Những phi vụ 'giải cứu' bầu Đức

3 năm sau khi tỷ phủ Trần Bá Dương dừng hợp tác với HAGL, bầu Thụy cùng bầu Đức đã có cái bắt tay lịch sử, kéo thị giá cổ phiếu HAG lên 80% kể từ cuối tháng 10/2023.

Xuất phát từ sản xuất đồ gỗ, năm 2002, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) bắt đầu kinh doanh đa ngành với các mảng cốt lõi là mảng cao su, tài chính và đặc biệt là bất động sản.

Đến năm 2008, người ta biết đến Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức - tức bầu Đức là đại gia bất động sản, người giàu nhất sàn chứng khoán. Song, từ đỉnh kinh doanh, bầu Đức vấp ngã, nợ hàng nghìn tỷ đồng khi loạt chiến lược kinh doanh đi sai so với dự liệu.

Hệ quả là 10 năm sau đó, vị doanh nhân này từ giấc mơ tỷ phú USD giờ chỉ còn mong muốn sạch nợ. Cũng từ đây, những “phi vụ giải cứu” HAGL đã được diễn ra.

Cái bắt tay chưa trọn với Thaco

“Đầu tư 1 tỷ USD thì làm sao mà sai được" - là những gì người ta thường nhớ khi nói về sự hợp tác giữa HAGL và Tập đoàn Thaco.

Và chủ nhân của câu nói trên, không ai khác là bầu Đức - người thường tạo ra sự xôn xao cho báo giới, nhà đầu tư bằng những phát ngôn “mạnh miệng”. Để tìm hiểu về lý do tại sao câu nói trên được gọi là phát ngôn nóng, và tại sao lại có cái bắt tay với giá trị cả nghìn tỷ đồng, hãy cùng ngược thời gian về năm 2018.

Thời điểm ấy, khi “siêu” doanh nghiệp nông nghiệp HAGL Agrico chìm trong khó khăn, bầu Đức nhận được sự hỗ trợ của Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương sau nhiều lần thuyết phục.

Năm 2021, phía doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương đã ngừng đầu tư vào HAGL Agrico.

Năm 2021, phía doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương đã ngừng đầu tư vào HAGL Agrico.

Kết quả là ngay sau đó, Thaco lập tức ứng hàng nghìn tỷ đồng để tạo thanh khoản tạm thời. Sau đó vài tháng, lãnh đạo hai bên đã chính thức thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi để Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico.

Năm 2019, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) đã chi ra tổng cộng 7.623 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 3 công ty con của HAGL Agrico nhằm hỗ trợ về nguồn tiền cho công ty này trả nợ trung hạn ngân hàng.

Nhờ đó mà nợ vay của HAGL cũng đã giảm đi hàng chục ngàn tỷ đồng. Ông Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ vào năm 2019 rằng “HAGL cảm ơn anh Trần Bá Dương. Chính nhờ anh Dương vào giúp mà công ty có thể trả nợ và trở lại. HAGL còn làm tiếp, chưa giơ tay đầu hàng. Mình cố gắng từ từ, coi như xóa hết và làm lại từ đầu”.

Đến cuối năm 2020, HAGL Agrico vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi tình cảnh nợ nần với khoản nợ phải trả đạt gần 16.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 2.300 tỷ đồng. Do đó nên Thaco đã tiếp tục dùng mua về 4 công ty con của HAGL với tổng diện tích 20.744 ha. Đồng thời ông Trần Bá Dương cũng tiếp quản vị trí Chủ tịch HAGL Agrico thay cho bầu Đức.

Tuy nhiên, toàn bộ giấy tờ đất của các công ty trên là tài sản thế chấp bị giữ lại ở BIDV nên phía HAGL và HAGL Agrico đã không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ.

Sau khi đổ cả nghìn tỷ đồng vào HAGL Agrico như “muối bỏ bể", đến giữa năm 2021, phía doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương đã ngừng đầu tư vào HAGL Agrico thông qua việc dừng việc mua 741,5 triệu cổ phiếu của HAGL Agrico.

Đây là số cổ phiếu HAGL Agrico dự kiến phát hành cho Thagrico nhằm hoán đổi khoản nợ 5.500 tỷ đồng và sử dụng cho việc thanh toán các khoản phải trả ngắn hạn và dài hạn.

Những lý do được đưa ra là Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích đất của các công ty đã chuyển nhượng, nhưng đến nay do không có giấy tờ đất, Thagrico không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án này.

Như vậy, sau gần 3 năm hợp tác cùng bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương đã quyết định dừng đầu tư vào HAGL Agrico - “chịu thua" trước thử thách mà ông xem là cuối cùng của đời ông. Nhưng nhìn một cách khách quan, dù phi vụ hợp tác có lớn đến đâu nhưng cốt lõi kinh doanh không hiệu quả thì cũng không thể nào vực dậy được doanh nghiệp.

Và việc đầu tư 1 tỷ USD có sai hay không, đến thời điểm này chính ông Trần Bá Dương mới là người biết rõ nhất. Bởi đến nay, 3 năm sau vụ “giải cứu” HAGL Agrico, vị tỷ phú này vẫn gánh khoản lỗ lớn. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2024, HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương đã lỗ lũy kế hơn 8.100 tỷ đồng.

Cuộc chơi mới của 2 ông bầu làng bóng

Ngoài kinh doanh, ông Đoàn Nguyên Đức được biết đến là ông bầu làng bóng đá Việt Nam với việc sở hữu đội bóng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2001 - CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai

Trong những thời điểm khó khăn nhất của HAGL, bầu Đức vẫn luôn dành ra khoản tiền lớn cho bóng đá, đủ để hiểu ông bầu này “yêu” đội bóng của mình đến nhường nào, vậy mà sau 22 năm giữ nguyên thương hiệu, tháng 11/ 2023, bầu Đức bỗng đổi tên đội bóng, thành CLB bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai.

Từ đây, cái bắt tay hợp tác giữa bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LPBank đồng thời là Chủ tịch Thaigroup) và bầu Đức dần được hé lộ, cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Trước đó, ông Thụy từng là ông bầu của 2 đội bóng là Câu lạc bộ bóng đá Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và Quảng Nam. Tại mùa giải năm nay, ngoài sánh vai với bầu Đức tại CLB bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch Thaigroup còn là nhà tài trợ cho một đội bóng ngành công an.

“Hơi thở" của LPBank ngày càng đi sâu vào doanh nghiệp của bầu Đức khi HAGL đổi bộ nhận diện thương hiệu với màu sắc khá giống với LPBank.

“Hơi thở" của LPBank ngày càng đi sâu vào doanh nghiệp của bầu Đức khi HAGL đổi bộ nhận diện thương hiệu với màu sắc khá giống với LPBank.

Đến cuối tháng 2/2024, HAGL công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành 130 triệu cổ phiếu HAG. Về cơ cấu nhà đầu tư, Thaigroup đăng ký mua 52 triệu cổ phiếu, còn Chứng khoán LPBank (công ty con của LPBank) đăng ký mua 50 triệu cổ phiếu. Như vậy, dự kiến nhóm doanh nghiệp liên quan tới bầu Thụy dự kiến chi hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu 9,65% vốn của HAGL.

Đầu tháng 3/2024, LPBank đã rót 5.000 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai thông qua hợp đồng tài trợ với ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp xanh.

Trong đó ở giai đoạn 1, LPBank sẽ giải ngân 3.000 tỷ đồng để HAGL đẩy mạnh đầu tư trồng mới, chăm sóc và phát triển chuối, sầu riêng và chăn nuôi heo. Đồng thời LPBank sẽ cử đại diện tham gia HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Group để "trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của công ty".

Chào đón nhà đầu tư mới, “hơi thở" của LPBank ngày càng đi sâu vào doanh nghiệp của bầu Đức khi kể từ ngày 1/4/2024, HAGL chính thức đổi bộ nhận diện thương hiệu với màu sắc khá giống với LPBank.

Diễn biến thị giá cổ phiếu HAG.

Diễn biến thị giá cổ phiếu HAG.

Tại ngày 31/5/2024, cổ phiếu HAG có giá 14.500 đồng/cổ phiếu, bật tăng 80% so với thị giá cổ phiếu này tại ngày 31/10/2023.

Được xem là cú bắt tay lịch sử, sự hợp tác của bầu Đức và bầu Thụy vẫn còn đặt ra nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh cũng như cuộc chơi mới trong làng bóng đá. Song, trước mắt, sự hợp tác trên đã đem lại làn sóng tích cực cho cổ phiếu của HAG trên sàn chứng khoán trong thời gian trở lại đây.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-phi-vu-giai-cuu-bau-duc-a666445.html