Những quán ăn lâu đời ở Bangkok mất chủ vì Covid-19

Khi ông Chanchai, chủ một quầy đồ ăn nổi tiếng ở thủ đô Thái Lan, qua đời vì Covid-19, các con ông trở thành người kế nhiệm.

Mỗi sáng, Adulwitch Tangsupmanee (42 tuổi) mang xe đẩy bán heo quay chiên giòn đến trước rạp chiếu phim cũ ở khu phố Tàu của Bangkok (Thái Lan). Nơi đây, Adulwitch dựng lại quầy đồ ăn nổi danh thế giới mà cha anh đã điều hành trước khi ông qua đời vì Covid-19 vào tháng 7/2021.

Khi nồi nước lèo bắt đầu sôi sùng sục, tỏa mùi hương hấp dẫn, Adulwitch cẩn thận đặt bức ảnh đã đóng khung của người cha quá cố, ông Chanchai, trên nóc tủ kính của quầy hàng. Bên cạnh đó là chứng nhận Michelin từ 2018 đến 2021.

"Tôi từng chuẩn bị nước lèo cho cha mình từ khi ông còn sống. Giờ tôi vẫn tiếp tục công việc này khi cha đã ra đi. Tôi cảm thấy như ông vẫn còn quanh đây", Adulwitch nói với Reuters.

Quán mì của ông Chanchai được con cháu tiếp nối sau khi ông mất vì Covid-19.

Quán mì của ông Chanchai được con cháu tiếp nối sau khi ông mất vì Covid-19.

Ông Chanchai đã bán món guay jub (mì gạo cuộn Thái Lan) tại quầy đồ ăn đó trong hàng thập kỷ, cho đến khi ông qua đời ở tuổi 73.

Ông là một trong ít nhất 7 đầu bếp đường phố nổi tiếng của Thái Lan đã qua đời vì virus SARS-CoV-2 trong những tháng vừa qua. Đây là một mất mát to lớn cho nền ẩm thực đường phố của nước này.

Sự ra đi của Chanchai và những người như ông đã để lại di sản giàu hương vị cho con cháu. Thế hệ sau cũng mong muốn tiếp nối truyền thống đã đưa Bangkok trở thành thánh địa ẩm thực đường phố trong nhiều thập niên qua.

Khi thủ đô Thái Lan chuẩn bị mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại vào ngày 1/11, Adulwitch hy vọng sẽ có những hàng người đứng trước quầy, chờ đợi món mì của cha anh.

Trong những năm gần đây, nhiều hàng ăn đường phố ở Bangkok chịu sức ép bị giải tỏa bởi chính sách "dọn dẹp" của thành phố. Hơn nữa, các nhà hàng cao cấp, thời thượng hơn đang mọc lên khắp nơi.

Những đầu bếp đường phố, thường là người Trung Quốc nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai, từng nuôi cả gia đình chỉ nhờ một món ăn đặc trưng như yentafo (phở hồng) hay cơm chân giò hầm. Giờ đây, những hàng ăn ấy đang lụi tàn. Đại dịch càng đẩy nhanh sự biến mất của nền ẩm thực này.

"Hậu quả trước mắt của việc này là thực khách không còn nhiều lựa chọn. Sâu xa hơn, đây là sự xói mòn của một trong số ít những nơi thật sự dân chủ trong xã hội. Những người đến đây, dù ở địa vị nào, cũng đều phải xếp hàng để ăn một tô mì hoặc đĩa cơm cà ri", Chawadee Nualkhair, tác giả 2 cuốn sách về ẩm thực đường phố Thái Lan, cho biết.

 Gia đình của Ladda Saetang tiếp tục quán vịt hầm của bà.

Gia đình của Ladda Saetang tiếp tục quán vịt hầm của bà.

Trong khi những người con của Chanchai không ngần ngại kế nhiệm hàng ăn của ông, gia đình của Ladda Saetang đã tranh cãi về việc từ bỏ quán vịt hầm sau khi bà mất vào tháng 5/2021.

Ladda, bà lão 66 tuổi với nụ cười nhân hậu, có biệt danh "Bà Si", là chủ quán ăn cách quầy của ông Chanchai 650 m. Sau cùng, cô Sarisa, con gái bà, quyết định học cách hầm vịt để tôn vinh ký ức về mẹ mình.

"Tôi không muốn công thức đó chìm trong dĩ vãng. Nó là cả cuộc đời bà. Tôi sẽ vui mừng khôn xiết nếu thực khách khen món vịt hầm vẫn ngon như hồi mẹ tôi nấu. Một số người khuyên tôi đừng từ bỏ bởi họ không thể tìm được món ăn như vậy ở nơi nào khác", Sarisa chia sẻ.

Adulwitch bày tỏ quyết tâm tiếp nối công việc của cha. "Quán ăn này là nơi cha tôi yêu thích nhất và tôi cũng yêu quý ông nhất. Tôi phải gìn giữ quầy hàng bằng mọi giá", anh nói.

Mai Hoàng

Ảnh: Reuters

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-quan-an-lau-doi-o-bangkok-mat-chu-vi-covid-19-post1273995.html