Những phụ nữ 'quét sạch' bom mìn trên cánh đồng chết ở Angola

Rà phá bom mìn là công việc vô cùng nguy hiểm và mang lại lợi ích to lớn cho Angola, một trong những quốc gia có nhiều tàn dư bom mìn nhất trên thế giới.

Từ thành phố biển Benguela phía Tây Angola mất bốn giờ lái xe để đến được làng Cabio, một nơi xa xôi và nghèo nàn với vẻn vẹn 82 cư dân sống trong những ngôi nhà lụp xụp, xây bằng gạch bùn và lợp tôn. Ở đây, một đám cọc dựng lên quây vào làm thành nhà thờ chung của cả làng, còn tấm bảng đen gắn vào một cái cây thành trường học.

Mặc dù gần như không thể tiếp cận bằng đường bộ, ngôi làng lại là một điểm dừng trên tuyến Đường sắt Benguela kéo dài từ cảng Lobito ở phía Tây đến tận Cộng hòa Dân chủ Congo ở phía Đông.

Do đó, trong thời chiến, Cabio có vị trí chiến lược quan trọng, và mặc dù đến nay chiến tranh đã qua đi, dân làng ở đây vẫn sống với những tàn tích và hậu quả nó để lại. Ngọn đồi cạnh làng, nơi người dân đáng lẽ có thể chăn thả gia súc và trẻ em có chỗ chơi đùa, lại là một bãi mìn có kích thước bằng 7 sân bóng trước đây được bố trí để bảo vệ một căn cứ quân đội (được cho là thuộc Không quân vũ trang của Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA), đảng hiện nay đang điều hành đất nước).

Dọn sạch các khu vực còn sót lại bom mìn sau chiến tranh

Mìn nổ giết chết nhiều trâu bò, khiến nhiều gia đình trong làng lâm vào cảnh nghèo đói. Dân làng đã cầu xin sự giúp đỡ, rồi khiếu nại nhưng không nhận được bất kỳ câu trả lời nào.

Maria Niva đang chuẩn bị dụng cụ rà mìn trước khi làm việc. Ảnh: Guardian

Maria Niva đang chuẩn bị dụng cụ rà mìn trước khi làm việc. Ảnh: Guardian

Tuy nhiên, vào tháng 1/2018, Halo Trust - tổ chức từ thiện của Anh, đã đưa một nhóm 18 người phụ nữ Angola làm công việc rà phá mìn đến ngôi làng. Sau khi loại bỏ 197 quả mìn và 50 quả bom chưa phát nổ ở khu vực lân cận, nhóm này hy vọng sẽ “dọn dẹp” xong ngọn đồi làng Cabio vào tháng tới, vừa đúng lúc đất được trả lại cho dân làng.

Nhóm những người phá mìn này là một phần của dự án hỗ trợ tạo việc làm cho 100 phụ nữ nhằm cải thiện cuộc sống, kết hợp với việc làm sạch các khu vực còn sót lại bom mìn sau chiến tranh.

Cho đến nay, 78 người đã được tuyển. Phần lớn họ rà phá bom mìn, một số người làm những việc khác như nấu nướng. Với một phần năm số người tham gia, đây là công việc đầu tiên của họ. Nhiều người là mẹ đơn thân, ba phần tư số thành viên trong đội có ba người phụ thuộc trở lên. Công việc mang lại một nguồn thu nhập ổn định, và một số người rất vui vẻ chia sẻ họ đã có thể mua đất, xây nhà.

Tuy vậy, những gì những người phụ nữ này nhận được không chỉ là tiền. Rà phá bom mìn là công việc vô cùng nguy hiểm và mang lại lợi ích to lớn cho Angola, một trong những quốc gia có nhiều tàn dư bom mìn nhất trên thế giới. Công việc này giúp họ nhận được cái nhìn đầy trân trọng từ xã hội.

“Khi được biết dự án không chỉ tuyển đàn ông, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải chứng minh rằng phụ nữ cũng có thể làm điều này, bằng cách trở thành một trong số họ”, Maria Niva, 19 tuổi, một trong những phụ nữ trẻ nhất nhóm, nói.

Niva là một trong những người đã vinh dự được gặp Hoàng tử Harry trong cuộc viếng thăm của hoàng tử tới Huambo vào tháng trước nhằm thúc đẩy chiến dịch rà phá bom mìn khởi xướng bởi Công nương Diana.

Ảnh trái là Công nương Diana đi bộ tại một trong những hành lang an toàn trên bãi mìn Huambo năm 1997 và ảnh phải là Hoàng tử Harry ở Dirico tuần trước. Ảnh: Reuters.

Ảnh trái là Công nương Diana đi bộ tại một trong những hành lang an toàn trên bãi mìn Huambo năm 1997 và ảnh phải là Hoàng tử Harry ở Dirico tuần trước. Ảnh: Reuters.

“Lần đầu tiên tôi thấy một vụ nổ, vâng, tôi sợ. Nhưng rồi cũng quen dần”, Niva mỉm cười, “Một sự thay đổi lớn đang đến với Angola. Cuối cùng nơi đây cũng sẽ an toàn, và điều đó thật tuyệt vời”.

Sự lạc quan lan tỏa trong cả đội, nhưng nhiệm vụ trước mắt là rất lớn. Nội chiến Angola bắt đầu năm 1975 và tới khi nó kết thúc vào năm 2002, hơn 500.000 người Angola đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời; nông thôn, thành phố đầy rẫy bom mìn sót lại.

Vẫn còn 1.100 bãi mìn, trong đó có thể còn tới 500.000 quả

Không thể ước lượng con số chắc chắn còn bao nhiêu bom mìn tại Angola. Các phe phái tham chiến không để lại bản đồ. Dự án Halo với 381 nhân viên chia thành 28 nhóm công tác, cho đến nay đã xử lý khoảng 100.000 quả mìn (thuộc 75 loại khác nhau sản xuất tại 22 quốc gia khác nhau). Chỉ riêng ở Cuito Cuanavale, nơi diễn ra trận chiến lớn nhất ở châu Phi kể từ sau Thế chiến II, từ tháng 8/1987 đến tháng 3/1988, 35.000 quả mìn đã được dọn sạch. Trên khắp Angola ước tính vẫn còn 1.100 bãi mìn, trong đó có thể còn tới 500.000 quả.

Khả năng Angola có thể đáp ứng cam kết theo Hiệp ước Ottawa 1997 về việc không còn bom mìn tới năm 2025 phụ thuộc vào việc có nhận được đủ số chi phí ước tính 214 triệu bảng Anh (264 tài trợ hoàn toàn bởi các tổ chức quốc tế như Chính phủ Mỹ và Anh hay không. Alex Vines, người đứng đầu chương trình khu vực châu Phi tại Chatham House, cho biết với tốc độ nhận viện trợ hiện tại, phải đến tận 2046 Angola mới có thể sạch bom mìn.

Zeferina Victori đang làm công việc rà phá mìn tại một bãi mìn gần làng Cabio. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Zeferina Victori đang làm công việc rà phá mìn tại một bãi mìn gần làng Cabio. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Những người phụ nữ ở trại Cabio thức dậy lúc 5h, mang ủng và đồng phục, xếp hàng bên ngoài lều để báo danh với khuôn mặt vẫn còn ngái ngủ. Năm phút sau, họ mang theo đồ bảo hộ lên chiếc xe tải chở ra khu vực gần đường sắt. Mặc dù đã được đào tạo bài bản (mỗi người đều đã tham gia khóa học rà phá bom mìn kéo dài một tháng), mỗi ca làm việc đều bắt đầu bằng một phần hướng dẫn, diến tập thao tác, một lời nhắc nhở về những rủi ro, nguy hiểm của công việc này. Xe cứu thương trực chờ ngay bên cạnh khu vực làm việc.

Xong màn hướng dẫn, họ tản ra các điểm ở rìa bãi mìn đã được vạch sẵn. Tiếng còi báo hiệu bắt đầu công việc vang lên. Khi có tiếng còi thứ hai, họ bò trên mặt đất, di máy dò kim loại quanh một khoảng đất hình chữ nhật nhỏ đã được đánh dấu. Nếu máy dò không kêu, họ sẽ di chuyển tiếp và lặp lại. Bên cạnh họ là những xô dụng cụ chuyên dụng. Halo thường sử dụng máy móc hạng nặng để dọn mìn ở một số nơi khác nhưng không thể làm vậy tại Cabio do sự biệt lập và thiếu thốn của khu vực. Công việc ở đây phải được thực hiện bằng tay, từng phân một. Nó rất căng thẳng, và cứ sau mỗi ca khoảng nửa tiếng họ phải nghỉ giải lao 10 phút.

Suzana Soares, 28 tuổi, bắt đầu ở đây với vai trò đầu bếp, sau đó chuyển đến đội dọn mìn và đang là chỉ huy trưởng, cho biết việc đảm đương công việc và cuộc sống riêng không hề đơn giản, cô đi làm xa phải để con lại cho chị gái chăm sóc. Nhưng những gì thu được rất xứng đáng. Cô không còn phụ thuộc vào cha mẹ, lại có thể cho con mình bất cứ thứ gì nó cần. Giống như mọi người ở đây, gia đình cô cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Và bây giờ, cô ấy có cơ hội để làm nên những thay đổi ở đất nước của mình, “Thật tuyệt vời khi nhìn lại những khu vực chúng tôi đã dọn dẹp”.

Suzana Soares, “Thật tuyệt vời khi nhìn lại những khu vực chúng tôi đã dọn dẹp”. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Suzana Soares, “Thật tuyệt vời khi nhìn lại những khu vực chúng tôi đã dọn dẹp”. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Công việc cứu sống nhiều mạng người

Tư tưởng nữ quyền thấm đẫm trong tinh thần của cả đội. Esperança Ngando, 24 tuổi, nói rằng cô nhất quyết tham gia Halo khi biết rằng công việc này sẽ cứu sống nhiều mạng người. Khi được chọn tham gia dự án, biết được mình sẽ phải sống trong một cái lều hàng tuần liền, cô đã khóc: cô còn có một người chồng và đứa con trai ba tuổi. Nhưng hiện tại cô lại thích cuộc sống này, và tìm thấy sự gắn kết ở đây. “Chúng tôi hạnh phúc bên nhau. Đây là một gia đình”.

Một khi đã tận mắt chứng kiến những vụ nổ do bom mìn, thật khó thể tưởng tượng có ai có thể sống sót sau những tai nạn ấy. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những người đã trải qua, nhưng cũng mang trên mình những vết thương kinh hoàng. Cuộc điều tra năm 2014 đã ghi nhận 88.000 trường hợp nạn nhân may mắn sống sót trong các vụ bom mìn tàn dư sau chiến tranh phát nổ (con số thực tế có lẽ cao hơn). Những vụ nổ do tàn dư bom mìn vẫn tiếp tục xảy ra ngay cả trong các khu vực đã được làm sạch.

Ở Huambo, chỉ còn lại một bãi mìn chưa được “dọn dẹp”. Thành phố đã phát triển mạnh mẽ kể từ chuyến thăm của Công nương Diana năm 1997. Địa hạt H013, nơi bà đã đi qua (với trang phục bảo hộ đầy đủ), đã được dọn sạch hoàn toàn bom đạn từ năm 2005. Và bây giờ, khi con trai bà quay lại, nơi đây đã trở thành một con phố nhộn nhịp, đông đúc người và xe cộ qua lại (năm 1997, đây vẫn là vùng nông thôn). Tuy nhiên, một tháng trước, ba đứa trẻ trong cùng một gia đình đã chết trong một vụ nổ mìn tàn dư ngay trong thành phố.

Manuel Rodriguez cùng mẹ của mình, Ermelinda Victoria Jaime. Manuel bị mất một chân khi gặp tai nạn mìn nổ trong lúc đang chơi với anh em. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Manuel Rodriguez cùng mẹ của mình, Ermelinda Victoria Jaime. Manuel bị mất một chân khi gặp tai nạn mìn nổ trong lúc đang chơi với anh em. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Manuel Rodriguez, 10 tuổi, sống ở San Antonio từng ở gần một số căn cứ quân sự của Huambo. Ba năm trước, cậu bé và bốn người anh em đang chơi trên mảnh đất của ông nội khi một người trong nhóm nhặt được một vật lạ. Trong vụ nổ xảy ra ngay sau đó, một cậu bé, Frederico, đã chết. Manuel và một người anh em khác, Jeremiah, đều bị mất một phần chân. Nếu may mắn, trong tương lai, cậu bé có thể sẽ được lắp một chiếc chân giả tại Trung tâm Chỉnh hình Huambo, một bệnh viện được đổi tên vào tuần trước để tưởng nhớ Công nương Diana. Nhưng ở Angola, không gì được đảm bảo.

Có những người đã sống với thương tật do nổ bom mìn trong nhiều thập kỷ. Luciana Baroso - một bà mẹ 8 con, mất thị lực vào năm 1994, khi cô 9 tuổi, trong một tai nạn đã khiến Valentina, em gái cô, thiệt mạng. Hai cô bé ra đồng để đào khoai tây cho bữa trưa, em gái của cô đã cuốc phải một quả mìn và nó phát nổ. Luciana đã cố gắng lết ra đường cái và được một cậu bé đưa đến bệnh viện bằng xe đạp. Đến nay, chấn thương và sự khủng hoảng vẫn còn ám ảnh Luciana, cô luôn cảm thấy buồn vì không thể tự sinh hoạt bình thường được.

Thật dễ nản lòng khi nhìn thấy khối lượng công việc khổng lồ còn dở dang phía trước. Nhưng không thể phủ nhận chuyến viếng thăm của Công nương Diana tới đây đã mang tới một sự thay đổi lớn. Nó đã thu hút thêm rất nhiều tài trợ và dẫn tới Hiệp ước Ottawa được ký kết bởi 133 quốc gia. Những nhà hoạt động và làm công việc rà phá bom mìn ở Angola đều hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Hoàng tử Harry sẽ nhắc nhở các nhà tài trợ cộng đồng và tư nhân rằng những gì Công nương từng vận động đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Luciana Baroso, một bà mẹ 8 con, mất thị lực vào năm 1994 trong một vụ mìn nổ. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Luciana Baroso, một bà mẹ 8 con, mất thị lực vào năm 1994 trong một vụ mìn nổ. Ảnh: Antonio Olmos/The Guardian

Chính phủ Angola gần đây đã ký kết một thỏa thuận trị giá 60 triệu USD với Halo, cho phép dự án dọn sạch 135 bãi mìn ở Công viên quốc gia Mavinga và Luengue-Luiana, vùng đất đầu nguồn con sông nuôi sống đồng bằng Okavango, một trong những vùng đất hoang dã cuối cùng của châu Phi và là nơi trú ngụ của hàng nghìn loài động vật bị đe dọa. Hoàng tử Harry đã đến thăm bãi mìn đầu tiên sẽ được dọn sạch trong khuôn khổ dự án, tại Dirico, hồi cuối tháng 9.

Thực tế, đã có 30 quốc gia hoàn thành việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh kể từ năm 1997. Mozambique, một thuộc địa cũ khác của Bồ Đào Nha, đã tuyên bố hoàn toàn sạch bom mìn năm 2015. “Công việc đó mất 22 năm”, Ralph Legg, Quản lý dự án Halo ở Angola, cho biết, “Ngay cả khi khối lượng công việc dường như quá lớn thì cũng không có lý do nào để lảng tránh. Việc này có thể làm được, và nó phải làm được”.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-phu-nu-quet-sach-bom-min-tren-canh-dong-chet-o-angola-post997369.html