Những phiên chợ độc đáo ở xứ Thanh
Vốn là vùng đất cổ, Thanh Hóa hội tụ đầy đủ các vùng miền. Đây cũng là nơi lưu giữ những cơ tầng văn hóa sâu dày, được hình thành trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Chính vì vậy, Thanh Hóa mang trong mình những sắc thái riêng biệt không lẫn vào đâu được. Điều này thể hiện rõ qua từng phiên chợ.
Chợ Thiều, xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) được họp một lần duy nhất vào ngày 26 tháng Chạp hàng năm, mọi người đến đây để “mua may, bán rủi”.
Bao đời nay, đời sống Nhân dân xứ Thanh nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, với các làng xã, chợ chính là tấm gương phản chiếu về đời sống văn hóa, kinh tế cũng như phong tục, tập quán... của một vùng quê.
Chợ là nơi mua - bán diễn ra tất cả các ngày trong năm tùy theo tập tục của từng địa phương. Có chợ chỉ họp vào ngày rằm và mùng một hàng tháng; có chợ họp theo phiên - theo quy ước trong ngày, trong tháng; nhưng cũng có chợ chỉ họp duy nhất một ngày hay một buổi trong năm. Mỗi phiên chợ thường gắn liền với các sản vật của từng vùng miền, mùa nào thức ấy và địa phương nào cũng có chợ. Nhưng có những phiên chợ gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa và mang những nét độc đáo không nơi nào có được.
Đến với xứ Thanh, người ta vẫn không thể quên phiên chợ “mua may, bán rủi” họp một lần duy nhất vào 26 tháng Chạp hàng năm ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc.
Chợ Chuộng, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) là phiên chợ đánh nhau để cầu may.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân lại đổ xô đến chợ Thiều, họ đến đây không mong lỗ, lãi, miễn là mua được điềm lành, bán điềm rủi để cầu cho một năm mới tốt lành.
Phiên chợ được tổ chức ở khu đất trống dưới sân chùa làng Thiều Xá và ven các triền đê sông Lèn, thu hút hàng nghìn người dân ở khắp các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn...
Việc mua và bán ở chợ Thiều diễn ra rất nhanh chóng vì cả người bán lẫn người mua đều quan niệm chợ chỉ họp có một lần vào dịp cuối năm nên sẽ mang đến nhiều may mắn trong năm mới. Hàng hóa chính là nông sản địa phương như quả bầu, quả bí, mấy củ khoai lang, trái bưởi cùng những món hàng đặc trưng ngày tết như lá dong, sợi giang, thịt cá, hoa tươi...
Các cụ cao niên làng Thiều Xá kể rằng: Chợ Thiều có từ khoảng thế kỷ thứ XV, khi tướng quân Lê Phúc Đồng - một vị tướng có tài thao lược dưới thời Lê đem quân đánh giặc trên sông Lèn (một nhánh của sông Mã), đến khúc sông bên chân núi Thiều thì thuyền mắc cạn không thể xuôi dòng. Vị tướng liền lệnh cho ba quân nghỉ ngơi thổi cơm trưa chờ con nước lớn.
Khi lên bờ nghỉ chân, tướng quân bắt gặp một cái miếu thờ nhỏ bên chân núi do trẻ mục đồng của làng Thiều Xá dựng lên, ông thắp nén nhang khẩn cầu thần linh xin cho chuyến hành quân được thuận buồm xuôi gió. Nén nhang vừa tàn, tướng quân Lê Phúc Đồng nhìn về phía dòng sông thì vô cùng ngạc nhiên thấy đoàn thuyền mắc cạn đã có thể xuôi dòng. Ông vội cáo từ dân làng rồi hô quân tiến thẳng về cửa Thần Phù đánh giặc.
Thắng giặc trở về, tướng quân Lê Phúc Đồng quay lại làng Thiều Xá mở tiệc khoản đãi dân làng. Kể từ đó, hằng năm người dân lại mở hội, họp chợ để tưởng nhớ tích truyện và truyền thống ấy được giữ nguyên đến ngày nay.
Chợ Thiều là một trong những nét văn hóa lâu đời được giữ lại ở làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc hàng trăm năm nay. Ngày nay, chợ Thiều còn được lưu giữ lại với nhiều nét đẹp của người dân làng quê của xứ Thanh.
Không chỉ có chợ Thiều, một phiên chợ độc đáo cũng không kém, đó là Chuộng. Bao đời nay, năm nào cũng vậy, cứ vào sáng mùng 6 tết âm lịch, hàng nghìn người dân xứ Thanh lại nô nức về bờ sông Hoàng (làng Ráng, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) để dự phiên chợ “choảng” nhau bằng cà chua, trứng thối... để cầu may. Đây cũng là phiên chợ họp một lần duy nhất trong năm.
Chợ Chuộng là cầu nối giữa huyện Đông Sơn và Triệu Sơn, nằm ven sông Hoàng, giữa bãi đất trống được bồi đắp xung quanh bằng những ụ đất cao. Không chỉ riêng người dân xã Đông Hoàng mà phiên chợ thu hút hàng nghìn người dân từ các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn...
Theo các cụ cao niên trong làng, tục lệ đặc biệt “đánh nhau cầu may” ở chợ Chuộng bắt nguồn từ một tích cũ, rằng: Ngày xưa, có một vị vua trong lần chiến đấu với giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc bị thất thế nên phải lui binh. Bị lũ giặc truy sát ráo riết, nhà vua cùng số quân lính ít ỏi còn lại rút đến khu vực xã Đông Hoàng (ngày nay), thì được bá tánh trong vùng ra sức cứu giúp vua thoát nạn.
Để che mắt bọn giặc, người dân liền giả vờ tổ chức ngay một phiên chợ “biến” vua và binh lính thành người dân buôn bán. Khi đó, tất cả đều được cải trang thành dân cày, còn vũ khí được cất giấu trong các đống rau quả, lều quán. Quân giặc đuổi tới nơi, nhìn phiên chợ do người dân dựng lên cứ tưởng đây là một phiên chợ thật, nên không chút đề phòng.
Lợi dụng lúc giặc mất cảnh giác, vị vua này đã phát động cuộc phản công. Bằng sự đoàn kết, mưu trí, dũng cảm ấy... quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Cảm kích trước sự thông minh, dũng cảm của dân làng, vua đã trọng thưởng hậu hĩnh cho những người dân nơi đây... Kể từ đó, để tưởng nhớ về sự kiện này, hàng năm, vào mùng 6 tết người dân lại tổ chức phiên chợ Chuộng với phần đánh nhau giả như một nét văn hóa truyền thống.
Ngay từ mùng 5 tết, người dân quanh vùng sẽ cùng nhau góp tre, nứa để bắc một cây cầu khỉ qua sông Hoàng. Cầu tre này sau khi chợ tan (khoảng 1 giờ chiều cùng ngày) sẽ được dỡ bỏ. Sang năm đến phiên chợ, người ta lại góp tre bắc cầu. Chợ bày bán la liệt với nhiều loại sản phẩm từ bàn tay của người nông dân như: bún, bánh đa, táo, con giống... Trong đó, cà chua là một loại hàng hóa đặc biệt được bán rất nhiều để làm “vũ khí” ném nhau. Cảnh buôn bán diễn ra tấp nập, nhưng không thấy sự cãi cọ, mặc cả về giá cả đắt, rẻ. Ai đến chợ cũng đều chọn mua một thứ gì đó để mong gặp điều tốt lành.
Điều đặc biệt của người đến chợ Chuộng dù là không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ... “choảng nhau” bằng cà chua, táo, trứng thối, thấy thích ai là ném túi bụi vào người đó. Người bị ném co chân chạy nhưng miệng vẫn cười toe toét vì theo quan niệm: “càng bị ném nhiều, năm đó càng gặp nhiều may mắn; năm nào đánh nhau càng to thì năm đó Nhân dân trong vùng làm ăn càng phát đạt”.
Những dấu cà chua đỏ tươi trên trang phục giới trẻ như mang tới niềm tin, hy vọng vào một năm gặp thật nhiều may mắn.
Chợ Chuộng còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác như: chợ choảng, chợ ẩu đả, chợ giải xui, chợ ân oán, chợ cầu may...
Rời vùng đồng bằng, chúng ta ngược lên vùng núi xứ Thanh để đi chợ phiên Nhi Sơn của huyện vùng biên Mường Lát.
Chợ phiên Nhi Sơn chỉ tổ chức vào ngày 15 hàng tháng và những ngày lễ, tết. Đây là nơi trao đổi hàng hóa của bà con đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã Nhi Sơn và các xã lân cận.
Từ sáng sớm, trên khắp các ngả đường, bà con người Mông đã rủ nhau hướng về phía chợ phiên. Các bà, các mẹ địu trên lưng vài bó rau, măng rừng, vài quả bí; những cô gái Mông rực rỡ váy hoa chuyện trò rôm rả, những chàng trai Mông rắn rỏi cũng giúp cha mẹ đèo hàng hóa trên những chiếc xe máy...
Đến chợ phiên Nhi Sơn, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Mường... được hòa mình vào một không gian văn hóa có nét đặc sắc riêng. Mỗi phiên họp, ban quản lý chợ lại tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và trò chơi dân gian, như: kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, tung còn, nhảy sạp... Bên cạnh đó, các cô gái đồng bào dân tộc Mông xúng xính trong những bộ váy áo với nét hoa văn sặc sỡ sắc màu tung tăng xuống chợ.
Khi mặt trời lấp ló trên đỉnh núi thì dòng người về chợ phiên càng đông đúc hơn. Các bà, các mẹ tìm cho mình một khoảng đất trống, trải xuống một miếng bì gai rồi bày hàng hóa ra bán. Những thương lái miền xuôi thì đã có mặt ở chợ phiên từ chiều hôm trước để chuẩn bị địa điểm, dựng lều bạt và bày hàng hóa. Chợ phiên Nhi Sơn cũng phân thành nhiều khu vực, có khu ẩm thực với những món ăn truyền thống, khu bán hàng nông sản, khu bày bán trang phục truyền thống, khu vui chơi giao lưu bóng chuyền. Không khí chợ phiên cũng vì thế mà trở nên náo nhiệt hơn.
Với người dân vùng cao, chợ phiên không chỉ là nơi để họ giao lưu, trao đổi hàng hóa mà còn để gửi gắm ân tình, dành cho nhau cái bắt tay thân tình, lời chúc sức khỏe, trai gái gặp gỡ nên duyên. Chợ phiên từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của người dân vùng cao.
Kể làm sao cho hết những phiên chợ độc đáo ở xứ Thanh, ngoài chợ Thiều, chợ Chuộng, chợ phiên Nhi Sơn trên vùng đất xứ Thanh còn rất nhiều phiên chợ khác nữa, mỗi phiên chợ đều mang những nét riêng, độc đáo mà chỉ người dân vùng đó mới có. Với họ, chợ không chỉ là nơi giao thương, thể hiện phong tục, tập quán của một thời đã qua mà còn có sức sống trường tồn của những thuần phong, mỹ tục được ông cha gây dựng, trao truyền.
Những nét đẹp ấy như muốn gọi mời, hãy về với xứ Thanh!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-phien-cho-doc-dao-o-xu-thanh/128310.htm