Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 27/11 - 2/12
OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức gần 2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024; Doanh thu của các tập đoàn xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất của Nga đã giảm 41% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
1. Hội nghị COP28 chính thức khai mạc vào 13h00 ngày 30/11 (giờ địa phương) tại Dubai với lời kêu gọi đẩy nhanh hành động vì khí hậu toàn cầu. Khi cuộc khủng hoảng môi trường trở nên tồi tệ hơn ở mọi nơi - đây chính là thời điểm quyết định để "giải cứu thế giới".
Theo lịch trình của nước chủ nhà UAE, các sự kiện quan trọng sẽ lần lượt diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12, tuy nhiên cũng có thể kéo dài hơn kế hoạch, như đã từng xảy ra trong các kỳ hội nghị trước đây, nếu các cuộc đàm phán còn chưa ngã ngũ.
2. Theo Reuters, các nước khai thác hơn 40% sản lượng dầu của thế giới như Ả Rập Xê-út, Nga và các thành viên khác của OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức gần 2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024.
OPEC+ cũng cho biết, việc cắt giảm sẽ được dỡ bỏ dần sau quý đầu tiên của năm sau nếu điều kiện thị trường cho phép.
Cuộc họp chính sách của OPEC+ diễn ra chậm hơn 4 ngày so với dự định bởi những bất đồng về hạn ngạch sản lượng dành cho các thành viên châu Phi.
3. Ngân hàng trung ương Nga mới đây cho biết tổng doanh thu của các tập đoàn xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất của Nga đã giảm 41% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, do giá hàng hóa và xuất khẩu thấp hơn.
Trong báo cáo đánh giá sự ổn định tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sản lượng và xuất khẩu dầu khí đã giảm trong năm nay. Việc tái định hướng xuất khẩu dầu khí đòi hỏi phải đầu tư đáng kể và những thay đổi về bản chất của các giao dịch đang làm tăng thời gian nhận được thanh toán.
4. Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với thêm 20 thực thể, bao gồm cả Sepehr Energy của Iran và các cá nhân, công ty trên toàn cầu, liên quan đến việc tạo điều kiện tài chính hỗ trợ quân đội Iran.
Sepehr là mục tiêu trong gói trừng phạt mới nhất vì bị cáo buộc đóng vai trò là công ty bình phong cho việc bán dầu của chính phủ Iran, mà Bộ Tài chính Mỹ cho biết đang tài trợ cho "các hoạt động gây bất ổn trong khu vực" của Iran.
5. Bất chấp các cơn bão ở Biển Đen làm gián đoạn hoạt động nạp dầu, các chuyến hàng dầu thô hàng tuần ra khỏi Nga đã phục hồi trong tuần tính đến ngày 26/11, tăng khoảng 370.000 thùng mỗi ngày so với tuần trước, ngay trước cuộc họp quan trọng của OPEC+, dữ liệu theo dõi của Bloomberg cho thấy.
Tuy nhiên, lượng dầu thô xuất khẩu trung bình trong 4 tuần từ Nga đã giảm tuần thứ ba liên tiếp. Trong tuần tính đến ngày 26/11, xuất khẩu dầu thô trung bình trong 4 tuần từ các cảng của Nga là 3,16 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 100.000 thùng/ngày so với lượng xuất khẩu trung bình trong 4 tuần tính đến ngày 19/11.
6. Trung Quốc đang tăng cường sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ than và khí đốt tự nhiên do nhu cầu điện của nước này tăng vọt trong nửa cuối năm và dường như sẽ đạt mức nhu cầu cao kỷ lục vào mùa đông.
Chính quyền Trung Quốc muốn tránh lặp lại tình trạng thiếu hụt và tăng giá năm ngoái, đồng thời đã chỉ đạo các công ty điện lực và nhà sản xuất tối đa hóa nhập khẩu và sản lượng trước mùa đông.