Những phụ nữ có ảnh hưởng trong ngành ô tô thế giới
Nhắc đến ô tô, người ta thường nghĩ ngay hình ảnh gắn với những người đàn ông, nhưng ít ai biết được rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sự kiện khai sinh ô tô đầu tiên của nhân loại, thậm chí người lái thử chiếc xe ô tô đầu tiên trong lịch sử là một phụ nữ. Cùng với đó, lịch sử ngành công nghiệp ô tô ghi dấu ấn của nhiều người phụ nữ. Họ là những người phát minh ra cần gạt nước, đèn xi nhan và đèn báo rẽ và nhiều tiện ích khác trên những chiếc xe ngày nay.
Gottlied Daimler và Carl Benz phát minh ra ngành công nghiệp ô tô gần như cùng một lúc vào năm 1886, ngay từ thời điểm đó, phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong thành công của ngành công nghiệp này. Chuyến đi dài đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô trên chiếc xe đầu tiên của nhân loại mang tên Benz Patent Motor Car và đó cũng là chuyến lái thử để kiểm chứng độ bền của xe, đã được thực hiện bởi một người phụ nữ: bà Bertha Benz.
Bà Bertha Benz, vợ của Carl Benz – đã không ngừng củng cố quyết tâm của chồng, mà còn động viên rất nhiều khi ông đối mặt trước những vấn đề khó khăn, nan giải tưởng chừng như bỏ cuộc. Bà còn là một cộng sự rất hữu ích khi đã cùng ông thảo luận, thậm chí bà còn đem của hồi môn của mình để ủng hộ những kế hoạch của chồng. Ngày 5/8/1888, người phụ nữ này đã lái chiếc Model III Motorwagen và bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên trên quãng đường dài mà không thông qua nhà chức trách hay Carl Benz. Thời gian trước đó, những chiếc xe chạy bằng động cơ thường chỉ chạy quãng đường ngắn và đi kèm theo một đội thợ máy. Thế nhưng, bằng sự tự tin vào chiếc xe và khả năng của mình, Bertha đã di chuyển hơn 106km từ Mannheim đến Pfozheim và xử lý mọi vấn đề phát sinh trên đường đi. Bà tự thực hiện việc bảo dưỡng thông tắc đường ống dẫn nhiên liệu và sửa lỗi phanh. Bertha Benz cũng chính là người đã phát minh ra đệm phanh khi nhờ một người thợ đóng giày bọc da vào các khổi phanh gỗ để tăng ma sát cho phanh.
Margaret Wilcox (1838 – 1912): Bà có bằng kỹ sư cơ khí vào thế kỷ 19. Đóng góp lớn nhất của bà cho ngành công nghiệp ô tô là việc phát triển hệ thống sưởi ấm ô tô đời đầu. Hệ thống này dẫn không khí qua khối làm nóng của động cơ, chuyển hướng nó vào bên trong xe. Phát minh này cũng đánh dấu sự ra đời của hệ thống điều hòa trên xe hơi. Thiết kế này vẫn còn nhiều hạn chế vì thiếu đi cơ chế điều chỉnh nhiệt, khiến bên trong xe nóng hơn khi lái xe kéo dài, Mặc dù vậy, sáng kiến của bà cũng đặt nề móng cho sự phát triển tiếp theo của hệ thống diều hòa ô tô, minh chứng bằng việc công ty Ford Motor đã tích hợp một phiên bản cải tiến của hệ thống này vào model A của họ vào năm 1929.
Mary Anderson được ghi nhận là người đã phát minh ra một tính năng thiết yếu trên ô tô đó cần gạt nước trên kính chắn gió. Ý tưởng thiết kế này bắt nguồn từ thực tế, khi trong cơn bão, bà quan sát thấy người lái xe thường xuyên phải nghiêng người ra ngoài để quan sát. Việc này gây ra những rủi ro đáng kể. Để khắc phục vấn đề này, Anderson đã thiết kế một thiết bị vận hành bằng đòn bẩy bên trong. Cần gạt được trang bị một đối trọng và lò xo, đảm bảo lưỡi gạt nước duy trì tiếp xúc với cửa sổ và di chuyển êm ái trên cửa sổ.
Florence Lawrence
Sinh năm 1886, Florence là một nữ diễn viên điện ảnh nhưng có niềm đam mê với mô tô. Bà được xem là người sáng tạo ra đèn phanh và xi nhan.
Trong lịch sử phát triển, trong một thời gian dài ô tô không có đèn phanh và xi nhan, điều này dẫn đến nhiều vụ tai nạn do không biết được xe phía trước đang giảm tốc độ hay hướng rẽ.
Giải pháp của Florence là phát triển các cánh tay báo hiệu tự động với lá cờ ở hai bên xe có thể được nâng lên từ xa chỉ bằng một nút bấm để thông báo bạn định rẽ theo hướng nào.
Để cảnh báo cho người lái xe biết những chiếc xe đang giảm tốc độ hoặc dừng lại, Florence đã phát triển một biển báo dừng được bật lên ở phía sau xe khi nhấn chân phanh. Đến ngày nay, đèn xi nhan và đèn phanh đã trở thành các tiêu chuẩn bắt buộc trên ô tô.
Alice Ramsey sinh năm 1886 tại New Jersey và tốt nghiệp trường Vassar ở thời điểm rất ít phụ nữ theo học đại học. Alice có niềm yêu thích ô tô và trở thành một tài xế lão luyện. Năm 1909, Maxwell, một công ty sản xuất ô tô đã đề nghị bà lái xe từ New York đến San Francisco khi mới 22 tuổi. Alice Ramsey trở thành người phụ nữ đầu tiên di chuyển trên quãng đường 3.800 dặm, từ New York đến San Francisco, trong đó chỉ có 152 dặm được rải nhựa.
Alice Ramsey thực hiện chuyến đi với ba người bạn gái của mình và những người này không biết lái xe. Trong suốt chặng đường dài 3.800 dặm, Ramsey đã phải thay 11 chiếc lốp xe, giữ sạch bugi, làm mát bộ tản nhiệt và họ phải thay một bàn đạp phanh bị hỏng. Ramsey cũng là người phụ nữ đầu tiên được giới thiệu vào Đại sảnh danh vọng ô tô vào năm 2000.
Suzanne Vanderbilt là một trong 6 nữ thiết kế nội thất xe hơi nổi tiếng nhất của GM. Bản thân Suzanne Vanderbilt cũng được ghi nhận với nhiều phát minh vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay như dây an toàn có thể thu vào và hộp đựng găng tay.
Làm việc ở GM trong 23 năm, Vanderbilt trở thành nhà thiết kế chính cho Chevrolet. Vanderbilt cũng được cấp 3 bằng sáng chế về ghế bơm hơi, công tắc an toàn cho bảng điều khiển ô tô và thiết kế mũ bảo hiểm xe máy.
Katharine Blodgett: Năm 1938, bà đã phát triển một loại chất lỏng mà khi trải lên trên kính sẽ cho phép 99% ánh sáng đi qua. Đây chính là nền tảng của kính phản quang sau này. Blodgett là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học Cambridge ở tuổi 21.
Dorotheé Pullinger cũng là cái tên có tầm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô thế giới khi đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những người đàn ông phải ra tiền tuyến, thì phụ nữ là lực lượng lao động vững mạnh, đóng vai trò thúc đẩy quyền tự chủ của phụ nữ. Lúc này, bà Dorotheé Pullinger nắm quyền điều hành một nhà máy sản xuất ô tô ở Scotland và quản lý 7000 nhân viên. Sau đó bà đã thắng tiến lên vai trò giám đốc tại Gallowway Motors. Với cương vị này, bà trực tiếp giám sát việc sản xuất một mẫu ô tô dành riêng cho phụ nữ. Sáng kiến này được cho là mang tính đột phá, đặc biệt là trong thời đại mà các chuẩn mực xã hội phần lớn loại trừ phụ nữ khỏi các đặc quyền, coi ô tô là lĩnh vực dành riêng cho nam giới. Dorotheé Pullinger là người tiên phong chống lại sự thoái lui này, bà không chỉ giữ lại những tiến bộ mà phụ nữ đã đạt được trong chiến tranh mà còn thể hiện thông điệp rằng phụ nữa có vị trí bình đẳng với nam giới trong xã hội .