Những sứ giả thầm lặng của văn hóa Jarai
Với mong muốn bảo tồn văn hóa để phát triển bền vững, trong những năm qua, tại tỉnh Gia Lai, cộng đồng Jarai đang âm thầm, bền bỉ giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cùng với đó, chính quyền địa phương đều góp sức, bằng những việc làm thiết thực, để văn hóa Jarai nói riêng, văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh nói chung, ngày càng phát triển và lan tỏa sâu rộng.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih chơi đàn Tơ rưng do chính tay mình chế tác.
Trở về sau chuyến lưu diễn tại Australia, nghệ nhân Rơ Châm Tih (làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) lại cặm cụi hàng giờ liền bên những ống tre, ống nứa để chế tác nhạc cụ. Qua đôi bàn tay khéo léo của nhệ nhân, những vật liệu tưởng chừng vô tri ấy lại trở thành những nhạc cụ như đàn Krông Put, T’rưng, Kơni, Ting Ning... Suốt hơn 30 năm gắn bó với chiêng và nhạc cụ dân tộc, ông Rơ Châm Tih không chỉ là nghệ nhân mà còn là “sứ giả văn hóa”, mang âm thanh đại ngàn đến nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Phần Lan, Lào, Campuchia...
Càng đi nhiều, ông càng thấy nhạc cụ Jarai của dân tộc mình đặc sắc và khác biệt: “Nhạc cụ của mình hoàn toàn khác biệt, người ta không có. Từ tre nứa, tự mình suy nghĩ, sáng tạo, tự tai nghe (tự thẩm âm) theo ông bà dạy, tự tay mình làm, thủ công thôi, không dùng máy cho đến cách chơi và trình diễn cũng khác biệt, dân ca mình thế nào thì mình trình diễn dân ca mình như thế”.

Cộng đồng Jarai biểu diễn cồng chiêng trong ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số Gia Lai năm 2025.
Kế truyền từ người cao tuổi, lớp trẻ người Jrai hôm nay đang ấp ủ tình yêu với văn hóa dân tộc. Siu Ting Ning – 15 tuổi, ở làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, em được cha mẹ đặt tên theo một loại nhạc cụ truyền thống là đàn Ting Ning. Từ nhỏ đã theo cha tham gia các sinh hoạt văn hóa, biểu diễn cồng chiêng tại Nhà rông trong những lễ quan trọng của làng, Ting Ning thấm đẫm tình yêu âm nhạc truyền thống. Em cùng bạn bè mạnh dạn thành lập đội chiêng trẻ, biểu diễn phục vụ du khách tại các nhà hàng ở Thành phố Pleiku và các lễ hội, chương trình giao lưu văn hóa ngoài tỉnh.
Ở đâu, Ting Ning cũng tranh thủ giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình – từ tiếng chiêng đến câu chuyện về từng nhạc cụ: “Đội cồng chiêng của em sinh năm từ 2008 đến 2011. Con gái có 7 người, con trai có 5 người. Đội đi biểu diễn gần nhất là ở Quảng trường Đại đoàn kết (Pleiku), ở huyện; xa nhất Quảng Ngãi, Quảng Trị. Mình giới thiệu nhạc truyền thống của mình và chỉ họ cách đánh. Em thấy hạnh phúc và tự hào về truyền thống của dân tộc mình. Em mong truyền thống này còn được lưu truyền tới tương lai”.

Nhạc cụ truyền thống Jarai rất đặc sắc.
Bảo tồn phát huy văn hóa bản địa cũng là nhiệm vụ trọng tâm của nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai, trong đó huyện biên giới Ia Grai là một điểm sáng. Bà Lê Thị Phương Loan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Ia Grai cho biết, địa phường có nghị quyết chuyên đề và phân bổ ngân sách về tận các xã để khôi phục nghi lễ truyền thống, xây dựng các mô hình nhà rông, bến nước, tổ chức các lễ hội cấp huyện hằng năm.
Nhờ vậy, nhiều nghi thức cộng đồng đã được khôi phục, Ia Grai cũng là một điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc ở vùng biên tỉnh Gia Lai: “Riêng huyện Ia Grai, từ năm 2000 đã có nghị quyết về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn liền với phát triển du lịch. Đúng là như ông bà ta đã nói là có thực với vực được đạo, huyện đã cấp kinh phí cho các xã, thậm chí đến các làng để tổ chức các lễ hội, và tổ chức các lễ hội cấp huyện, như là lễ hội đua thuyền độc mộc, liên hoan văn hóa cồng chiêng là cái sự lan tỏa văn hóa nhiều du khách biết đến. Còn người dân, họ thấy được là mình được quan tâm thì họ nỗ lực hơn".

Tại các làng Jarai, người dân vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ cồng chiêng.
Để bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên phạm vi toàn tỉnh, UBND Gia Lai đang triển triển khai các giải pháp đồng bộ như đưa chiêng vào trường học, số hóa tư liệu văn hóa, hỗ trợ nghệ nhân, phục dựng nghi lễ truyền thống... Hàng năm, tỉnh tổ chức các chuỗi sự kiện quy mô lớn như Tuần lễ văn hóa – du lịch, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số, Liên hoan cồng chiêng toàn tỉnh... Tất cả đều đặt văn hóa bản địa – nghi lễ truyền thống làm trung tâm, để phục dựng, tôn vinh.

Tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, giúp tạo không gian biểu diễn, diễn tấu cồng chiêng và văn hóa bản địa.
Ông Nguyễn Quang Tuệ- Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Tỉnh Gia Lai hướng việc tất cả các cộng đồng dân tộc ở trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có thể khoe ra bản sắc của mình cái giá trị mà họ đang gìn giữ bấy lâu nay với tất cả những du khách và những người quan tâm đến văn hóa của đồng bào; thúc đẩy đồng bào thêm tự hào, để họ trở về với cơ sở, với làng mình thì họ tiếp tục gìn giữ được văn hóa mà cha ông họ đã truyền lại”.
Mùa xuân, mùa lễ hội ăn năm uống tháng từ ngàn đời của dân tộc Jarai cùng các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, bây giờ vẫn tiếp nhịp cồng chiêng và tiếng đàn Ting Ning, Krông Put réo rắt. Âm thanh ngàn xưa cũng là tiếng lòng của cộng đồng đang bền bỉ gìn giữ bản sắc. Và ở đó, luôn khắc ghi hình ảnh của những “sứ giả thầm lặng”, ngày ngày thắp lên ngọn lửa văn hóa, kết nối truyền thống với hiện tại và tương lai.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nhung-su-gia-tham-lang-cua-van-hoa-jarai-post1192356.vov