Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 22/7-27/7
Ủy ban Thương mại Mỹ đang tăng cường giám sát lĩnh vực dầu khí, tập trung vào các công ty lớn; các thành viên đệ trình kế hoạch cắt giảm sản lượng bổ sung lên Ban thư ký OPEC... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.
Cùng PetroTimes điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua:
1. Nga, Iraq và Kazakhstan đã đệ trình kế hoạch cắt giảm bổ sung sản lượng lên Ban thư ký OPEC đối với khối lượng dầu thô bị khai thác quá mức trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo OPEC, toàn bộ khối lượng khai thác thừa sẽ được xử lý hoàn toàn trong 15 tháng tới cho đến tháng 9 năm 2025, với Nga "trả lại" tổng cộng 480 nghìn thùng/ngày, Iraq 1,184 nghìn thùng/ngày và Kazakhstan 620 nghìn thùng/ngày.
2. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết, không có bất hòa nào giữa Nga và OPEC+ về việc Moscow không đảm bảo mức tuân thủ cắt giảm sản lượng của nhóm.
Tình trạng khai thác quá mức của một số thành viên OPEC+ như Iraq, Kazakhstan và Nga đã là một vấn đề đối với liên minh, vốn có kế hoạch bắt đầu nới lỏng một phần cắt giảm tự nguyện trong Quý IV năm nay, nếu điều kiện thị trường cho phép.
3. Reuters mới đây đưa tin rằng các nhà máy lọc dầu của Mỹ dự kiến sẽ báo cáo thu nhập Quý II năm 2024 sụt giảm đáng kể so với một năm trước, phần lớn là do mùa lái xe mùa hè ảm đạm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu.
Thị trường dự đoán công suất xử lý sẽ tăng trong Quý II sau khi nhu cầu nhiên liệu tăng; tuy nhiên, điều đó cũng được đối trọng bởi các nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động ở Trung Đông, trong khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn và dự trữ dầu diesel tăng đều đặn.
4. Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dòng khí đốt, mặc dù đã cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống của hầu hết khách hàng châu Âu, Nga vẫn gửi khối lượng khí đốt gần như tương tự tới châu Âu qua đường ống như tới thị trường năng lượng mới quan trọng là Trung Quốc.
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga vẫn xuất khẩu khí đốt tự nhiên bằng đường ống sang châu Âu, quá cảnh qua Ukraine và qua đường ống TurkStream. Khách hàng là một số quốc gia ở Trung Âu.
5. Cựu thành viên OPEC Indonesia đang tìm mua dầu thô của Nga lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, theo các nguồn tin giấu tên tiết lộ với Reuters.
Pertamina của Indonesia đã không mua bất kỳ loại dầu thô nào từ Nga kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2 năm 2022 nhưng hiện đã bổ sung dầu thô loại Sokol và Urals vào danh sách đấu thầu mua vào tháng 9 năm 2024.
6. Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế do Reuters thực hiện đã dự đoán rằng các nền kinh tế của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn đáng kể trong năm nay, do việc cắt giảm sản lượng dầu đang diễn ra, trong đó nền kinh tế của Ả Rập Xê-út là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nền kinh tế Ả Rập Xê-út được nhận định sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 1,9% trong một cuộc khảo sát tháng 4 và 3,0% dự đoán vào tháng 1.
7. Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) đang tăng cường giám sát lĩnh vực dầu khí, tập trung vào thông tin liên lạc giữa các giám đốc điều hành tại các công ty lớn như Hess Corp., Occidental Petroleum Corp. và Diamondback Energy Inc.
Cuộc điều tra của FTC nhằm xác định xem liệu những giám đốc điều hành này đã phối hợp không đúng cách với các quan chức OPEC, có khả năng vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ.