Những quy định mới về bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 01/7/2025 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần lưu ý
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được thông qua ngày 29/6/2024 và sẽ có hiệu lực chính thức từ 01/7/2025. Trước thời điểm Luật chính thức có hiệu lực, ngày 25/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2025/NĐ-CP hướng dẫn về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ảnh minh họa.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (“Luật BHXH 2024”) được thông qua ngày 29/6/2024 và sẽ có hiệu lực chính thức từ 01/7/2025. Trước thời điểm Luật chính thức có hiệu lực, ngày 25/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2025/NĐ-CP (“Nghị định 158”) hướng dẫn về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nghị định này thay thế một số văn bản quy phạm pháp luật trước đây như Nghị định 115/2015/NĐ-CP ("Nghị định 115”), Nghị định 143/2018/NĐ-CP và Nghị định 33/2016/NĐ-CP, với nhiều nội dung sửa đổi và bổ sung đáng chú ý như sau:
1. Chủ hộ kinh doanh và Người quản lý doanh nghiệp là đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc
Luật BHXH 2024 mở rộng đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:
Người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương.
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
Trong đó, đối tượng chủ hộ kinh doanh được làm rõ tại Nghị 158, gồm có:
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai;
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng trên thì tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2029.
Trước đây, theo quy định của Luật BHXH 2014 và Nghị định 115, chỉ người lao động có hợp đồng lao động hoặc nhận lương mới thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Nghị định 158 đã đưa người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty TNHH một thành viên…) vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Quy định này thể hiện rõ tính nhất quán và bao phủ của chính sách BHXH, tránh lỗ hổng pháp lý khi người lao động “né” nghĩa vụ đóng bảo hiểm bằng cách khai không hưởng lương.
Đối với chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đây là nhóm đối tượng chưa từng thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, dù nhiều chủ hộ kinh doanh thực chất có quy mô hoạt động tương đương một doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định 158 chia làm hai giai đoạn: (1) Từ 01/7/2025: chủ hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải tham gia BHXH bắt buộc; (2) Từ 01/7/2029: chủ hộ kinh doanh còn lại (chủ yếu là nhóm nộp thuế theo khoán) sẽ bắt đầu thuộc diện nộp BHXH bắt buộc.
Đây là bước đi có lộ trình phù hợp, giúp các hộ kinh doanh nhỏ dần thích nghi với nghĩa vụ BHXH. Việc phân loại theo phương pháp nộp thuế cho thấy sự liên kết giữa chính sách thuế và an sinh xã hội, đảm bảo công bằng giữa các nhóm có thu nhập tương đương. Tuy nhiên, quy định này sẽ đòi hỏi cơ quan BHXH và thuế phối hợp chặt chẽ để xác định đúng đối tượng; mặt khác, cần làm rõ cách xác định thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cho nhóm không có bảng lương cụ thể.
Bên cạnh việc bổ sung đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, Nghị định 158 cũng làm rõ các đối tượng hưởng lương hàng tháng không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc bao gồm:
Người lao động làm việc không trọn thời gian có tiền lương trong tháng tính theo quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động.
2. Mức tham chiếu làm căn cứ tính mức đóng và mức hưởng BHXH sẽ do Chính phủ điều chỉnh theo mức tăng của chỉ số CPI
Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở.
Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó và được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Tất cả các khoản phụ cấp, bổ sung mang tính thường xuyên, ổn định đều được tính vào tiền lương đóng BHXH
Nghị định 158 hướng dẫn Luật BHXH 2024 quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động hưởng lương hàng tháng là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, chỉ loại trừ các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động. Điều này có nghĩa là bất kỳ khoản phụ cấp và bổ sung nào quy định trong hợp đồng lao động và được trả thường xuyên, ổn định sẽ đều tính vào tiền lương đóng BHXH.
Liên quan đến vấn đề này, trước đây, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh xã hội hướng dẫn không tính các khoản tiền mang tính chế độ và phúc lợi như tiền ăn, tiền xăng xe, tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. Theo đó, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này để điều chỉnh lại mức đóng BHXH hoặc điều chỉnh cơ cấu tiền lương và hợp đồng lao động phù hợp.
4. Điều chỉnh quy định về truy thu, truy đóng BHXH
+ Sửa đổi, bổ sung trường hợp truy thu, truy đóng BHXH bắt buộc:
Luật BHXH 2024 cho phép truy thu, truy đóng BHXH trong trường hợp sau:
Được điều chỉnh tăng tiền lương làm tăng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thời gian thực hiện hồi tố trở về trước.
Trường hợp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thực hiện truy đóng sau khi về nước.
Chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương nếu đóng sau thời hạn đóng BHXH chậm nhất theo quy định của Luật BHXH.
+ Điều chỉnh thời điểm thu lãi chậm đóng trên số tiền truy thu:
Theo quy định tại Nghị định 115, trường hợp việc truy đóng diễn ra sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương thì số tiền truy thu sẽ bao gồm cả tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền phải đóng. Tuy nhiên, Nghị định 158 điều chỉnh thời điểm thu lãi chậm đóng sớm hơn như sau:
Đối với các trường hợp điều chỉnh lương hoặc người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài: bắt đầu thu từ sau ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng phát sinh tiền truy thu.
Đối với trường hợp chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương: bắt đầu thu ngay sau thời điểm phải đóng theo quy định.
Việc thu lãi chậm đóng sớm cho thấy xu hướng siết chặt nghĩa vụ đóng BHXH của người sử dụng lao động, đồng thời tăng trách nhiệm của các doanh nghiệp trong vấn đề đóng BHXH bắt buộc.
5. Hướng dẫn mới về tạm dừng đóng BHXH bắt buộc khi người lao động bị tạm đình chỉ công việc
Nghị định 158 đã có quy định cụ thể liên quan đến nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ công việc. Cụ thể: Người lao động mà bị tạm đình chỉ công việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tạm dừng đóng BHXH bắt buộc, trường hợp tạm đình chỉ công việc mà người sử dụng lao động vẫn trả đủ lương trong thời gian tạm đình chỉ với người lao động thì đóng bù BHXH bắt buộc cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Quy định này làm rõ hơn nghĩa vụ đóng BHXH trong trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ, tránh áp dụng không thống nhất giữa các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi BHXH cho người lao động trong trường hợp bị tạm đình chỉ mà vẫn được trả đủ lương.
Nghị định 158 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 – cùng thời điểm với hiệu lực của Luật BHXH 2024.
Bài viết được tổng hợp từ chuỗi Bản tin cập nhật Văn bản pháp lý của Công ty Luật TNHH Toàn Cầu ATA (ATA Legal Services). Chi tiết thông tin bài viết, mời Quý Độc giả tham khảo tại website ATA Legal Services.
CÔNG TY LUẬT TNHH TOÀN CẦU ATA (ATA LEGAL SERVICES) được thành lập và điều hành bởi những luật sư dày dặn kinh nghiệm. Mục tiêu và phương châm hoạt động của ATA Legal Services là cung cấp các dịch vụ pháp lý linh hoạt và toàn diện cho các khách hàng là tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Bạn đọc có thể trao đổi trực tiếp nội dung có liên quan vui lòng liên hệ với luật sư của công ty tại: Tầng 7 Số 184 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hoặc qua điện thoại: 0392920688 | 0914645112 Hoặc qua mail: [email protected].