đại diện Tổ chức động vật châu Á, chủ hộ nuôi và một số cơ quan chức năng tại buổi bàn giao cá thể gấu ngày 16/10

"Chuyển nhà” cho gấu

Ngày 16/10 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Kinh Môn (Chi cục Kiểm lâm Hải Dương) phối hợp Tổ chức động vật châu Á bàn giao cá thể gấu ngựa nuôi nhốt tại gia đình ông Vũ Đức Ngừng, khu dân cư Tử Lạc, phường Minh Tân (Kinh Môn) về Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế). Đây là cuộc “chuyển nhà” đầy kỳ công cho gấu.

Từ sáng sớm, gần 20 thành viên của đội cứu hộ, Tổ chức động vật châu Á cùng đại diện một số cơ quan chức năng, các cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn đã có mặt tại nhà ông Ngừng. Tiến sĩ Jill Robinson MbE - sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức động vật châu Á có mặt ở đây cho biết, quá trình cứu hộ gấu sẽ được tiến hành tỉ mỉ, cẩn trọng và an toàn.

Sau khi ký biên bản bàn giao giữa các bên, 2 thành viên đội cứu hộ được cử ra khu vực lồng nhốt, cho gấu ăn mật ong để làm quen. Tất cả những ai có mặt ở hiện trường đều được yêu cầu giữ im lặng để gấu bớt căng thẳng trước khi tiến hành gây mê. Hơn 10 thành viên trong nhóm gây mê hội ý nhanh chóng ngay tại sân nhà ông Ngừng, lên phương án tốt nhất để quá trình cứu hộ gấu diễn ra nhanh chóng, an toàn, từ việc gây mê, di chuyển gấu ra khỏi chuồng, khám lâm sàng, vệ sinh cho gấu... Một khu vực cấm được thiết lập gần chuồng gấu, chỉ những người thực hiện nhiệm vụ được ra, vào.

Gấu được khám lâm sàng tỉ mỉ trước khi bàn giao về Vườn quốc gia Bạch Mã

Gấu được khám lâm sàng tỉ mỉ trước khi bàn giao về Vườn quốc gia Bạch Mã

Thao tác nhanh chóng, các bác sĩ tiêm thuốc gây mê nhưng phải 30 phút sau gấu mới ngủ. Bà Jill Robinson MbE là người trực tiếp lấy mẫu máu, lông, vệ sinh tai cho gấu. Một nữ bác sĩ khác đo huyết áp, khám miệng, mắt, bấm móng… cho gấu. Một trợ lý ghi chép các chỉ số sau thăm khám. Ngoài ra, có tới 3 thợ chụp ảnh, quay phim của đoàn ghi lại những khoảnh khắc này.

Gấu được chuyển vào chiếc chuồng mới và đưa lên xe ô tô. Tới 11 giờ, đoàn bắt đầu hành trình 800 km từ thị xã Kinh Môn về Vườn quốc gia Bạch Mã. Để bảo đảm sức khỏe cho gấu, cứ sau 2-3 giờ di chuyển, nhân viên chăm sóc lại kiểm tra, tiếp nước và thức ăn cho gấu 1 lần.

Gấu được vận chuyển lên xe để di chuyển về Vườn quốc gia Bạch Mã

Gấu được vận chuyển lên xe để di chuyển về Vườn quốc gia Bạch Mã

Theo chị Phan Thị Thùy Trinh, Trưởng Phòng Truyền thông, Tổ chức động vật châu Á, hiện cá thể gấu này vẫn đang được cách ly, theo dõi sức khỏe, chữa trị các tổn thương trước khi ghép nhóm và hòa nhập tại Vườn quốc gia Bạch Mã.

Dân vận khéo

Người vui mừng và xúc động nhất trong buổi bàn giao cá thể gấu là ông Vũ Đức Ngừng. Mua gấu về nuôi từ năm 2003, con gấu không chỉ là tài sản mà còn trở thành người bạn, gắn bó với ông suốt 20 năm. “Tôi vui vì từ giờ, gấu có ngôi nhà mới, được chăm sóc trong điều kiện tốt hơn. Vợ chồng tôi tuổi đã cao, việc chăm sóc và lo nguồn thức ăn cho gấu không còn được tốt như trước”, ông Ngừng nói.

Nhờ được các cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn tuyên truyền, vận động, ông Ngừng (thứ hai bên phải) đã tự nguyện giao nộp cá thể gấu cho nhà nước quản lý

Nhờ được các cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn tuyên truyền, vận động, ông Ngừng (thứ hai bên phải) đã tự nguyện giao nộp cá thể gấu cho nhà nước quản lý

Cách đây không lâu, ông Ngừng còn phản đối khi cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn đặt vấn đề đưa cá thể gấu về với môi trường bán tự nhiên. Khi đó, ông cho rằng, con gấu là cả gia tài. Hơn 1 năm qua, nhờ sự kiên trì vận động, tuyên truyền, thuyết phục của các cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, ông đã thay đổi tư duy và quyết định giao nộp gấu cho nhà nước quản lý.

Các cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn không nhớ đã tới gia đình ông Ngừng bao nhiêu lần tuyên truyền, vận động trước khi ông Ngừng đồng ý bàn giao gấu

Các cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn không nhớ đã tới gia đình ông Ngừng bao nhiêu lần tuyên truyền, vận động trước khi ông Ngừng đồng ý bàn giao gấu

Nói về vấn đề này, ông Mao Việt Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kinh Môn cho biết, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là chấn chỉnh tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn, đơn vị đã rốt ráo rà soát, nắm tình hình và triển khai kế hoạch xử lý. Đồng thời tham mưu UBND thị xã ban hành văn bản số 850/UBND-KL, ngày 22/8/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã. “Tuy nhiên, bí quyết để có được sự đồng thuận cao từ phía người dân, việc tuyên truyền không chỉ bằng các văn bản quy định của nhà nước mà còn từ những cơ sở thực tế để người dân thấy sự cần thiết và tự nguyện giao nộp động vật hoang dã đang nuôi nhốt”, ông Mao Việt Hải nói.

Theo ông Hải, việc nuôi nhốt động vật hoang dã trong gia đình luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là với trẻ nhỏ, chưa kể điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc thiếu chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của động vật.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, cá thể gấu ngựa của gia đình ông Ngừng là loài quý hiếm, thuộc nhóm IB cần được bảo vệ. “Chúng tôi cần sự giúp sức của chính quyền địa phương. Cá thể gấu được ông Ngừng nuôi nhốt là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng ở tỉnh Hải Dương được giải cứu. Nếu không có các cán bộ kiểm lâm, có lẽ chúng tôi chưa hoàn thành được sứ mệnh của mình”, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen chia sẻ.

Trước đó, nhờ sự kết nối của cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, Tổ chức động vật châu Á đã bàn giao 25 cá thể khỉ tại chùa Nhẫm Dương về Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu

Trước đó, nhờ sự kết nối của cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, Tổ chức động vật châu Á đã bàn giao 25 cá thể khỉ tại chùa Nhẫm Dương về Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu

Trong tháng 7 và tháng 9 vừa qua, cũng nhờ sự giúp sức của các cán bộ Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, Tổ chức động vật châu Á đã bàn giao 25 cá thể khỉ thuộc 4 loài gồm khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng và khỉ mốc được nuôi trong nhiều năm từ chùa Nhẫm Dương về Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh).

LÊ HƯƠNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-ong-mai-kiem-lam-o-kinh-mon-361734.html