Những sắc lệnh mới gây 'sốc' của Tổng thống Trump
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký khoảng 200 sắc lệnh hành pháp, biên bản ghi nhớ và tuyên bố vào ngày đầu tiên nhậm chức, hủy bỏ nhiều lệnh của chính quyền Biden và thực hiện các chính sách 'Nước Mỹ trên hết'.
Sáng ngày 20/1 (giờ địa phương), ông Donald Trump đã nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trong ngày đầu tiên nhiệm chức, tân Tổng thống đã ký khoảng 200 sắc lệnh hành pháp, biên bản ghi nhớ và tuyên bố quan trọng, hủy bỏ các lệnh của chính quyền Biden và thực hiện các chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Chưa có Tổng thống Mỹ nào thể hiện quyền lực hành pháp một cách quyết liệt như Tổng thống Trump. Theo tuyên bố của ông trước công chúng, những sắc lệnh này sẽ định hình nhiệm kỳ thứ hai của ông, phác họa hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ và tầm nhìn nhằm mục đích đem đến những thay đổi to lớn ở cả trong và ngoài nước.
Sau khi sống sót qua hai vụ ám sát không thành, hai lần bị luận tội, bốn bản cáo trạng hình sự và một bản án, sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump thực sự là một sự kiện gây sốc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11, ông Trump đã trở thành tổng thống thứ hai của Mỹ giành được hai nhiệm kỳ không liên tiếp, như vậy ông đã là một nhân vật lịch sử — cho dù điều gì sẽ xảy ra trong bốn năm tới.
Bước vào Phòng Bầu dục, ông Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh quan trọng, trong đó có sắc lệnh về trục xuất người nhập cư trái phép.
Ông Trump viện dẫn quyền hạn của tổng thống để bắt đầu một cuộc trấn áp toàn diện đối với người nhập cư, cụ thể là giao nhiệm vụ cho quân đội thực thi pháp luật ở biên giới, chỉ định các băng đảng và nhóm tội phạm là các nhóm khủng bố, ngừng tiếp nhận các đơn xin tị nạn và cố gắng chấm dứt nhập quốc tịch cho trẻ sinh ra trên đất Mỹ. Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía Nam, ra lệnh cho Bộ Quốc phòng huy động nhiều nguồn lực quân sự hơn và triển khai thêm quân đến biên giới.
Tôi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía Nam của chúng ta. Mọi hành vi nhập cảnh bất hợp pháp sẽ ngay lập tức bị chặn lại, và chúng ta sẽ bắt đầu quá trình đưa hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp trở lại nơi xuất phát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump đang chỉ thị cho các quan chức khởi động lại việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mỹ - Mexico, một dự án khổng lồ trị giá hàng tỷ đô la mà ông đã ủng hộ trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm. Trong thời gian ông Trump nắm quyền, khoảng hơn 700 km rào chắn đã được xây dựng dọc theo biên giới phía Tây Nam từ năm 2017 đến tháng 1 năm 2021.
Sắc lệnh của ông Trump đã lập tức được thực thi. Những người di cư có lịch hẹn nhập cảnh vào Mỹ thông qua ứng dụng CBP One đã bị hủy lịch hẹn chỉ vài phút sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Nhiều người đã nhập cảnh vào Mỹ thông qua các lối đi bất hợp pháp. Thật bất công khi họ tước đi quyền đi lại hợp pháp của tôi, mặc dù tôi biết và hiểu rằng Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ điều đó là bất công sau khi chúng tôi đã dành quá nhiều thời gian chờ đợi ở Mexico, và bây giờ họ nói rằng chúng tôi không thể nhập cảnh.
Chị Jhony Flores - Người di cư Venezuela.
Hệ thống bốc thăm trực tuyến là một phần quan trọng trong chiến lược biên giới của chính quyền Tổng thống Biden. Hệ thống này đã sắp xếp lịch hẹn cho 1.450 người mỗi ngày tại tám cửa khẩu biên giới xin nhập cảnh, nhằm tạo ra các con đường nhập cư hợp pháp, đồng thời trấn áp những người nhập cư bất hợp pháp.
Những người ủng hộ cho rằng, chiến lược này đã lập lại trật tự cho một biên giới hỗn loạn. Còn theo những người chỉ trích, nó sẽ là nam châm thu hút nhiều người nhập cư hơn.
Ông Trump đang hành động để hiện thực hóa lời cam kết trục xuất hàng loạt ít nhất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ. Hiện không rõ chính quyền sắp tới sẽ làm gì với những người mà đất nước của họ không chấp nhận cho họ trở về.
Rút khỏi các tổ chức quốc tế
Tổng thống Trump đã nhanh chóng rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một động thái mà các chuyên gia y tế công cộng cho biết sẽ làm suy yếu vị thế đi đầu của Mỹ trong hệ thống y tế toàn cầu và khiến cuộc đấu tranh chống lại đại dịch tiếp theo trở nên khó khăn hơn.
Động thái rút khỏi WHO không phải là bất ngờ. Ông Trump đã chỉ trích WHO kể từ năm 2020, khi ông công kích cơ quan này về cách tiếp cận của họ đối với đại dịch Covid-19 và đe dọa sẽ cắt nguồn tài trợ của Mỹ cho tổ chức này. Vào tháng 7 năm 2020, ông Trump đã thực hiện các bước chính thức để rút khỏi cơ quan này. Nhưng sau khi ông thua cuộc bầu cử năm 2020, dự định của ông đã không thành hiện thực.
Rời khỏi WHO có nghĩa là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ sẽ không có quyền truy cập vào dữ liệu toàn cầu của cơ quan này.
Được thành lập vào năm 1948 với sự hỗ trợ của Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới là một cơ quan của Liên hợp quốc. Theo trang web của tổ chức, sứ mệnh của tổ chức này là “đối mặt với những thách thức lớn nhất về sức khỏe của thời đại chúng ta và thúc đẩy đáng kể phúc lợi của người dân thế giới”, bao gồm việc mang viện trợ đến các khu vực bị chiến tranh tàn phá như Gaza và theo dõi các dịch bệnh mới nổi như Zika, Ebola và Covid-19. Ngân sách hàng năm của WHO là khoảng 6,8 tỷ đô la. Mỹ thường đóng góp một phần rất lớn trong số đó.
Cùng với đó, Tổng thống Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris, hiệp ước chống biến đổi khí hậu có sự tham gia của hầu hết các quốc gia. Sau khi rút lui, Mỹ sẽ cùng với Iran, Libya và Yemen là bốn quốc gia duy nhất không tham gia thỏa thuận khí hậu này.
Trong ngày đầu nhậm chức, ông Trump cũng đã ký một lá thư gửi Liên hợp quốc, cơ quan quản lý Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thông báo về việc rút lui khỏi hiệp định và việc rút lui sẽ chính thức diễn ra một năm sau khi lá thư được gửi đến Liên hợp quốc. Việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một trong số nhiều thông báo liên quan đến năng lượng được đưa ra sau lễ nhậm chức của ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris, nhưng sau đó ông Biden đã nhanh chóng tham gia lại vào năm 2020 sau khi giành chiếc ghế tại Nhà Trắng vào năm 2021.
Các nhà khoa học, nhà hoạt động và quan chức Đảng Dân chủ đã chỉ trích động thái rút khỏi Hiệp định Paris của ông Trump, cho rằng nó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và phản tác dụng đối với người lao động Mỹ. Cùng với các biện pháp năng lượng khác mà ông Trump đưa ra trong ngày đầu nhiệm kỳ, việc rút khỏi hiệp định cho thấy quyết tâm của chính quyền mới của Mỹ trong việc tăng cường khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, trong khi xa rời các công nghệ năng lượng sạch như xe điện và tua-bin gió phát điện.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm phát thải khí nhà kính đã bị đình trệ vào năm 2024, và việc ông Trump nhậm chức khiến Mỹ ngày càng khó có thể thực hiện được cam kết đầy tham vọng về cắt giảm khí thải.
Thay đổi động lực trong nước và thế giới
Nhiều quốc gia trên thế giới đang trong trạng thái “thấp thỏm”. Ngay từ lúc chưa nhậm chức, ông Trump đã gây ra các cuộc khủng hoảng chính trị từ Canada đến Panama và Đan Mạch. Trong khi các đồng minh đang lo lắng, ông Trump có lẽ đang chuẩn bị cho các cuộc gặp với lãnh đạo các nước đối thủ, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngay khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024, ông đã thay đổi động lực chính trị trong nước và toàn cầu sau thời gian cựu Tổng thống Joe Biden mờ nhạt dần vai trò trên chính trường.
Ông Trump đã giành được hai chiến thắng lớn ngay từ trước khi nhậm chức. Đầu tiên, ba con tin đã được Hamas thả vào hôm 19/1, theo thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, được cho là do ông sắp nhậm chức. Sau đó, ông Trump đã cứu TikTok sau vài giờ đóng cửa để tuân thủ lệnh cấm của liên bang. Cả hai bước đột phá trên đều chứng minh năng lực của ông và sở thích sử dụng quyền lực tổng thống theo cách riêng và ngẫu hứng.
Nếu tôi thực hiện thỏa thuận, thì tôi nghĩ chúng ta nên nhận được một nửa. Nói cách khác, tôi nghĩ Mỹ nên có quyền nhận được một nửa TikTok. Và xin chúc mừng, TikTok có một đối tác tốt và nó sẽ có giá trị, nó có thể là 500 tỷ đô la hoặc tương tự. Những con số thật điên rồ. Nhưng nếu tổng thống không ký, thì nó vô giá trị. Nếu tổng thống ký, nó có thể trị giá một nghìn tỷ đô la. Vì vậy, tôi nghĩ giống như một liên doanh, chúng ta sẽ có một liên doanh với TikTok.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhưng trong cả hai trường hợp của TikTok và Trung Đông, "chiến thắng" ban đầu của ông Trump sẽ sớm nhường chỗ cho các cuộc đàm phán và quyết định phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của tổng thống và sự khôn ngoan chiến lược, có tầm nhìn xa mà ông không phải lúc nào cũng có được trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức đã tuyên bố, ông sẽ giành lại kênh đào Panama, bởi tàu thuyền của Mỹ bị tính phí quá cao khi đi qua đây. Cùng với việc muốn mua lại Greenland của Đan Mạch, động lực để ông Trump giành quyền kiểm soát đối với kênh đào Panama là mong muốn mở rộng lãnh thổ của Mỹ, thực hiện triết lý "Nước Mỹ trên hết" và "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Tuy nhiên, tuyên bố này của ông Trump bị Panama phản đối, vì họ coi kênh đào là trung tâm bản sắc dân tộc và nguồn đóng góp lớn cho nền kinh tế. Năm 2024, kênh đào đã thu về tổng lợi nhuận gần 5 tỷ đô la cho Panama.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đề cập trực tiếp đến Ukraine mà chỉ ám chỉ rằng sẽ “kết thúc các cuộc chiến”. Theo giới quan sát, có nhiều cách để diễn giải sự im lặng này, nhưng có hai lý do nổi bật nhất.
Một là, giờ đây khi đã thực sự có quyền hành pháp, ông Trump không còn muốn đưa ra những bình luận liên tục về lập trường và thời gian biểu của mình để chấm dứt cuộc xung đột nữa. Thứ hai, ông Trump đã nhận ra đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, và mục tiêu giành chiến thắng dễ dàng của ông nằm ngoài tầm với trước mắt. Cũng có lẽ ông đã sẵn sàng chấp nhận một quá trình phức tạp và kéo dài để kết thúc cuộc xung đột này.
Chúng tôi thấy tuyên bố của Tổng thống Mỹ mới đắc cử và các thành viên trong nhóm của ông về mong muốn khôi phục các mối liên hệ trực tiếp với Nga, vốn đã bị gián đoạn không phải bởi chúng tôi mà là bởi chính quyền sắp mãn nhiệm. Chúng tôi cũng nghe tuyên bố của ông về sự cần thiết phải làm mọi việc có thể để ngăn chặn Thế chiến thứ III. Chúng tôi chắc chắn hoan nghênh thái độ này và chúc mừng Tổng thống đắc cử của Mỹ nhậm chức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về vấn đề kinh tế, bốn năm trước, ông Trump không được bầu lại vì không thể vực dậy một quốc gia bất mãn và bị đại dịch tàn phá - vì phần lớn cử tri đã mệt mỏi với giá cả sinh hoạt tăng cao và cuộc khủng hoảng biên giới, họ cũng mất niềm tin vào khả năng của chính phủ. Đến nay, vấn đề kinh tế lại trở thành động lực để nhiều cử tri lựa chọn ông Trump làm người dẫn dắt nước Mỹ.
Kinh tế trong nước là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của cử tri. Một cử tri thiếu kiên nhẫn có thể không cho ông Trump nhiều thời gian. Và thành công hay thất bại của nhiệm kỳ thứ hai của ông có thể phụ thuộc vào khả năng thực hiện từ những điều cơ bản nhất - chẳng hạn như giảm giá các mặt hàng chủ lực như trứng và sữa, điều mà ông đã thừa nhận là rất khó thực hiện.
Ông Trump cam kết sẽ "chiến thắng lạm phát" và cung cấp năng lượng có chi phí thấp nhất trên thế giới, cắt giảm thuế, giảm giá, tăng lương và trả lại hàng nghìn nhà máy cho Mỹ bằng cách sử dụng thuế quan.
Ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, ngăn chặn "hỗn loạn" ở Trung Đông, ngăn chặn Thế chiến thứ III, đàn áp tội phạm bạo lực ở các thành phố và xây dựng lại lực lượng cảnh sát và quân đội. Ông cũng sẽ xây dựng lại Los Angeles sau các vụ cháy rừng và làm cho nơi đây đẹp hơn trước.
Rất nhiều lời hứa đã được ông Trump đưa ra và cũng có những sắc lệnh cứng rắn đã được ký trong ngày đầu ông nhậm chức, song kết quả thực hiện sẽ ra sao vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp, bởi ông Trump vốn là một người khó đoán và thế giới vẫn biến động mỗi ngày khó có thể dự đoán trước.