Những quy định mới trong thỏa ước lao động tập thể

Kinhtedothi – Người sử dụng lao động, người lao động phải thực hiện đúng nội dung của hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Hỏi: Anh Nguyễn Thanh Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội) hỏi những quy định mới về thỏa ước lao động tập thể? Trong trường hợp DN cố tình không thực hiện theo đúng thỏa ước lao động tập thể thì người lao động phải làm sao?

Trả lời: Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định, thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể DN, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều DN và các thỏa ước lao động tập thể khác.

Người sử dụng lao động, người lao động phải thực hiện đúng nội dung của hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Ảnh: Phạm Hùng.

Người sử dụng lao động, người lao động phải thực hiện đúng nội dung của hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Ảnh: Phạm Hùng.

Nôi dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật, khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Nội dung thỏa ước lao động tập thể gồm có:

- Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;

- Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;

- Bảo đảm việc làm đối với người lao động;

- Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;

- Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;

- Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

- Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Đối với thỏa ước lao động tập thể DN, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong DN. Thảo ước lao động tập thể DN chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của DN biểu quyết tán thành.

Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các DN tham gia thương lượng. Thỏa ước lao động ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành.

Thỏa ước lao động tập thể có nhiều DN, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ người lao động tạo các DN tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại các DN tham gia thương lượng. Chỉ những DN có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều DN.

Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng. Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều DN được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.

Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho người lao động của mình biết. Và, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 1 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính.

Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

Thỏa ước lao động tập thể DN có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của DN. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều DN có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các DN tham gia thỏa ước lao động tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 1 – 3 năm, do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Người sử dụng lao động, người lao động, bao gồm cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực.

Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã quy định trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể.

Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể; mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-quy-dinh-moi-trong-thoa-uoc-lao-dong-tap-the.html