Những phận đời gieo neo (bài 1)
LTS: Sơn La là tỉnh vùng cao biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là trẻ em có không ít mảnh đời éo le, mất cha, mất mẹ, không còn nơi nương tựa. Bằng tình yêu trẻ và mong muốn tiếp sức các em được đến trường, Công an tỉnh Sơn La đã tiên phong xây dựng Đề án 'Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn', đưa các em về trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng tại Công an tỉnh, giúp các em có tương lai tốt đẹp hơn...
Từ tháng 9/2021, Công an tỉnh Sơn La thực hiện Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Đây là một đề án giàu tính nhân văn và nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ, phát huy hiệu quả tích cực; góp phần chắp thêm đôi cánh giúp các em nhỏ thiếu may mắn ở vùng sâu, vùng xa được viết tiếp những ước mơ…
“Cháu chào chú Thiên”, “Chú Thiên kìa Nam ơi!”… tiếng reo vui của 2 anh em Thành và Nam cất lên khi chúng tôi vừa đặt chân đến Phòng Cảnh sát cơ động - nơi các con đang được Công an tỉnh Sơn La trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Là những em nhỏ được Công an tỉnh đón về chăm sóc, nuôi dưỡng đầu tiên, đến nay Thành và Nam đã có một cuộc sống đủ đầy về vật chất, được đến trường và tình yêu thương từ các bố, các mẹ là CBCS Công an và những người bạn xung quanh.
Đến tháng 9/2022, Công an tỉnh Sơn La đã cải tạo và xây dựng nhiều hạng mục về cơ sở vật chất để đảm bảo về nơi ăn chốn nghỉ để các con vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và coi đây là mái ấm để sống, học tập và trưởng thành.
Mỗi cháu nhỏ là mỗi hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Còn nhớ vào tháng 9/2021, Đề án được ra đời, ngày đó Công an tỉnh Sơn La mới chỉ tiếp nhận 4 cháu Lò Lệ Quyên, Lò Thị Diệp, Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Nam Thành… Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc CBCS Công an tỉnh Sơn La, những người sau này trở thành những “bố, mẹ” đón các em về doanh trại. Ngày đó, tôi gặp Nam và Thành, 2 đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, đang sống trong vòng tay của ông bà.
Nguyễn Hoài Nam mười tuổi và Nguyễn Nam Thành tám tuổi đều sống ở thành phố Sơn La. Thoạt nghe, ai cũng tưởng rằng người ở thành phố thì sao mà vất vả, khó khăn, nhưng khi đến nhà và tìm hiểu hoàn cảnh của các em thì mới thấy được rằng các em đã thật mạnh mẽ vươn lên chiến thắng nghịch cảnh. Bố đã mất, mẹ cũng biệt tích bao năm không một dòng thư tay, không cuộc điện thoại. Hai em lớn lên trong vòng tay của ông bà nội, nhưng ông bà đã già yếu, đau ốm thường xuyên. Cơm cháo qua ngày từ trợ cấp 2,5 triệu đồng/tháng của nhà nước với bốn miệng ăn. Nghèo vẫn hoàn nghèo, đói vẫn hoàn đói.
Lò Thị Diệp sống cùng ông bà và anh trai trong căn nhà nhỏ ở bản Hua Pát, xã Chiềng En, huyện Sông Mã (Sơn La); bố mất khi Diệp mới một tuổi, mẹ bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn Lò Lệ Quyên, mười một tuổi, ở bản Nà Cầm, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, bố bị tai nạn qua đời khi em còn nhỏ, mẹ đi làm thuê, cuộc sống của em quanh năm chỉ trong căn nhà liêu xiêu bên vách núi xứ Mường Hung. Đầu năm 2021, mẹ em mất; những tin dữ cứ lần lượt ập đến khiến em như cánh chim bơ vơ giữa đồng rộng. Em về ở với cậu ruột và ông bà ngoại. Mới mười một tuổi nhưng em đã biết làm mọi việc, bàn tay nhỏ nhắn thoăn thoát thái rau cho lợn, cắt cỏ cho trâu bò.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: “Những hoàn cảnh gia đình và nhiều trường hợp rất đáng thương, các cháu cũng như là con của mình, trong khi con của mình được sống bằng sự che chở, chăm sóc trong vòng tay của bố mẹ. Thế còn các cháu thì không có ai cả, chỉ biết trông chờ vào xã hội, những người xung quanh và chính quyền địa phương. Vì vậy, phải có cách nào đó hiệu quả để chăm sóc, giúp đỡ các cháu… Đây cũng là thể hiện sự nhân văn, sự chia sẻ cộng đồng, trách nhiệm xã hội của lực lượng Công an tỉnh Sơn La”.
Không chỉ có Diệp, Quyên, Thành và Nam, còn nhiều em số phận cũng đầy thương cảm. Những ngày tháng 9/2022, chúng tôi cùng đoàn công tác của Công an tỉnh đến xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn để đón 4 em nhỏ là Lý Thị Sông, Lý A Hụ, Lý Thị Dê và Lý A Chợ; các em là con em đồng bào Mông, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chúng tôi đến nơi các em sống hàng ngày, một căn nhà nhỏ nằm giữa mỏm đồi, mùa hè nắng nóng đổ lửa, mùa đông lạnh tím tái người. Những khi gió lớn, cảm tưởng như căn nhà đó sẽ bị gió núi cuốn phăng đi. Ấy vậy mà căn nhà đó đã che mưa, che nắng cho các em nhiều năm nay.
Lần đầu tiên gặp nên cũng không tránh khỏi sự rụt rè, sợ sệt. Ngày đó Lý Thị Sông 10 tuổi, Lý A Chợ bé nhất vừa tròn 6, và có một điều rằng trong bốn em thì chỉ có duy nhất Sông hiểu được tiếng phổ thông và nói bập bẹ được 1-2 từ đơn giản, còn tất cả đều không nói được tiếng Kinh. Tìm hiểu sâu thêm mới thấy xót xa, các em chỉ có một người thân duy nhất là người cậu ruột. Bố các em vì nghiện ma túy nên đã phải chấp hành án từ nhiều năm nay, còn mẹ do bạo bệnh đã mất trong một lần đi làm nương. Bốn chị em có một người chị nữa, nhưng mới 12 tuổi, cũng lang thang nay đây mai đó, chẳng mấy khi về với các em. Do vậy, trong căn nhà xiêu vẹo ấy, bốn chị em Sông, Hụ, Dê, Chợ thân bọc thân, tựa vào nhau mà vất vưởng sống qua ngày. Cuộc sống của các em bơ vơ như con nai của núi, của rừng, nhưng con nai thì vẫn lớn lên trong bầu sữa của mẹ đến khi đủ lớn thì mới thôi, còn các em thì không.
Bước vào căn nhà của các em, bốn bề chắp vá những tấm bạt dứa, một chiếc giường được đan bằng tre, không đệm, không tấm lót và chỉ có duy nhất một chiếc chăn bông hoa gạo đã nhàu nát ngả màu cháo lòng, bốn chị em nằm chung một chiếc. Hơi ấm duy nhất trong căn nhà hiu hắt này chính là bếp lửa, một bếp lửa chờn vờn cùng một chiếc xoong và cái ấm đã hoen gỉ theo thời gian. Những gia đình khác dù khó khăn nhưng nếu còn bố, còn mẹ thì có thể những bữa cơm sẽ được nấu lên cùng với muối trắng, trộn ít rau rừng. Còn bữa cơm của bốn chị em nhà Sông, Hụ, Dê và Chợ là cơm cùng nước lã các em múc ở suối lên.
Đến nay khi được các bố, các mẹ Công an tỉnh Sơn La tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, các em có nhiều thay đổi đáng kể. Ngoài rèn luyện tác phong chuẩn chỉ, đúng giờ, Công an tỉnh Sơn La còn phân công cán bộ, chiến sĩ mỗi buổi tối kèm các em học bài, uốn nắn từng thao tác, từng nét chữ, từng môn học.
Dù vậy, đôi lúc nỗi nhớ nhà vẫn trào lên, hay có những khi các em mải chơi mà không nghe lời, những người “bố”, người “mẹ” không thể dùng kỷ luật để uốn nắn. Khi ấy, những lời nói dịu dàng, cử chỉ ân cần, ấm áp mới chính là “liều thuốc” ngọt ngào trả lại nụ cười hồn nhiên, trong sáng nhất cho các em.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nhung-phan-doi-gieo-neo-bai-1--i709201/