Những sáng tạo trong Chiến dịch Nguyễn Huệ

'Mỹ trở lại cuộc chiến tranh, đánh tới tấp vào miền Nam lẫn miền Bắc bằng hỏa lực không quân từ tháng 4-1972, mức độ ác liệt chưa từng thấy. Bom ném có cả bom khoan, bom cháy, bom phát quang và cả hỏa lực B52. Pháo tự hành tập trung bắn phá từng chốt, pháo bầy từ các trận địa Lai Khê, Chơn Thành… bắn vào ta. Đánh ngày không được địch xoay qua đánh đêm, đánh trước mặt không được địch xoay qua đánh cạnh sườn…'.

Đã 50 năm sau Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị cho biết, ông đã quên đi nhiều thứ, như khối lượng bom đạn, số lượng trận đánh, diễn biến từng trận, hay diện tích vùng giải phóng mở rộng bao nhiêu km2… nhưng ông vẫn nhớ như in sự ác liệt của những ngày hè đỏ lửa ấy, cũng như sự sáng tạo của quân đội ta để giành chiến thắng.

Sáng tạo giữ vững trận địa

Trong trí nhớ của vị tướng già sinh năm 1930, đã từng tham gia nhiều chiến dịch lớn trong cuộc đời binh nghiệp như Điện Biên Phủ (1954), Mậu Thân (1968), Nguyễn Huệ (1972), Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (1974-1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975)… ông rất tự hào về chiến thắng của Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng trên đường 13 sau 150 ngày đêm ác liệt. Ông nhớ lại: “Địch đánh cả 2 phía, nhưng chỉ dồn được 1 đoạn, còn đoạn Tàu Ô là không thông được. Có thể nói trên chiến trường miền Nam Việt Nam, việc chốt chặn chia cắt chiến dịch, chia cắt giao thông, có lẽ đường 13 là tuyến đường duy nhất địch không chọc thủng được. Sau 150 ngày đêm đó, trải qua nhiều trận đánh, nhiều hình thức đánh, ta vẫn giữ vững trận địa”.

Trung tướng Nguyễn Văn Thái (trái) và cựu chiến binh Đặng Phúc Định, nguyên chiến sĩ Đại đội hỏa lực B41 cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng, chiến đấu giữ Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ cách đây 50 năm. Ảnh: Viết Bằng

Giữ vững trận địa trong bối cảnh cuộc chiến diễn ra quyết liệt, lại thêm thời tiết mùa khô bom đạn cày xới tơi bời, mùa mưa lầy lội, cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt trong hầm chữ A rất khó khăn, gian khổ, ngoài quyết tâm rất cao, đánh địch rất dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, tướng Thái khẳng định còn do “cách đánh rất sáng tạo của ta trong chiến đấu phòng ngự”. Ông kể: “Lực lượng ở chốt để địch tiến đến thật gần, có khi cách 5m mới nổ súng chứ không nổ súng xa, bởi nếu nổ súng xa địch lùi cũng vô hiệu. Chính cách đánh này mà địch chết hàng loạt. Rồi xuất kích ngắn, ra ngoài công sự để tiếp tục đánh địch chứ không xuất kích dài. Tức là đánh gần - xuất kích gần lại trở về công sự. Với cách đánh sáng tạo ấy mà hàng trăm cuộc tấn công như thế của địch đều bị ta đánh lui”.

Buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm chiến dịch Nguyễn Huệ (1972) của cán bộ, chiến sĩ đại đội hỏa lực B41 đang sinh sống ở khu vực phía Nam. Ảnh: Như Nam

Những sáng kiến từ chiến sĩ chứ không phải từ chỉ huy này được Trung tướng Thái khẳng định là kết quả từ việc phát huy dân chủ quân sự. Đây cũng là truyền thống của quân đội ta từ khi ra đời đến nay, tạo môi trường thuận lợi cho bộ đội cống hiến, nâng cao hiệu quả công tác.

Đại đội trực thuộc Sư đoàn

Theo tổ chức biên chế trong quân đội, đại đội trực thuộc tiểu đoàn. Thế nhưng ở Sư đoàn 7 lại có một đại đội rất đặc biệt, đó là Đại đội hỏa lực B41 trực thuộc Phòng Tham mưu của Sư đoàn.

Đại tá Nguyễn Trọng Đình phát biểu ôn lại truyền thống nhân buổi họp mặt. Ảnh: Như Nam

Đại đội B41 có rất nhiều điều đặc biệt. Thứ nhất, là đại đội được tổ chức biên chế chưa có tiền lệ trong các đơn vị bộ binh của quân giải phóng. Thứ hai, biên chế về quân số gấp đôi đại đội bộ binh (lúc đó là 100 đồng chí), hỏa lực có 22 khẩu súng B41, 22 khẩu AT tăng, 22 xạ thủ chính, 22 xạ thủ phụ. Biên chế của đại đội toàn bộ súng B41 để thực hiện nhiệm vụ đánh, tiêu diệt những chi đội, chi đoàn thiết giáp của địch - những lực lượng đột kích mạnh của quân Sài Gòn lúc đó. Thứ ba, đây là đại đội được Sư đoàn quan tâm đặc biệt, từ ăn, mặc, tất cả trang thiết bị đều tốt nhất và gọn nhẹ nhất để cơ động nhanh và chiến đấu tốt.

Đại tá Nguyễn Trọng Đình, Chính trị viên Đại đội B41, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 7

Sự ra đời của Đại đội B41 được xem là quyết định táo bạo của một con người đặc biệt - Trung tướng Lê Nam Phong, lúc đó là Sư đoàn phó. Đại tá Nguyễn Trọng Đình, Chính trị viên Đại đội B41 lúc đó, lý giải: “Tổ chức biên chế của quân đội được thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Thành lập đơn vị nào là do Bộ Tổng tham mưu và chỉ huy quân giải phóng lúc đó quyết định. Cấp sư đoàn trở xuống đều phải thực hiện theo tổ chức biên chế đó. Lúc Sư đoàn thành lập Đại đội B41 như vậy, tất nhiên có ý kiến của tập thể, của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn, nhưng phải nói đến vai trò của Trung tướng Lê Nam Phong, lúc đó là Sư đoàn phó, người nắm giữ tổ chức lực lượng, đã có quyết định táo bạo”.

Cũng vì quyết định táo bạo này mà Trung tướng Lê Nam Phong suýt… bị kỷ luật. Đại tá Đình hóm hỉnh: “Trung tướng Lê Nam Phong tâm sự mấy lần suýt bị cấp trên kỷ luật. Cũng đúng thôi, vì cấp dưới phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, cá nhân phải phục tùng ý kiến tập thể”.

Có 2 sáng kiến rất quan trọng trong chiến dịch.

Một là đánh đêm. Địch đánh ngày không được thì chuyển qua đánh đêm, nhưng không lùi về liền mà nằm lại ngay đối diện với chốt, để hôm sau làm bàn đạp tấn công mình. Phải làm sao đẩy được địch ra? Anh em phân tích, địch mà trụ được nghĩa là phải có quân tiếp tế. Vậy là anh em nảy ra sáng kiến tổ chức những bộ phận nhỏ luồn ra sau lưng địch, vừa đánh địch từ phía sau vừa đánh luôn quân tiếp tế. Không có tiếp tế nữa buộc 1, 2 ngày sau chúng phải rút.

Hai là đánh nghi binh. Có những tổ anh em đánh ở trận địa chốt, pháo cứ giã vào, vậy là anh em có sáng kiến cử một chiến sĩ đi ra hào cách vài chục mét, cầm cái gậy mũ sắt cứ giơ lên thụt xuống, giơ lên thụt xuống y như quân ta ở ngoài đó để pháo địch chĩa về, anh em ta ở phía này bắt đầu xuất kích.

Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7

Thực tế đã chứng minh quyết định táo bạo của tướng Phong là đúng vì lúc đó cần thiết phải có lực lượng hỏa lực mạnh để tiêu diệt lực lượng đột kích của địch dựa vào vỏ thép dày, hỏa lực mạnh. Đại tá Nguyễn Trọng Đình khẳng định: “Đại đội B41 ngay trận đầu đã bắn cháy 7/11 chiếc xe tăng của địch. Tôi nhớ đồng chí Liễn - người dân tộc Mường ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, lúc đó là xạ thủ, khi tập luyện đã bắn trúng xe tăng mô hình ở cách xa 500m, sau này có trận đồng chí bắn cháy đến 6 chiếc xe tăng. Thành tích và công lao của anh em đã khẳng định quyết định thành lập Đại đội B41 lúc đó của Sư đoàn, trực tiếp là Trung tướng Lê Nam Phong chỉ huy, là đúng đắn.

Mở ra hàng loạt thắng lợi

Dù chỉ thành lập và tồn tại trong thời gian ngắn, từ năm 1971-1973, nhưng Đại đội B41 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của 150 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng của Sư đoàn 7 và Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, mở ra vùng giải phóng rộng lớn rất quan trọng khi nối liền với Campuchia, liên hoàn với miền Bắc, tiêu diệt một phần quan trọng lực lượng chủ lực, phương tiện chiến tranh của địch và giành được một số dân.

“Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng. Việc giải phóng Lộc Ninh giúp chúng ta thuận lợi đặt trụ sở Chính phủ lâm thời ở Lộc Ninh sau này, phát triển hoạt động đối ngoại. Tiếp tế từ miền Bắc vào đến tận Lộc Ninh, gồm đường ống dẫn xăng dầu, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và rất nhiều thứ khác từ miền Bắc chi viện cho miền Nam, góp phần làm chuyển biến so sánh lực lượng của ta vốn đã có lợi càng lợi hơn nhiều để chúng ta mở rộng mặt trận tấn công đến Phước Long, Buôn Ma Thuột, Xuân Lộc và sau đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh” - Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7 đánh giá.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131720/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-loc-ninh-7-4-1972-7-4-2022