Những quyết sách kịp thời sẽ mang tới nhiều đổi mới

Theo các chuyên gia, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV ghi dấu ấn thành công với nhiều quyết sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và hứa hẹn mang tới nhiều đổi mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế: Hoàn thành tốt khối lượng công việc rất lớn

Kỳ họp lần này, Quốc hội thông qua 7 luật, 8 nghị quyết, trong đó có Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)… và cho ý kiến 8 dự án luật khác, hứa hẹn mang tới nhiều đổi mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua là hợp lý, bởi hiện còn có những ý kiến chưa thống nhất và mong muốn của cử tri là Quốc hội cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng bởi tầm quan trọng và phức tạp của luật này.

Tôi đặc biệt ấn tượng phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội trong kỳ họp rất rõ ràng, dứt khoát, khoa học và linh hoạt. Các phiên chất vấn và thảo luận rất sôi nổi, làm rõ các vấn đề của đất nước, đáp ứng mong muốn của người dân.

Mặc dù khối lượng công việc của Kỳ họp thứ Sáu rất đồ sộ, nhưng nhờ khâu chuẩn bị bài bản, đầy đủ nên dù thời gian làm việc không phải quá dài nhưng Quốc hội vẫn hoàn thành rất tốt các nội dung. Các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, cơ chế chính sách đã có, vấn đề quan trọng tiếp theo là phải tổ chức thi hành kịp thời và hiệu quả để tạo chuyển biến trong thực tế. Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần đẩy mạnh công tác giám sát để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

PGS.TS. Trần Chủng,Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam: Lắng nghe, tháo gỡkhó khăn chodoanh nghiệp

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực từ 1.1.2021 nhưng tới nay hầu hết dự án PPP đều gặp khó khăn. Việc thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ Sáu thể hiện Quốc hội đã lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp và tháo gỡ nút thắt cho PPP.

Quyết định của Quốc hội cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư - tháo gỡ vướng mắc rất lớn khi triển khai một số dự án. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các địa phương vùng sâu, vùng xa, lưu lượng giao thông thấp nhưng mong muốn có hệ thống đường cao tốc để kích hoạt tiềm năng kinh tế, thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, chính sách cho đồng bào dân tộc...

Có thể hiểu, đầu tư PPP là Nhà nước và tư nhân cùng làm. Thực tế ở một số quốc gia, họ không mặc định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia là 50% hay bao nhiêu mà trong từng dự án hai bên sẽ thương thảo, thiết lập phương án khả thi nhất. Việc nâng trần mức tỷ lệ vốn góp của Nhà nước giúp phương án tài chính dự án khả thi hơn, các ngân hàng từ đó sẵn sàng hơn trong việc cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện dự án.

Sau Kỳ họp, Chính phủ cần thiết lập quy trình chi tiết và hướng dẫn các đơn vị liên quan, từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các ngân hàng thương mại cùng phối hợp để thực hiện. Có vậy Nghị quyết này của Quốc hội mới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cho sự phát triển chung của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đất nước.

ÔngPhan Việt Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa: "Làn gió mới" giúp bất động sản chuyển mình

Đúng như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ Sáu đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung của Kỳ họp và công tác điều hành linh hoạt, khoa học của lãnh đạo Quốc hội, chương trình Kỳ họp đã được hoàn thành với chất lượng cao nhất.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sẽ tạo ra “làn gió mới” trên thị trường bất động sản.

Trước đây, Luật Nhà ở chưa có quy định về thiết lập hệ thống thông tin để quản lý nhà ở và bất động sản. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân rất khó tiếp cận thông tin, nhiều thông tin được cung cấp nhưng không đầy đủ, thiếu minh bạch dẫn đến đầu tư dự án theo phong trào, gây mất cân bằng cung - cầu... Suốt một thời gian dài, quy định về việc tạo quỹ đất cho phát triển các dự án bất động sản còn mang nặng tính xin - cho. Những điểm mới trong Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ giải quyết những vấn đề này cùng nhiều vướng mắc khác; đồng thời cho thấy sự quan tâm lớn của Nhà nước với đối tượng có thu nhập thấp - thể hiện qua nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều điểm mới hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi quan trọng. Ví dụ, luật quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III - điều này có thể giảm được tình trạng găm hàng, thổi giá, phá vỡ quy hoạch...

Thị trường bất động sản chuẩn bị cho sự chuyển mình lớn. Khi mọi thông tin, dữ liệu đều minh bạch sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì phải đợi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Quan trọng nhất vẫn là khâu triển khai áp dụng vào thực tiễn để mang lại hiệu quả cao nhất.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nhung-quyet-sach-kip-thoi-se-mang-toi-nhieu-doi-moi-i352215/