Những sản phẩm thân thiện môi trường thương hiệu Việt tại Hội chợ Paris
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế Paris năm nay, Không gian Việt Nam đã quy tụ gần 40 doanh nghiệp đến từ trong nước.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Giám đốc Hội chợ Paris Steven Abajoli tham quan các gian hàng Việt Nam.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như đồ mỹ nghệ, trang phục dân tộc, mứt, trà, hoa quả, lần đầu tiên, các sản phẩm thủ công độc đáo và thân thiện với môi trường "Made in Việt Nam" đã được giới thiệu tới khách tham quan.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương Không gian Việt Nam ngày 3/5 tại Hội chợ Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp trong nước với mong muốn giới thiệu từ ẩm thực, sản vật, đến thủ công, mỹ nghệ, góp phần giúp công chúng Pháp khám phá mọi khía cạnh văn hóa của Việt Nam.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của năm 2025 là một năm trọng đại đối với Việt Nam, với lễ kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước - chấm dứt chiến tranh, và 80 năm ngày Quốc khánh. Đề cập đến mối quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước, Đại sứ đề cập đến chuyến thăm tới Pháp vào tháng 10 năm ngoái của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng với sự hợp tác trong mọi lĩnh vực - rất phong phú và đa dạng - giống như sự hiện diện của Việt Nam tại Hội chợ Paris lần này, đã và đang đóng góp quan trọng vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.
Ấn tượng với màn múa lân rồng, trình diễn áo dài và những bản nhạc dân tộc do Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức để khai trương Không gian Việt Nam tại triển lãm, ông Steven Abajoli, Giám đốc Hội chợ Paris, bày tỏ sự cảm ơn đối với các đối tác, doanh nghiệp đã mang tinh thần Việt Nam đến với hội chợ, góp phần vào việc giữ gìn và lan tỏa văn hóa dân tộc ra cộng đồng quốc tế. Theo ông, Hội chợ Paris chính là một ngã tư văn hóa, là điểm hẹn của mọi sự gặp gỡ, giao lưu và kết nối toàn cầu.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tặng quà lưu niệm tới Giám đốc Hội chợ Paris Steven Abajoli.
"Việt Nam có một vị trí rất quan trọng đối với chúng tôi. Thực tế, hàng năm chúng tôi đều tổ chức lễ khai mạc Không gian Việt Nam với sự hiện diện của ngài Đại sứ, và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, cùng toàn bộ đội ngũ tổ chức gian hàng Việt Nam - những người luôn đặt rất nhiều tâm huyết để biến sự kiện này thành một điểm nhấn lớn của Hội chợ Paris", ông Steven Abajoli bày tỏ và khẳng định "Không gian Việt Nam từ lâu đã là một phần trong lịch sử của Hội chợ Paris và phần nào giúp người dân Pháp, những ai chưa có cơ hội đến Việt Nam, có thể khám phá đất nước xa xôi này ở ngay tại cửa ngõ Paris".
Điểm nổi bật của Không gian Việt Nam năm nay là sự xuất hiện của nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính thân thiện với môi trường, phản ánh xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Những chiếc khăn tắm bằng xơ mướp, những con thú được chạm khắc, ghép lại bằng những mẩu gỗ, mẩu tre, những chiếc túi xinh xắn làm ra từ những mảnh vải bò đã qua sử dụng… Đây là lần đầu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường “Made in Vietnam” được bày bán bên cạnh đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và trang phục dân tộc, mứt, trà, hoa quả nhiệt đới… tạo nên nét đặc sắc trong tòa nhà châu Á ở Hội chợ triển lãm Paris 2025.
Bà Đào Kim Chi, nghệ nhân đến từ Hà Nội, tự hào giới thiệu những những chiếc túi, chiếc ví xinh xắn được tạo ra từ quần áo jean cũ: "Với mục đích tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn thiết kế từ quần áo jean đã qua sử dụng. Người Việt Nam mình rất là giỏi trong lĩnh vực thủ công và sáng tạo, thể hiện qua những mảnh ghép trên túi, dựa theo mô phỏng của bức tranh nổi tiếng của Bùi Xuân Phái về Phố Cổ. Người Pháp rất quan tâm đến môi trường nên tôi hy vọng các sản phẩm chúng tôi mang từ Việt Nam qua sẽ được đón nhận".

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tham quan các gian hàng Việt Nam.
Lần đầu tiên mang các sản phẩm làm từ xơ mướp đến với khách hàng Pháp, ông Nguyễn Phú Tùng, Giám đốc công ty Loofah Global Đắk Lắk giới thiệu: "Sản phẩm của chúng tôi được làm từ xơ mướp, hoàn toàn tự nhiên, thân thiện với môi trường, không qua tẩy rửa hóa chất. Những sản phẩm này dùng để tắm, hoặc cọ rửa chén, bát rất tiện dụng". Ông cho biết bảo vệ môi trường chính là thông điệp mà doanh nghiệp muốn gửi gắm đến công chúng quốc tế.
Về phần mình bà Lưu Tú Gia, đại diện cho công ty Mỹ Nghệ Việt, rất tự hào với những con giống và sản phẩm thủ công làm từ tre và gỗ với các chi tiết chạm khắc và ghép lại một các tinh tế và đặc sắc.
Ông Tăng Thanh Sơn, phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, cũng chia sẻ về điểm nhấn trong chiến lược hoạt động năm nay của Trung tâm, đó là tăng cường quảng bá du lịch của Việt Nam thông qua việc giới thiệu các tài liệu, tranh ảnh, sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành tới khách hàng Pháp. Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu của trung tâm là "đưa văn hóa bản sắc của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế ngày càng mạnh hơn, nhiều hơn và để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước dân tộc Việt Nam của chúng ta".
Ngay từ những ngày đầu của Hội chợ, các sản phẩm Việt Nam đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Pháp. Bà Liliane Delarace, một khách tham quan người Pháp chia sẻ cảm tưởng: "Chúng tôi thấy các sản phẩm rất đẹp, có rất nhiều điều thú vị mà trước đây chúng tôi chưa biết, vì vậy chúng tôi muốn khám phá thêm". Còn bà Nguyễn Thị Luc Evelyne, một khách hàng gốc Việt, bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành với những sản phẩm thân thiện môi trường: "Trước đây tôi không hề biết những miếng xơ mướp này. Giờ tôi mới thấy và tôi đã mua chúng. Tôi rất thích các sản phẩm của Việt Nam. Tôi chỉ mua hàng Việt Nam vì tôi rất yêu Việt Nam!".

Sản phẩm xơ mướp Việt Nam thân thiện với môi trường lần đầu được giới thiệu tại Hội chợ Paris.
Hội chợ Paris 2025 với chủ đề "World in Paris" (Thế giới ở Paris), diễn ra từ ngày 30/4 đến 11/5 tại Trung tâm triển lãm Porte de Versailles. Sự kiện quy tụ hơn 1.250 đơn vị triển lãm, đến từ 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là sự kiện thương mại và văn hóa lớn nhất nước Pháp, có lịch sử hơn 120 năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.