Những sợi lông cừu ở cao nguyên không cừu

Nhà máy kéo sợi len lông cừu đầu tiên của Việt Nam tại Lâm Đồng đã chính thức hoạt động và xuất những lô hàng đầu tiên ra nước ngoài cùng tiêu thụ ở thị trường nội địa. Những sợi lông cừu tự nhiên trên cao nguyên không có cừu, đã đem lại những vận hội mới cho nền kinh tế địa phương, sợi lông cừu 'made in Dalat' đánh dấu một sản phẩm mới của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp sản xuất sợi thế giới.

Nhà máy 50 triệu USD

Tháng 6/2018, một nhà máy với tổng số vốn đầu tư 50 triệu USD đã được chính thức khởi công xây dựng tại Cụm Công nghiệp Phát Chi, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt. Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt được xây dựng trên tổng diện tích hơn 32.000 m2.

Sau khi hoàn thành, nhà máy dự kiến có công suất khoảng 4.000 tấn sợi/năm, trong đó 50% sẽ được xuất khẩu. Sợi len lông cừu là một trong những loại có giá trị cao nhất trong các loại sợi để dệt vải, được làm từ lông cừu tự nhiên. Theo tính toán, 90% sợi len lông cừu thành phẩm từ Đà Lạt sẽ được xuất khẩu bán cho các công ty dệt may lớn trên thế giới. Phần còn lại phục vụ cho ngành may mặc tại Việt Nam. Đặc biệt là những công ty sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp đang tham gia vào thị trường xuất khẩu. Ngoài chức năng sản xuất, nhà máy sẽ mở cửa để du khách tham quan toàn bộ các công đoạn sản xuất sợi từ lông cừu tự nhiên. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả tỉnh.

Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Sudwolle (CHLB Đức) và Công ty CP Dệt may Liên Phương (TP Hồ Chí Minh - Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng), công suất thiết kế dự kiến của nhà máy đạt khoảng 4.000 tấn sợi/năm.

Tháng 10/2019, sau hơn một năm xây dựng và đi vào hoạt động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sợi Đà Lạt đã xuất khẩu lô hàng thương mại đầu tiên với 4 tấn sợi lông cừu sang Nhật Bản.

Sản xuất tại Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt.

Sản xuất tại Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt.

Bước tiến công nghiệp cho Đà Lạt

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc hành chính, nhân sự Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt cho biết: Đây là dự án đầu tư đầu tiên của công ty tại Việt Nam và Đà Lạt, Lâm Đồng là địa điểm lý tưởng để chúng tôi xây dựng nhà máy. Sau 1 năm xây dựng và đi vào hoạt động, đến thời điểm này có thể nói là thành công ngoài mong đợi khi các lô hàng lần lượt xuất đi các nước và thị trường nội địa đón nhận. Hiện tại, nhà máy đang sử dụng lông cừu nguyên liệu nhập khẩu 100%, hoạt động sản xuất sợi lông cừu trên 1 dây chuyền, với 20 máy kéo sợi hoạt động. 90% sợi len lông cừu thành phẩm từ Đà Lạt sẽ được xuất khẩu bán cho các công ty dệt may lớn trên thế giới, mà chủ yếu là thị trường châu Âu. Phần còn lại sẽ phục vụ cho ngành may mặc tại Việt Nam. Dự kiến đến cuối năm 2019, Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt sẽ xuất khẩu khoảng hơn 300 tấn sợi ra thị trường.

Từ khi chính thức đi vào sản xuất sợi len lông cừu tháng 7/2019 đến nay, nhà máy đem lại việc làm cho gần 150 công nhân. Những sợi lông trắng muốt, 100% thiên nhiên đang được tỉ mỉ sản xuất từ các công đoạn chế biến đến thành phẩm trên dây chuyền máy móc trang thiết bị hiện đại. Trong thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 2 dây chuyền với công suất đạt 3.300 tấn sợi/năm. Tổng doanh thu hàng năm khoảng 60 triệu USD.

Theo ông Alessandro Di Palma - Tổng Giám đốc Công ty Sợi Đà Lạt: Dự án hoàn thành sớm tiến độ và nhanh chóng đi vào sản xuất chính là nhờ sự hỗ trợ rất cao của chính quyền địa phương, với một doanh nghiệp lần đầu tiên đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi thấy đây là một môi trường đầu tư tuyệt vời. Nỗi lo lắng lớn nhất của chúng tôi khi mới triển khai dự án còn là vấn đề nhân công, bởi họ là những người quyết định chất lượng sản phẩm làm ra, tuy nhiên từ thực tế, chúng tôi rất hài lòng vì nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề cao nơi đây. Từ những kết quả khả quan ban đầu, chúng tôi sẽ mở rộng thành 3 dây chuyền trong năm tới. Và đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy thứ 2 ở Đà Lạt cùng một nhà máy nhuộm sợi tại đây.

Nhận xét về dự án Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Không chỉ là nhà máy sản xuất lông cừu đầu tiên tại Việt Nam, nhà máy ra đời và hoạt động hiệu quả cũng chính là vận hội lớn cho ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng. Thu hút đầu tư vốn là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương, thành công của dự án chính là minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất để các nhà đầu tư khác mạnh dạn triển khai dự án tại Lâm Đồng.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bao-xuan-2020/202001/nhung-soi-long-cuu-o-cao-nguyen-khong-cuu-2984339/