Những phụ nữ sống vì cộng đồng
Phát huy truyền thống trung hậu, đảm đang, nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh không chỉ làm tròn vai trò người vợ, người mẹ mà còn là những tấm gương sáng về bản lĩnh, trí tuệ và hết lòng vì cộng đồng…
Những phụ nữ sống vì cộng đồng
1. Nhắc đến bà Thái Thị Xuân Hoa (thôn Đại Thiện 1, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc), mọi người đều kể bằng những lời yêu mến, tin tưởng. Bởi không chỉ là hội viên tích cực trong các hoạt động, phong trào của hội phụ nữ và địa phương, mà với vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ nữ kinh doanh xã, bà luôn tạo điều kiện để chị em được chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, từ đó cùng nhau xây dựng kinh tế, chăm lo mái ấm gia đình.
Là giáo viên mầm non, sau khi nghỉ hưu năm 2011, với kinh nghiệm có được trong quá trình công tác và tình yêu thương con trẻ, bà Hoa đã mở nhóm trẻ tại nhà. Năm 2014, khi nhiều chị em kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn xã có nhu cầu tập hợp, sinh hoạt trong một câu lạc bộ có cùng đam mê, bà Hoa được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Để giữ gìn mối đoàn kết giữa các thành viên và hiệu quả hoạt động, bà không áp đặt, cứng nhắc về thời gian sinh hoạt mà chủ động liên hệ sắp xếp địa điểm phù hợp. Vì thế với các chị, giờ đây câu lạc bộ thực sự là cầu nối giúp trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế. Trên hành trình hơn 6 năm ở ngôi nhà chung đó, bà Hoa và các thành viên đã làm được vô số việc “nho nhỏ” cho cộng đồng. Đó là tặng quà cho người nghèo vào dịp lễ, tết hàng năm; hỗ trợ xe đạp, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo. Mới đây vận động gần 70 triệu đồng tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” cho hộ khó khăn trên địa bàn xã.
“Mình đóng góp chút ít đem lại nụ cười cho người kém may mắn hơn mình là bản thân thấy hạnh phúc vô cùng”, bà Hoa chia sẻ.
2. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị Trần Thị Sáu (thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, Tuy Phong), đó là một người phụ nữ thân thiện, cởi mở.
Là chi hội trưởng phụ nữ và đại biểu HĐND xã từ năm 2011 đến nay, chị Sáu đóng vai trò tích cực trong công tác khuyến học, chăm lo hộ nghèo, gia đình chính sách và tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các mô hình sản xuất kinh tế, thông qua việc thành lập tổ nhóm tiết kiệm, tổ đóng tôm, vá lưới... Đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng “Ga đình 5 không, 3 sạch”, chị Sáu là một trong những thành viên sáng lập hợp tác xã dịch vụ môi trường Vĩnh Tân. Không đợi các đợt phát động, thi đua, chị luôn nhiệt tình hướng dẫn, khuyến khích hội viên phân loại rác thải tại gia đình, trồng cây xanh, tổ chức dọn vệ sinh khu vực bến cá.
Ý thức bảo vệ môi trường đi vào nề nếp, trở thành thói quen hàng ngày của chị và gia đình. Rõ nhất là năm 2018, khi thấy số lượng dây đai (dây nhựa buộc hàng hóa) bỏ đi từ các công trình Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ngày càng nhiều, trong khi sản phẩm này độ bền cao, khó phân hủy nếu chôn lấp, chị Sáu gom lại đan thành những chiếc giỏ đi chợ, dụng cụ đựng bút viết, ống đũa, giỏ đựng cá, đựng rác rất chắc chắn. Ban đầu thì biếu cho các tiểu thương, bạn hàng, bà con lối xóm. Dần dà thấy được tính ứng dụng, nhu cầu tăng lên, chị quy thành món hàng. Nhưng vẫn đặt ở mức giá bình dân từ 20.000 – 100.000 đồng/giỏ, để khuyến khích mọi người sử dụng. Đến nay những chiếc giỏ nhựa không chỉ có “hiệu ứng” tích cực trong bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lon, mà còn tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho chị em phụ nữ trong thời gian nhàn rỗi.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/nhung-phu-nu-song-vi-cong-dong-135700.html