Những sinh viên gen Z khiến nhà tuyển dụng đau đầu

Nhảy việc quá nhiều lần trong khi bản thân còn thiếu kỹ năng, lo sợ mất việc vì trí tuệ nhân tạo là những điều các chuyên gia nhận thấy ở lao động gen Z hiện nay.

 Lao động gen Z đang nhảy việc rất nhiều. Ảnh: Pexels.

Lao động gen Z đang nhảy việc rất nhiều. Ảnh: Pexels.

"Doanh nghiệp của chúng tôi rất đau đầu về lao động gen Z hiện nay. Các bạn là những người nhảy việc như chong chóng. Một số bạn kỹ năng chưa đáp ứng nổi công việc, nhưng khi thấy người khác làm ở vị trí hoặc công việc có thu nhập cao hơn là sẵn sàng nhảy việc, mà quên mất mình đang thiếu một số kỹ năng cần thiết", ông Bùi Quang Vinh (chuyên gia nhân sự) chia sẻ trong tọa đàm Bùng nổ công nghệ - rủi ro suy thoái kinh tế và cơ hội việc làm hiện nay diễn ra tại ĐH Kinh tế TP.HCM sáng 23/4.

"Nhảy việc như chong chóng"

Ông Bùi Quang Vinh cho biết thông thường, trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, gen Z hay đặt các câu hỏi về cơ hội thăng tiến hoặc cơ hội nâng cao kỹ năng trong công việc. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu này, lao động gen Z sẽ nhảy việc.

Ông Vinh đánh giá đây là nhu cầu chính đáng của gen Z. Tuy nhiên, việc lao động gen Z "nhảy việc như chong chóng" không thể đổ lỗi hoàn toàn cho doanh nghiệp.

Theo ông Vinh, hiện tại, nhiều sinh viên khi ra trường đang rất mơ hồ và không rõ bản thân mong muốn điều gì, thậm chí một số sinh viên còn "đứng núi này trông núi nọ". Những trường hợp này thường muốn trải nghiệm nhiều nhưng kỹ năng lại không đủ để đáp ứng công việc, làm việc chưa được bao lâu, các bạn đã nhảy sang công việc khác.

"Tôi không khuyến khích lao động nhảy việc nhưng nếu các bạn có nhu cầu phát triển bản thân mà doanh nghiệp không tạo điều kiện, các bạn cứ đi. Tuy nhiên, khi đi xin việc, các bạn cũng phải có những kỹ năng cốt lõi của công việc mình ứng tuyển", ông Vinh nói.

 Ông Vinh thừa nhận nhảy việc là nhu cầu chính đáng của lao động nhưng các bạn không nên "nhảy việc như chong chóng". Ảnh: UEH.

Ông Vinh thừa nhận nhảy việc là nhu cầu chính đáng của lao động nhưng các bạn không nên "nhảy việc như chong chóng". Ảnh: UEH.

Trong khi đó, TS Đỗ Thanh Vân - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động - cho rằng sinh viên không nên quy chụp giữa mong muốn trải nghiệm và nhảy việc.

"Nhiều sinh viên cho rằng các em còn thiếu trải nghiệm nên nhảy việc là cách để tìm đến công việc phù hợp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng sự chung thủy của nhân viên. Các em có nhiều cách để trải nghiệm nên đừng xem nhảy việc là một cách trong số đó", ông Vân nói.

Ở vai trò của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản ở TP.HCM - khuyên sinh viên đừng vội đồng ý làm công việc chưa đúng sở thích hoặc do người thân lôi kéo, ép uổng. Vì khi thấy một công việc đúng với đam mê, sở thích của mình, các em sẽ từ bỏ nó.

Đối với sinh viên đã nhảy việc quá nhiều lần, ông Bảo khuyên các em nên chân thật, không gian dối hoặc cố tình che giấu quá khứ khi ứng tuyển công việc mới.

Ông Bảo nhận định những sinh viên nhảy việc trong thời gian ngắn có thể bị nhà tuyển dụng không tin tưởng. Vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhảy việc.

 Nhiều sinh viên tham gia tọa đàm để tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp tương lai. Ảnh: Minh Uyên.

Nhiều sinh viên tham gia tọa đàm để tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp tương lai. Ảnh: Minh Uyên.

Lo sợ mất việc vì AI

Cũng nói về lao động gen Z, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết một vấn đề khác mà sinh viên đang rất lo lắng là các công việc, ngành nghề sẽ bị AI thay thế.

Không chỉ sinh viên, theo ông Bảo, nhiều phụ huynh, học sinh cũng thắc mắc ngành nghề nào sẽ biến mất khi AI phát triển và ngành nghề nào sẽ lên ngôi trong xu thế bùng nổ công nghệ. Ông Bảo cho rằng không có ngành nào bị AI thay thế hoàn toàn nhưng cũng không ngành nào không thể bị AI thay thế.

Tuy nhiên, ông thông tin sắp tới đây, các ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội sẽ có 2 xu hướng chính. Xu hướng thứ nhất là những ngành nghề hoàn toàn mới sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và xã hội trong kỷ nguyên công nghệ số, bùng nổ công nghệ.

Xu hướng thứ 2 là những ngành đào tạo truyền thống phải tự đổi mới để có thể thích nghi với sự đào thải của nền kinh tế.

 Sinh viên đặt câu hỏi cho các chuyên gia về cơ hội việc làm. Ảnh: Minh Uyên.

Sinh viên đặt câu hỏi cho các chuyên gia về cơ hội việc làm. Ảnh: Minh Uyên.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông minh Tương tác, ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết việc ra đời các ngành mới để thay thế ngành cũ đã xuất hiện từ rất lâu, thậm chí là ở ngay cuộc cách mạng công nghệ 1.0.

Để không phải đối diện với lo lắng mất việc vì AI và công nghệ, theo ông Thịnh, sinh viên phải linh hoạt và biết thích ứng. Ông Thịnh cũng khẳng định sẽ không có ngành nghề nào biến mất vì AI. Sinh viên có thể linh hoạt từ vị trí này sang vị trí khác trong công việc nếu đã chuẩn bị sẵn sàng các kỹ năng cần thiết.

Chia sẻ ý quan điểm của mình, ông Bùi Quang Vinh nhận định sinh viên phải trang bị đầy đủ các kỹ năng chuyên môn để hoàn thành công việc muốn theo đuổi. Những người có đủ kỹ năng này không phải lo lắng bị mất cơ hội. Ông Vinh cũng khuyên sinh viên nên xem AI là công cụ trong công việc, không nên biến mình thành nô lệ của nó.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khuyên sinh viên tự tin và xác định bản thân phải học tập như thế nào, thay vì đi tìm đáp án cho câu hỏi nên học ngành gì trong thời điểm bùng nổ công nghệ hiện tại.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-sinh-vien-gen-z-khien-nha-tuyen-dung-dau-dau-post1424653.html