Bóng dáng những phụ nữ hái lộc biển nơi ghềnh đá Nam Ô (Video: Bùi Văn Sáu).
Mứt rong là một loại “rau nước” quý báu, chủ yếu sinh trưởng ở các ghềnh đá và bãi rạn trên bờ biển. Ở Nam Ô, mứt rong xuất hiện vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch khi thời tiết bắt đầu trở lạnh. Tùy vào khí hậu mỗi năm, nó có thể kéo dài đến hết tháng 1 hoặc giữa tháng 2 năm sau. Người đi hái mứt ngoài việc theo dõi thời tiết còn phải trông theo con nước xuống lên.
Ghềnh đá Nam Ô vào mùa mứt rong. Ảnh: Phượng Nhung
Bà Trần Thị Liên (50 tuổi, trú tại Nam Ô) chia sẻ: “Bắt đầu từ 6 giờ sáng cô ra đây để cạo mứt rong. Cô với mấy người ở đây hái rong về nhà ăn nên chỉ có dụng cụ thô sơ và đi gần bờ, còn những người khai thác để bán thì phải đi thuyền ra xa hơn. Mỗi buổi như vậy cô chỉ cạo được nửa kg, đủ để nấu canh cả nhà ăn”. Ảnh: Phượng Nhung
Bà Liên là công nhân nhà máy nhựa ở KCN Hòa Khánh. Thời gian này KCN thừa lao động, bà nghỉ ở nhà để tìm công việc mới nên đi làm mứt. Con trai bà đang bị bệnh, chồng bị thoát vị đĩa đệm không đi làm được nên bà trở thành lao động chính của gia đình. Nhờ có mứt rong bữa cơm gia đình bà cũng tiết kiệm một khoản tiền đi chợ. Ảnh: Phượng Nhung
Những ngày cuối mùa này, bà Hòa (61 tuổi) tranh thủ đi hái “lộc biển” ít ỏi còn lại trên những phiến đá gần nhà. Ảnh: Phượng Nhung
Để giữ được hương vị tươi ngon cho khách hàng, mứt rong sau khi hái về được rửa sạch ngay tại bờ biển. Ảnh: Phượng Nhung
Mặc dù nói là nghề “hái lộc biển” nhưng không phải ai cũng mặn mà. Công việc này đòi hỏi sự cần cù, kiên trì và cả sự dũng cảm. Với những phụ nữ chuyên nghề cạo mứt biển, mỗi chuyến đi của họ bắt đầu từ 3-4 giờ sáng khi tiết trời còn lạnh, mãi cho đến gần 12 giờ trưa. Họ phải vượt qua những bãi đá lởm chởm, trơn bóng mới cạo được vài kg mứt mang về. Vì đặc thù công việc nên mỗi người tự chuẩn bị cho mình hành trang gồm dép có độ bám chắc, quần áo gọn gàng, một miếng kim loại để cạo và một chiếc vợt.
Những phụ nữ chuyên cạo mứt biển thường lên thuyền ra những ghềnh đá ngoài xa từ khi bình minh còn chưa ló rạng - Ảnh clip
Tiếp cận ghềnh đá, họ phải bơi để leo lên những mỏm đá trơn trượt có mứt rong, bắt đầu cuộc mưu sinh
Ở những vách đá cheo leo trơn trượt này, muốn cạo được mứt cần có sự hỗ trợ của một người khác. Người cạo mứt chỉ làm 1 tay, tay còn lại phải bám chặt dây bảo hộ để khỏi bị trượt rơi xuống biển. Trong không gian bao la, tiếng sóng vỗ vào đá, vẫn nghe rõ tiếng ken két cạo vào đá để lấy mứt của những người phụ nữ . Ảnh: NVCC
Đến trưa, những người phụ nữ Nam Ô bơi về thuyền mang theo "chiến lợi phẩm" để vào bờ - ảnh clip
Những phụ nữ cùng ông Bùi Văn Sáu đậu thuyền trở về bờ sau một buổi sáng cần cù làm việc với những túi mứt biển căng đầy. Ảnh: Phượng Nhung
Gần 20 năm gắn bó với nghề “hái lộc biển”, ông Bùi Văn Sáu (57 tuổi, làng Nam Ô) chia sẻ: “Mứt rong là nguồn thu nhập kép của gia đình chú. Từ tháng 2 đến tháng 8 chú đi lặn và bắt đầu giữa tháng 10 thì đi cạo mứt. Nhà chú có thuyền nên thường chở bà con trong làng đi cạo mứt ở những ghềnh đá xa giữa biển. Trung bình mỗi ngày, thuyền của chú thu về khoảng 20 kg mứt rong”.
“1 kg mứt tươi đầu mùa bán được 200 ngàn đồng, gần cuối mùa thì giảm còn 120 ngàn. 10kg mứt tươi khi phơi xong chỉ còn lại 1 kg mứt khô, vì vậy giá thành mứt khô cũng cao hơn, lên đến hơn 1 triệu/kg. Ngoài ra, còn có loại mứt lăn (phơi 1 nắng) cũng được bán ra với giá 700k/kg. Không chỉ đem bán, mứt rong còn được làm quà để biếu bà con ở xa”, ông Sáu kể. Ảnh: Phượng Nhung
Mới nghe qua ai cũng nghĩ mứt rong dễ hái, nhưng khi ông Sáu trải lòng mới thấy được sự vất vả, nguy hiểm đằng sau. Người làm nghề phải trải hết sức mình mới có thể thu về được 4-5 kg mứt mỗi buổi. Mứt biển chứa cả mồ hôi, thậm chí là tính mạng của người hái. Cách đây khoảng 4 năm về trước đã từng có người thiệt mạng vì nghề này - ảnh clip
Mứt rong dù tươi hay khô đều có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng: nấu canh với tôm, hầm xương, chiên mặn, xào lăn,... Những món ăn tuy đơn giản nhưng thấm đậm vị mặn mòi của biển, chan chứa vị quê hương đối với những người con xa xứ.
Nguyễn Nhung - Thu Phượng