Những sai lầm nghiêm trọng của Taliban khiến chế độ này có thể sụp đổ ở Afghanistan
Thời kỳ trăng mật của Taliban ở Afghanistan có thể sớm qua đi. Với nhiều sai lầm mắc phải, chế độ Taliban vừa lên nắm quyền sẽ phải chật vật để cai trị được Afghanistan, thậm chí có thể đối mặt nguy cơ sụp đổ.
Hiện nay nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban có vẻ đang kiểm soát tổng thể được tình hình ở Afghanistan. Tình trạng yên tĩnh có thể thấy rõ trên khắp Afghanistan ngoại trừ Panjshir, nơi phong trào kháng chiến chống Taliban vẫn tiếp diễn. Do vậy sự yên tĩnh kia có thể chỉ là yên tĩnh trước cơn bão, như vẫn thường vậy tại Afghanistan. Những thách thức mà Taliban kế thừa từ chính quyền cũ và những sai lầm lớn mà họ phạm phải trong một tháng cầm quyền vừa qua (tính từ ngày 15/8/2021) đã phá hoại tính chính danh của họ và cản bước họ trong việc cai quản Afghanistan.
Những sai lầm gần đây của Taliban
Sai lầm đầu tiên của Taliban là phóng thích tất cả tù nhân sau khi họ chiếm được các nhà tù và trại tạm giam do chính phủ cũ quản lý trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Nếu Taliban chỉ thả các tù nhân là người của họ thì điều này có thể biện minh được trong bối cảnh xung đột tại quốc gia Nam Á này. Đằng này, Taliban thả cả hàng ngàn tên tội phạm hình sự và bọn khủng bố, bao gồm cả thủ lĩnh của tổ chức khủng bố IS tỉnh Khorasan (IS-K) Omar Farooqi và các thành viên khác của IS-K - điều vô cùng khó hiểu ở tất cả các phương diện. Một khi một lượng lớn phần tử khủng bố dạn dày này được giải thoát như vậy, không rõ liệu Taliban sau này có đủ sức hoặc ý chí để bắt lại bọn chúng hay không.
Sai lầm thứ 2 của Taliban là tấn công tỉnh Panjshir thay vì cố gắng đàm phán để đạt được một giải pháp với người Panjshir. Nhiều người Afghanistan không hiểu nổi vì sao Taliban có thể thương lượng với Mỹ trong 2 năm ròng mà lại không chịu làm điều tương tự với người Panjshir dù chỉ trong 2 tuần. Trên thực tế, dù Taliban tuyên bố chiến thắng ở Panjshir, sự ăn mừng chiến thắng của họ là quá sớm. Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) do Ahmad Massoud lãnh đạo vẫn kiểm soát vùng núi nơi đây. Họ gồm những người dân bản địa thông thạo địa hình nơi đây. Đánh bật NRF ra khỏi vùng này không phải là nhiệm vụ dễ dàng chút nào.
Nếu NRF tiếp tục giữ vững cuộc kháng chiến chống Taliban thì phong trào kháng chiến này có thể lan rộng ra các vùng khác. Taliban lại thiếu sự ủng hộ dành cho họ trong các nhóm dân tộc không phải là Pashtun, như là người Tajik, Uzbek, Hazara, và người Turk. Các nhóm dân này không quan tâm lắm đến chế độ thần quyền do người Pashtun thống trị. Đến nay, Taliban chẳng làm được mấy để làm hài lòng những người thuộc các tộc khác ngoài Pashtun - những người chiếm tới 55-60% dân số Afghanistan.
Sai lầm thứ 3 là cho phép tướng Faiz Hameed - Tổng giám đốc cơ quan tình báo liên ngành (ISI) của Pakistan xuất hiện công khai ở thủ đô Kabul. Dân thường Taliban đã từ lâu nghi ngờ Taliban đang hoạt động nhằm thúc đẩy lợi ích của Pakistan ở Afghanistan. Dù cho cả Pakistan và Taliban đều bác bỏ cáo buộc này, chuyến thăm của ông Hameed tới Afghanistan đã phá hoại tiếng tăm của Taliban và làm dấy lên câu hỏi về ảnh hưởng của tình báo Pakistan ISI đối với Taliban. Bất kể mục đích và động cơ thực sự của chuyến thăm trên là gì thì Taliban vẫn phải mất một khoảng thời gian để phục hồi sau vụ tai tiếng này.
Sai lầm thứ 4 và có lẽ là nghiêm trọng nhất của Taliban là công bố một chính phủ gồm gần như toàn người của một dân tộc. Người Pashtun - ước tính chiếm khoảng 40-45% dân số Afghanistan, thì lại chiếm tới hơn 90% số ghế trong nội các. Và cũng không có phụ nữ nào, dù là người dòng Shiite hay người Haraza, trong nội các. Để làm hài lòng các nhà phê bình trong nước và hải ngoại, Taliban tuyên bố nội các mới của mình là lâm thời và sẽ được thay thế bởi một chính phủ lâu dài trong tương lai. Nhìn lại quá khứ thì thấy Taliban đã nhiều lần thất hứa nên ít có hy vọng họ sẽ giữ lời lần này.
Bên cạnh việc chỉ có một dân tộc chủ đạo và lấy người Pashtun làm trung tâm, nội các của Taliban còn do những giáo sĩ học hành không đến nơi đến chốn kiểm soát. Hầu hết thành viên nội các không có bằng đại học hoặc chứng chỉ học nghề. Ngay cả trình độ tôn giáo của họ cũng là một vấn đề đáng ngờ vì hầu hết không nói được tiếng Arab - ngôn ngữ được sử dụng trong các trường Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan, và do đó họ phải dựa vào các phiên dịch để giao tiếp được với các đại diện của Qatar trong các dịp trước đây.
Thách thức mà Taliban đang phải đối mặt
Thứ nhất địa hình ở Afghanistan phù hợp cho phong trào nổi dậy nhưng lại gây khó khăn cho việc quản lý vì lãnh thổ bị phân mảnh cũng với nhiều sự khác biệt về dân tộc và ngôn ngữ. Việc Taliban công bố một nội các đơn dân tộc chắc chắn chỉ làm trầm trọng thêm tình hình mong manh dễ vỡ ở Afghanistan. Bên cạnh đó, Taliban cũng không thể phớt lờ khát khao của giới trẻ Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, muốn có thêm quyền và được phép tham gia nhiều hơn vào xã hội. Lúc này, Taliban có thể dùng tới bạo lực để trấn áp người bất đồng, nhưng việc áp bức đó ở Afghanistan thường phản tác dụng, để lại những hậu quả thảm họa cho chính kẻ áp bức.
Thứ hai, do Afghanistan luôn có một nhà nước yếu nên việc nhà nước đó sụp đổ không gây ra hỗn loạn diện rộng. Nhưng Afghanistan hiện đứng bên bờ sụp đổ kinh tế. Tình trạng đóng băng tài sản của Afghanistan ở Mỹ và sự sụt giảm đột ngột viện trợ nước ngoài cho Afghanistan đang gây tổn hại cho dân thường Afghanistan. Chẳng hạn, việc thanh toàn bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ ở Afghanistan là rất hiếm, hầu như mọi người dân Afghanistan vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Cho tới thời điểm của bài viết này, các ngân hàng Afghanistan (chỉ tiếp cận được ở Kabul và vài thành phố lớn khác) đang đặt ra hạn mức rút tiền mặt là tối đa 20.000 đồng Afghani (tương đương khoảng 250 USD). Khi cả ngân hàng và một số lượng lớn người dân Afghanistan hết tiền mặt do đóng băng tài sản, thậm chí những người dân Afghanistan khá giả dưới thời Tổng thống Karzai và Ghani cũng bị kẹt tiền mặt và phải sống chật vật về kinh tế.
Ngoài ra, một lượng lớn người dân Afghanistan ở đô thị là lao động công nhật. Nếu không kiếm được đồng nào trong ngày thì tối đến họ chẳng có mấy để mà ăn. Hầu hết lao động công nhật đã bị thất nghiệp trong hơn một tháng qua đang đối mặt với tình trạng đói khát.
Nhân viên chính quyền, giáo viên, giáo sư cũng không được nhận lương kể từ tháng 7/2021. Cuộc tiến công của Taliban tiến hành trong mùa hè vừa qua đã dồn hàng ngàn dân thường về thủ đô Kabul và các thành phố lớn khác, nơi những người tha hương không có mấy thực phẩm để ăn và góp phần nâng mức nghèo đói ở các đô thị. Dù khó khăn chồng chất, dân thường ở Afghanistan còn bị ép phải cung cấp đồ ăn miễn phí cho chiến binh Taliban.
Cung cách quản lý kiểu áp bức của Taliban gây nản lòng thêm cho dân chúng Afghanistan và làm cho cuộc khủng hoảng ở đây thêm trầm trọng. Nạn hạn hán nghiêm trọng, đại dịch Covid-19, và xung đột đang diễn ra đã đồng thời đẩy quốc gia Nam Á đến bên bờ vực sụp đổ kinh tế hoàn toàn. Vào lúc này, khoảng 1/3 dân số Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ chết đói. Mùa đông sắp đến gần và tình trạng tuyết rơi sẽ làm tình hình tệ hại hơn. Chắc chắn hàng ngàn người sẽ chết đói trừ phi có sự viện trợ tức thời, đặc biệt là tới những vùng đất mà tuyết gây tắc nghẽn các con đường bộ cho đến tận mùa xuân năm sau.
Thứ ba, vào đầu tháng 8/2021, Liên Hợp Quốc thông báo rằng có hơn 10.000 chiến binh ngoại ở Afghanistan. Đấy là trước khi Taliban thả tự do cho hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) chiến binh nước ngoài nữa ra khỏi các nhà tù của chính quyền cũ. Dường như Taliban có ít sự kiểm soát đối với các chiến binh ngoại đó, đặc biệt là các chiến binh IS-K mà Taliban coi là kẻ thù không đội trời chung.
Lực lượng Taliban Pakistan (TTP) cũng là một thử thách nữa đối với năng lực và cam kết của Taliban Afghanistan đối với Pakistan.
Pakistan muốn ngăn TPP thực hiện các cuộc tấn công xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan và muốn Taliban bảo đảm điều này. Mặc dù Taliban Afghanistan xác nhận họ độc lập với Taliban Pakistan, Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan Bajwa và Tổng giám đốc tình báo Pakistan Hameed đã nói với một nhóm nghị sĩ Pakistan vào đầu tháng 7/2021 rằng Taliban Afghanistan và TPP là "hai mặt của cùng một đồng xu".
Ngay cả khi Taliban thực sự muốn trục xuất các chiến binh TPP khỏi lãnh thổ Afghanistan thì họ chưa chắc có đủ năng lực để làm điều đó vì các lực lượng của Taliban đã bị căng mỏng trên lãnh thổ rộng lớn của quốc gia Nam Á này và khó có đủ sức lực giao chiến với TPP. Chưa kể nếu mạo hiểm đánh nhau với TPP, Taliban có thể hứng chịu thất bại quân sự và điều này ảnh hưởng đến "danh tiếng vô địch" bấy lâu nay của Taliban.
Thứ tư, Taliban muốn xây dựng một chính quyền trung ương mạnh ở thủ đô Kabul nhưng điều này có thể phản tác dụng vì người dân ở các vùng khác không coi trọng ai đang nắm quyền ở Kabul. Dân Afghanistan có xu hướng trung thành với các thủ lĩnh địa phương, khu vực, và bộ lạc hơn là các nhà lãnh đạo trung ương và do đó sẽ chống lại các thay đổi áp từ trên xuống xuất phát từ thủ đô.
Đặc điểm địa hình nhiều núi non hiểm trở và dân cư đa dạng về sắc tộc, cùng lịch sử nhà nước tập quyền yếu và thường thất bại, cộng với sự thiếu trung thành và tôn trọng của người dân Afghanistan dành cho nhà cầm quyền ở Kabul khiến cho mô hình phân quyền từ trung tâm trở nên cần thiết. Tuy nhiên Taliban đang cố gắng đi ngược lại xu hướng này và do đó có nguy cơ sẽ thất bại.
Cuối cùng, chất kết gắn đoàn kết trong nội bộ Taliban đã hết (đó là cuộc đấu tranh chung chống lại Mỹ và đồng minh của Mỹ). Các bất đồng sâu sắc bắt đầu nổi lên trong nội bộ Taliban. Chỉ thời gian ngắn sau khi Taliban chiếm được Kabul, đã có các báo cáo về việc các thủ lĩnh cấp cao của Taliban là Giáo sĩ Abdul Ghani Baradar và Khalil-ur-Rahman Haqqani "đã nặng lời với nhau trong khi đám thuộc hạ thì ẩu đả với nhau ngay cạnh đó" chỉ vì tranh cãi về việc Taliban giành được chiến thắng nhờ ngoại giao hay quân sự.
Theo dòng thời gian, các khác biệt trong nội bộ Taliban có khả năng lớn dần lên và khó hòa giải hơn./.