Những phụ nữ can đảm trong cuộc đấu tranh chống mafia ở Puglia, Italia

Đó là một cảnh hệt như trong phim 'Bố già'. Vào đêm 1-2, một chiếc đầu dê với con dao xuyên qua được để trước cửa nhà Thẩm phán Francesca Mariano ở vùng Puglia, miền Nam Italia với dòng chữ 'Giống như thế này'. Bà Mariano đã nhận được nhiều lời đe dọa (có bản viết bằng máu), sau khi bà phát lệnh bắt giữ 22 thành viên của một nhóm mafia địa phương.

Vùng Puglia nằm ở vị trí tạo thành gót chiếc ủng trên bản đồ Italia, nổi tiếng với những vườn ô liu, những ngôi nhà quét vôi trắng và đường bờ biển ngoạn mục, nơi sẽ trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) trong tuần này.

Nhưng đây cũng là nơi có Sacra Corona Unita – một nhóm tội phạm lớn có tổ chức của Italia. Băng đảng này không nổi tiếng bằng Cosa Nostra của Sicily, 'ndrangheta ở Calabrian hay Camorra quanh Naples, nhưng cũng hiệu quả trong việc thâm nhập vào mọi thứ, từ doanh nghiệp đến chính quyền địa phương. Puglia đang đứng thứ tư trong số các khu vực của Italia về số lượng chính quyền địa phương bị giải thể do sự xâm nhập của mafia.

Sacra Corona Unita (SCU), là nhóm tội phạm có tổ chức duy nhất ở Italia có nguồn gốc rõ ràng: Pino Rogoli - một tội phạm địa phương đã thành lập nhóm này tại nhà tù Lecce vào năm 1981, mục tiêu chủ yếu để đẩy lùi các nhóm mafia khác đang cố gắng xâm nhập vào khu vực.

Chậm mà chắc, SCU đã hòa nhập vào cơ cấu xã hội của Puglia, trộn lẫn các hoạt động bất hợp pháp của mình như buôn bán ma túy, tống tiền, cho vay nặng lãi với các hoạt động kinh doanh hợp pháp. Ngày nay, băng nhóm này có khoảng 30 gia tộc và khoảng 5.000 thành viên, hầu hết đều là nam giới. Nhưng SCU về mặt nào đó đã len lỏi, bám rễ vào cộng đồng địa phương và nhận được sự chấp nhận của xã hội. Trong những năm gần đây, bọn chúng thường tránh các hành động bạo lực gây chú ý để chuyển sang các hình thức đe dọa tinh vi hơn.

Trong bối cảnh đó, không ít phụ nữ như Thẩm phán Mariano đang thách thức cơ cấu quyền lực của tội phạm mafia dù rủi ro cá nhân rất lớn. Họ đang bắt giữ và truy tố các thành viên trong gia tộc, vạch trần tội ác và tịch thu cơ sở kinh doanh của chúng. Một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại băng đảng xã hội đen này là tịch thu tài sản thuộc sở hữu của mafia.

Bà Carla Durante, người đứng đầu văn phòng Tổng cục Điều tra chống mafia thuộc Cảnh sát quốc gia Italia chi nhánh thành phố Lecce cho biết, văn phòng của họ đã thu giữ các tài sản của mafia như vườn nho hoặc trang trại, sau đó chuyển giao cho các tổ chức địa phương để chuyển thành các trung tâm hoặc dự án cộng đồng hữu ích cho xã hội. “Cho đến nay, chúng tôi biết rằng đây là công cụ sắc bén nhất, bởi vì việc tước đoạt tài sản của mafia đồng nghĩa với việc tước bỏ quyền lực của chúng”.

Hai tuần sau khi Thẩm phán Francesca Mariano đưa ra lệnh bắt giữ trong chiến dịch truy quét tội phạm có tên “Chiến dịch Sói”, công tố viên chính của vụ án, là bà Carmen Ruggiero suýt bị một trong những nghi phạm sát hại. Pancrazio Carrino, một trong 22 người có tên trong lệnh bắt giữ, đã bày tỏ mong muốn hợp tác với cuộc điều tra của bà Ruggiero.

Nhưng khi bà Ruggiero xuất hiện để thẩm vấn đối tượng trong nhà tù Lecce, Pancrazio Carrino có kế hoạch khác. Hắn ta đã giấu một con dao trong bồn cầu trong phòng giam và định sát hại bà. Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ cảm thấy đáng ngờ, nên đã khám xét nghi phạm trước khi tên này kịp tấn công và tìm thấy con dao.

Bảy tháng sau sự cố đó, bà Carmen Ruggiero tự tin bước vào phòng xử án của nhà tù Lecce để dự phiên điều trần về vụ án, cùng với 3 cảnh sát hộ tống. Bà vẫn không nản lòng trước những lời dọa giết, cũng như những phụ nữ khác đã thách thức quyền lực của SCU. Nhưng họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả bảo mật 24/24h. Đơn cử, nhà báo Mastrogiovanni đã phải đưa người thân trong gia đình ra khỏi quê hương sau khi đăng trên blog “Il Tacco D'Italia” về sự xâm nhập của SCU khiến chính quyền địa phương tức giận đến mức có thời điểm, thị trấn dán đầy những áp phích khổng lồ tấn công công việc của nữ nhà báo. Theo văn hóa gia trưởng của SCU, “một phụ nữ không nên có tiếng nói”, càng là điều cấm kỵ khi cô viết về mafia.

Thẩm phán Mariano cũng sống với sự hộ tống của cảnh sát suốt ngày đêm. Bà tin rằng, việc thách thức SCU của bà vượt ra ngoài hành lang của phòng xử án. Trong thời gian rảnh rỗi, bà viết sách, thơ và kịch để cố gắng thay đổi thái độ của người dân. Gần đây, bà đã dàn dựng một vở kịch về đề tài chống tội phạm và trình diễn ở Nhà hát Apollo của Lecce.

“Chúng ta phải bắt đầu bằng việc giao tiếp, đó là nền tảng để truyền tải các giá trị về phẩm giá, lòng can đảm, trách nhiệm, khả năng nói không, khả năng phẫn nộ khi đối mặt với những điều sai trái”, bà Mariano cho biết.

Theo AP

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-phu-nu-can-dam-trong-cuoc-dau-tranh-chong-mafia-o-puglia-italia-post579611.antd