Những quyết sách thiết thực, vì dân

Cùng với những quyết sách đột phá, khai thông các điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước, năm 2024 cũng là năm ghi dấu ấn nhiều quyết sách quan trọng của Quốc hội liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, không chỉ có ý nghĩa hết sức thiết thực trong hiện tại mà còn tác động lâu dài đến tương lai, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống an toàn, bình yên cho Nhân dân.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách

Một trong những quyết sách đó là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với 8 nhóm điểm mới, giải quyết căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách, góp phần bảo đảm tốt hơn nữa dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Nhân dân và từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ “tiền túi” của người tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, Luật đã quy định về việc cho phép người có Thẻ bảo hiểm y tế mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu (các bệnh viện lớn, đầu ngành) mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành; đồng thời vẫn được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà không cần phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với nhân dân thôn Lời, tỉnh Hà Nam nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với nhân dân thôn Lời, tỉnh Hà Nam nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế luôn là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, bởi đây là chính sách an sinh xã hội rất thiết thực, gắn bó trực tiếp tới quyền lợi của nhân dân trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách về bảo hiểm y tế vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập.

“Hầu hết các đợt tiếp xúc cử tri đều có nhiều đề xuất và kiến nghị về vấn đề này. Vì vậy, việc sửa đổi một số nội dung của Luật Bảo hiểm y tế là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri và sự thay đổi trong hệ thống pháp luật, tình hình kinh tế - xã hội so với giai đoạn trước”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng hơn quyền lợi của người khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế là “vô cùng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri”.

Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là nội dung rất mới, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và phải bảo đảm được sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Những chính sách mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của cử tri và Nhân dân. Các chính sách này đã tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với chính sách bảo hiểm y tế. Cùng với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2024, việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế theo quy trình, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Tám, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, chính là minh chứng cho thấy “Quốc hội và Chính phủ đã hết sức nỗ lực để thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách”.

Ưu tiên nguồn lực xóa nhà tạm

Một quyết sách an sinh xã hội vô cùng ý nghĩa nữa cũng đã được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám, đó là cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chủ trương này đã được thực hiện trong nhiều năm qua, trong đó từ năm 2000 – 2023, đã có hơn 1,7 triệu căn nhà Đại đoàn kết đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo rà soát hiện vẫn còn khoảng 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, trong năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” với mục tiêu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên. Thống kê của các địa phương cho thấy, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn gần 154.000 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng.

Vì vậy, tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đề xuất của Chính phủ nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội bởi việc giải quyết dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có khó khăn về nhà ở cũng chính là để Nhân dân được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau gần 40 năm Đổi mới. Với quyết sách của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã có thêm nguồn lực quan trọng để tập trung hiện thực hóa mục tiêu cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu của Đảng ta đề ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Vì thế hệ tương lai

Trước những tác động khôn lường của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là những tác động đối với giới trẻ, tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.

Với quyết sách trên, Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN thực hiện cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Quốc hội cũng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe con người. Trước đó, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đặc biệt nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các bộ liên quan cần khẩn trương đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác.

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều quyết sách quan trọng, thiết thực, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Không phải quyết sách nào cũng nhận được sự đồng thuận ngay, đơn cử như chính sách cấm mua bán, sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết “giữa các bộ tranh luận rất lâu nhưng cuối cùng, Quốc hội thống nhất đưa vào Nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn”. Theo Chủ tịch Quốc hội, quyết định này của Quốc hội “đã giải tỏa các tranh cãi nhiều năm nay, nhiều cuộc họp, nhiều cuộc hội thảo mà không tìm được lối ra”. Hay các chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì ngay tại Kỳ họp thứ Tám cũng còn nhiều đại biểu e ngại về tính khả thi, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề chuyển viện, người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến… Có ý kiến trái chiều, có những lo lắng, băn khoăn, nhưng điều quan trọng nhất, như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tổng kết “chúng ta thấy việc gì giải quyết có lợi cho dân là phải giải quyết ngay và chịu trách nhiệm trước đất nước”.

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-quyet-sach-thiet-thuc-vi-dan-post401027.html