Những sai lầm khi điều trị táo bón cho trẻ
Đó là cho trẻ ăn quá nhiều rau, dừng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ, tự ý bỏ điều trị khi tình trạng của con vừa được cải thiện...
Ba thời điểm trẻ dễ bị táo bón
Tại buổi tư vấn về sức khỏe với chủ đề “Giải tỏa nỗi lo táo bón” do một tờ báo ngành tổ chức mới đây, các chuyên gia tiêu hóa cho rằng, trẻ bị táo bón khi giảm tần suất đi đại tiện (đi ít hơn 3 lần mỗi tuần), đi đại tiện khó, phân khô và cứng.
TS.BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, có ba thời điểm trẻ dễ bị táo bón: Thời điểm trẻ ăn dặm (từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc dễ có xu hướng thiếu nước hơn; lúc trẻ tập đi vệ sinh (phụ huynh thường mong trẻ đi vệ sinh đúng giờ, đúng chỗ, nhưng việc này khiến trẻ đôi khi nín đi đại tiện để chờ đúng giờ, dẫn đến trẻ bị táo bón); thời điểm bắt đầu đi học (khi đi học, đến chỗ lạ, trẻ không quen nên hay nhịn đi đại tiện, để về nhà mới đi).
Có ba thời điểm trẻ dễ bị tiêu hóa. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Về nguyên nhân táo bón, Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ, trẻ táo bón chỉ có 5% là do bệnh lý, cấu trúc của đường tiêu hóa hoặc liên quan đến nội tiết, còn lại 95% là do lối sống và cách trẻ đi đại tiện.
Trẻ nhỏ bị táo bón nếu không được điều trị triệt để, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ thường khó chịu nên hay cáu gắt, không tập tru`ng học tập hoặc vui chơi như các bạn bè khỏe mạnh khác. Về lâu dài, táo bón làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như kém ăn, gặp những biến chứng nặng nề hơn là sa niêm mạc trực tràng do rặn quá sức, bị trĩ, ứ chất độc trong người dễ gây nguy cơ ung thư.
TS.BS Hoàng Lê Phúc cho hay, táo bón thường có dạng táo bón mạn tính (trên 2 tháng) và táo bón mới khởi phát. Nếu mắc táo bón mạn tính, thời gian điều trị sẽ kéo dài.
Sai lầm khi điều trị táo bón cho trẻ
Theo Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hậu, nhiều phụ huynh mắc sai lầm khi điều trị trẻ bị táo bón, đặc biệt là với trẻ bị táo bón mạn tính.
Đầu tiên là bắt trẻ uống thật nhiều nước với hy vọng uống nước nhiều sẽ giúp mềm phân, trẻ dễ đi đại tiện. “Thực tế không phải như vậy. Khi chúng ta cho trẻ ăn ở chế độ ăn bình thường, uống đủ nước sẽ tạo chuyển hóa cơ thể tốt, khiến khối phân đủ mềm, gây cho trẻ nhu cầu đi đại tiện. Nhưng khi trẻ đã bị táo bón mạn tính, việc uống nhiều nước không khiến khối phân mềm hơn”, chuyên gia này nói.
Sai lầm thứ hai là bắt trẻ ăn thật nhiều rau. “Chất xơ rất cần cho đường tiêu hóa. Chất xơ trong đồ ăn có hai dạng là hòa tan và không hòa tan. Trong đó, chất xơ không hòa tan thường gặp trong rau. Thế nên, trẻ bị táo bón, bóng trực tràng bị giãn ra, ăn nhiều rau sẽ khiến khối phân lớn nhưng rất cứng, trẻ càng khó đi đại tiện. Trong một số trường hợp, ăn quá nhiều rau mà nhu động ruột không tốt lại gây tắc ruột”, chuyên gia này phân tích.
Do đó, khi có dấu hiệu bị táo bón mạn tính, phụ huynh cần sử dụng thuốc làm mềm phân, tháo phân cho trẻ mỗi ngày, tái lập lại thói quen đi đại tiện cho trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh còn mắc một số sai lầm như: Tháo phân cho con được 1-2 ngày, nghe lời người quen mà không làm nữa; cho con uống thuốc nhuận tràng nhưng lại sợ bị ảnh hưởng phụ nên tự tiện ngưng, thay vì hỏi ý kiến của bác sĩ; tự ý bỏ điều trị khi tình trạng bệnh của con mới có tiến triển...
Theo vị chuyên gia này, đó hoàn toàn là những cách chữa bệnh sai lầm. Trong điều trị táo bón, các bậc phụ huynh, ngoài việc thay đổi chế độ ăn phù hợp, còn phải kiên trì thực hiện chế độ điều trị, thường là 3 - 6 tháng, thậm chỉ cả năm để có thể phục hồi lại hoạt động của ruột, thói quen đi vệ sinh của trẻ.
Để phòng táo bón cho trẻ, phụ huynh đặc biệt lưu ý về ba thời điểm trẻ có nguy cơ bị táo bón để có chế độ dinh dưỡng và luyện thói quen đi vệ sinh cho trẻ. Đặc biệt, khi qua tuổi ăn dặm, trẻ ăn đặc hơn, chế độ ăn nhiều đạm, muối khoáng nên cơ thể cần nhiều nước và chất xơ hơn để chuyển hóa thức ăn. Đến tuổi tập nhai, ngoài cần nhiều chất xơ, nước, trẻ còn cần vận động nhiều hơn.