Những quy định mới về vay mua nhà, thẻ ngân hàng có hiệu lực từ tháng 1/2022
Từ tháng 1/2022, nhiều chính sách mới có hiệu lực liên quan đến việc vay vốn xây nhà, mua nhà và phát hành thẻ ngân hàng.
Vay ưu đãi để xây nhà tối đa 500 triệu đồng, không quá 25 năm
Ngày 30/11/2021 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Đây là cũng là điểm mới tại Thông tư số 20/2021/TT-NHNN.
Theo đó, mức vốn cho vay đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình như sau:
- Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay.
- Mức vốn cho vay tối đa không quá 500.000.000 đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
So với hiện hành, Thông tư số 20/2021/TT-NHNN đã giới hạn mức vốn cho vay không quá 500.000.000 đồng.
Đối với đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thì thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Hiện hành chỉ quy định thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/1/2022.
Được vay lãi suất 4,8%/năm để mua nhà
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà theo các thông tư trên là 4,8%/năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Mức lãi suất này vẫn được giữ ổn định như năm 2021, nhưng giảm 0,2% so với năm 2019 và năm 2020.
Được mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định: Tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ, bao gồm tối thiểu các bước như sau:
a) Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng theo quy định;
b) Thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng;
c) Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử;
d) Cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung quy định và thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng bảo đảm quy định về pháp luật giao dịch điện tử;
đ) Thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực (hoặc thời điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ cho khách hàng.
Tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định.
Tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022./.