Những sắc thái sơn mài của nhà điêu khắc lão thành Tạ Quang Bạo
Vốn lừng lẫy trong lĩnh vực điêu khắc, tượng đài, nay nhà điêu khắc lão thành Tạ Quang Bạo trở lại sau những cơn bạo bệnh bằng một triển lãm tranh sơn mài rực rỡ sắc màu, tươi tắn và đầy sức sống, đầy năng lượng như cách ông 'gửi mình' vào nghệ thuật. Triển lãm hiện đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Triển lãm tranh đánh dấu sự trở lại của nhà điêu khắc yêu nghệ thuật từ từng hơi thở của mình, sau một thời gian ốm bệnh. Nhưng sự trở lại này khiến bạn bè, đồng nghiệp và giới nghệ thuật hết sức bất ngờ, bởi thay vì triển lãm tượng với những dáng hình chắc nịch, khỏe khoắn quen thuộc của nhà điêu khắc, thì ông đem đến 50 bức tranh sơn mài, hầu hết là tranh khổ lớn, được thực hiện vô cùng công phu.
Một triển lãm tranh sơn mài là điều hết sức bình thường đối với người trong giới nghệ thuật. Nó là một phần trong đời sống nghệ thuật, là dấu mốc cho mỗi chặng đường nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ.
Tuy nhiên, với nhà điêu khắc, họa sĩ lão thành Tạ Quang Bạo, triển lãm này mang ý nghĩa cực kỳ đặc biệt. Triển lãm không có tên gọi chủ đề chung nào, chỉ đơn giản là “Tạ Quang Bạo – Tranh sơn mài”, nhưng ở đó người xem không chỉ thấy được cả một thế giới sắc màu rực rỡ, mà còn có cả quá trình thực hiện vô cùng công phu của lão nghệ sĩ đã 83 tuổi, lại vừa trải qua những cơn bạo bệnh… Hơn 10 năm nay, người nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tác chỉ với 1 cánh tay. Một bên tay của ông đã bị liệt sau một trận đột quỵ.
50 tác phẩm nghệ thuật khổ lớn, đồ sộ, trong con mắt của những người “ngoại đạo” thì đó là sự bất ngờ và ngạc nhiên, bởi lão nghệ sĩ vốn xưa nay được biết đến và được yêu mến từ những tác phẩm điêu khắc và rất nhiều tượng đài. Tính sơ sơ trong cả nước, ông có khoảng 20 tượng đài lớn đặt ở cả 3 miền.
Từ năm 2001, ông đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Tình hữu nghị Việt - Lào”, Tượng đài Nghĩa trang Buôn Mê Thuột; Tượng đài Chiến thắng Xuân Trạch (Thu Đông 1947 - Vĩnh Phúc); Tượng đài Chiến thắng Nha Trang.
Năm 2016, ông tiếp tục được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho hai tác phẩm: Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam, và tượng đài “Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ tại các bảo tàng, bộ sưu tập cá nhân…
Chính vì quá nổi tiếng trong lĩnh vực điêu khắc như vậy, cho nên triển lãm tranh sơn mài này là một bước ngoặt lớn của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Nhưng với những bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, những lớp họa sĩ đàn em gần gũi với ông, thì đây là một khúc mới của dòng chảy nghệ thuật vẫn luôn chảy mãnh liệt không ngừng bên trong ông.
Chia sẻ trong buổi lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Thành Chương cảm động nói về tình bạn vong niên giữa ông và nhà điêu khắc gạo cội. Họa sĩ Thành Chương cho biết, nhiều nhà điêu khắc có thể vẽ tranh, nhiều họa sĩ có thể làm điêu khắc, nhưng điều đáng nói ở đây không phải là vẽ tranh hay làm tượng, mà chất lượng của tác phẩm như thế nào.
“Dù làm tượng hay vẽ tranh, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vẫn làm với một sự tìm tòi, lao động trí tuệ cao nhất, chứ không phải số lượng nhiều hay tác phẩm lớn. Tất cả các tác phẩm của ông dù điêu khắc hay hội họa đều được làm với sự trăn trở đó, với trí tuệ sáng tạo đó. Đấy mới là tinh hoa, là giá trị cốt lõi cuối cùng của mỗi nghệ sĩ. Và tôi cho rằng cả cuộc đời của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã làm được điều đó, bằng sự trăn trở trong cuộc sống, trong lao động nghệ thuật và bằng sự sáng tạo không biết ngưng nghỉ, không biết mệt mỏi của mình” – họa sĩ Thành Chương nói.
Nhận xét về triển lãm của họa sĩ đồng trang lứa, họa sĩ Đỗ Đức cho rằng, triển lãm tranh sơn mài của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã chuyển được nguyên vẹn phong cách từ các tác phẩm điêu khắc sang tranh.
“Triển lãm tranh là sự nối tiếp phần tượng của anh Bạo, vẫn theo một đường dây sáng tác. Khi vẽ tranh, anh đã đưa rất nhiều yếu tố ảo của không gian ba chiều trong điêu khắc vào tác phẩm, tạo nên sự lạ của tác phẩm. Tranh của anh Bạo sử dụng chất liệu dân gian, có một vài trường hợp chịu ảnh hưởng đôi chút của nghệ thuật tranh trừu tượng châu Âu nhưng chỉ là dư âm. Điều này chứng tỏ bản lĩnh của một nhà điêu khắc cao thủ, tạo nên một nét rất riêng. Những gam màu của anh rất chắc, không bồng bềnh chút nào. Tôi thấy lao động sáng tạo của anh rất chất lượng. Nếu không có nhiệt huyết với nghệ thuật, không có tình yêu cuộc sống thì không làm được” – họa sĩ Đỗ Đức nói.
Mặc dù đã tuổi cao, sức yếu, nhưng có thể thấy rõ niềm vui hiển hiện trên gương mặt người nghệ sĩ già Tạ Quang Bạo ngay trong không gian triển lãm của mình. Nhà điêu khắc chia sẻ: “Tuổi tôi là tuổi cuối chiều rồi, sức lao động cũng cạn kiệt rồi đây là viên đạn cuối cùng mà tôi bắn. Những gì tôi muốn gửi tới các thế hệ sau là hãy tận tụy, hãy đi đến cùng của nghệ thuật. Có yêu nghệ thuật, đi tới cùng, lao động tới cùng, mới có tác phẩm đẹp. Mong mỏi của tôi là nghệ thuật Việt Nam đi xa hơn, ngang tầm thế giới”.