Những 'phát súng' đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức leo thang vào thứ Hai khi hai nước liên tục có những biện pháp áp thuế có trị giá hàng trăm tỷ USD với nhau.

Trung Quốc đã chính thức áp thuế đối với gần 14 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Các mức thuế này - nhắm vào dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng cùng nhiều loại máy móc và phương tiện.

Biện pháp này được triển khai chỉ chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế 10% lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hàng năm.

Chưa hết, Tổng thống Trump hôm thứ Hai cũng đã thực hiện lời hứa áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, đẩy mạnh cuộc chiến thương mại đã hứa từ lâu bất chấp cảnh báo từ châu Âu và Trung Quốc.

Trước đó, giới quan sát từng kỳ vọng cuộc điện đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể xoa dịu tình hình, ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã không xảy ra.

Bây giờ câu hỏi đặt ra cho cả hai bên là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẵn sàng đối đầu đến mức nào? Cho đến nay, dù căng thẳng đã bắt đầu, cả hai bên vẫn để ngỏ khả năng đạt được một thỏa thuận.

“Bắc Kinh phản ứng khá kiềm chế trước mức thuế mới của Trump, vì tác động đến Trung Quốc không quá lớn và Chủ tịch Tập Cận Bình muốn giữ đường đàm phán với Trump”, Andy Rothman, CEO của nhóm cố vấn Sinology, nhận định.

Vẫn còn cơ hội đàm phán?

Theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc năm 2024, mức thuế mới của Bắc Kinh - bao gồm 15% đối với một số loại than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và phương tiện - ảnh hưởng đến khoảng 13,86 tỷ USD hàng hóa.

 Cảng Nam Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: GI)

Cảng Nam Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: GI)

Con số này chỉ chiếm dưới 9% tổng giá trị nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi đó, năm ngoái Trung Quốc xuất khẩu hơn 524 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu khoảng 163 tỷ USD từ thị trường này.

Tuần trước, Trung Quốc áp đặt ngay lập tức các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nguyên liệu thô quan trọng trong quốc phòng và công nghệ xanh, đồng thời hạn chế một số công ty Mỹ.

Trong khi đó, mức thuế mới của ông Trump vẫn thấp hơn mức 60% mà ông từng đe dọa, nhưng tiếp tục gia tăng áp lực lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Rothman, ông Trump đang dùng thuế quan như công cụ đàm phán, nhưng chưa rõ mục tiêu cụ thể và mức độ nhượng bộ của ông.

Đáp trả và nhượng bộ

Dù Trung Quốc đang tìm cách tránh một cuộc chiến thương mại leo thang, họ cũng đã chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó, bao gồm cả hình phạt và nhượng bộ, nếu ông Trump tiếp tục gây sức ép.

“Các hành động thương mại của ông Trump sẽ buộc Bắc Kinh phải đáp trả, nhưng lần này có thể theo cách có mục tiêu hơn, thay vì các đòn trả đũa toàn diện như giai đoạn 2018-2019”, Nick Marro, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit, nhận định.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô và khoáng sản quan trọng mà Mỹ coi là thiết yếu cho kinh tế và an ninh quốc gia. Trung Quốc hiện kiểm soát 60% sản lượng và 85% công suất chế biến khoáng sản quan trọng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích và thiệt hại trước khi áp thêm các biện pháp kiểm soát hoặc thuế quan bổ sung.

So với nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Trung Quốc hiện đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các xung đột thương mại. Nhiều công ty đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bắc Kinh còn đang nỗ lực củng cố quan hệ với các đối tác thương mại khác, đặc biệt khi ông Trump gây mâu thuẫn với đồng minh Mỹ trên toàn thế giới, từ Bắc Mỹ cho đến châu Âu.

Hà Trang (theo CBS, Reuters, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-phat-sung-dau-tien-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my--trung-post333889.html