Những phát hiện dầu lớn của Guyana và Suriname thúc đẩy hợp tác năng lượng tại khu vực
Điểm nóng lớn nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới, Guyana và Suriname, đang thảo luận về việc khai thác chung các nguồn khí đốt tự nhiên ngoài khơi bờ biển của hai quốc gia Nam Mỹ láng giềng này.
"Điều đó sẽ không xảy ra vào ngày mai, nhưng điều quan trọng là Guyana và Suriname hiện đều xác nhận chung rằng chúng ta muốn hợp tác. Có thể mất nhiều năm trước khi chúng ta tìm ra một khái niệm khai thác", Annand Jagesar, Giám đốc điều hành của công ty nhà nước Staatsolie nói với hãng tin de Ware Tijd có trụ sở tại Suriname.
Guyana và Suriname sẽ hợp tác trong việc khai thác một số vỉa chứa dầu ngoài khơi, ông Jagesar cho biết thêm. Những phát hiện này có thể bao gồm các phát hiện Makka và Kwaskwasi ở Suriname, gần biên giới với Guyana, và các phát hiện Haimara và Pluma ở Guyana, cũng gần biên giới Suriname.
Guyana và Suriname là tâm điểm của hoạt động thăm dò dầu khí trong những năm gần đây, với hàng tỷ thùng dầu được tìm thấy trong lưu vực trầm tích ngoài khơi của hai nước.
ExxonMobil đã phát hiện ra hơn 11 tỷ thùng dầu tại chỗ ngoài khơi Guyana và đang ưu tiên quốc gia này như một động lực tăng trưởng chính của tài sản và cơ sở khai thác của mình.
Exxon và các đối tác của mình tại lô Stabroek ngoài khơi Guyana, U.S. Hess Corporation và CNOOC của Trung Quốc, hiện đang khai thác toàn bộ dầu tại quốc gia Nam Mỹ này, trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mới nhất vào cuối năm 2019.
Exxon hiện đang khai thác tổng cộng 665.000 thùng dầu mỗi ngày tại Guyana nhưng về lâu dài, mục tiêu sản lượng sẽ đạt hơn 1 triệu thùng/ngày. Tổng sản lượng dầu của quốc gia này dự kiến sẽ tăng lên hơn 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2030, khi chính phủ tìm cách tối đa hóa lợi nhuận từ ngành trước khi nhu cầu tăng trưởng đạt đỉnh theo dự đoán.
Tại Suriname, ông lớn dầu khí nước Pháp TotalEnegies vừa công bố quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án GranMorgu tại Lô 58 ngoài khơi, dự án sẽ khai thác các mỏ dầu Sapakara và Krabdagu.
Dự án dự kiến sẽ bơm 220.000 thùng/ngày ở mức sản lượng cao nhất, sẽ tiêu tốn khoảng 10,5 tỷ đô la, với dự kiến khai thác được dầu đầu tiên vào năm 2028.