Những tác động kinh tế khi tỷ giá tăng cao
Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới biên độ tỷ giá, giá USD liên tục tăng trong những ngày vừa qua và tiếp tục trở thành mối quan tâm lớn của giới kinh doanh. Trước tình hình này, một số chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra các đánh giá về bối cảnh chung của thị trường tiền tệ cũng như một vài lời khuyên cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp để có những hành động hợp lý.
Tỷ giá “leo dốc” sau khi nới biên độ
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%, có hiệu lực từ ngày 17/10/2022. Như vậy, sau khi giữ biên độ ±3% trong thời gian khá lâu (từ năm 2015), NHNN đã có một quyết định khá táo bạo khi tăng mạnh biên độ như vừa qua. Đồng thời ngay sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá, Sở giao dịch NHNN cũng tăng mạnh tỷ giá USD tham khảo từ 23.925 đồng/USD lên 24.380 đồng/USD (tương ứng tăng 455 đồng mỗi USD).
Về lý do điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá, NHNN cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Từ sau thời điểm NHNN nới biên độ tỷ giá, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD đã liên tục đà “leo dốc”. Cụ thể, tỷ giá USD tham khảo đã tăng từ 23.541 đồng/USD hôm 14/10 lên 23.688 đồng/USD vào ngày 21/10, mức tăng 141 đồng mỗi USD sau 1 tuần.
Tại Vietcombank, tỷ giá cũng đã tăng 440 đồng trong 1 tuần qua, từ mức 23.920; 23.950; 24.230 đồng/USD (mua tiền mặt; mua chuyển khoản; bán ra) lên mức 24.360; 24.390; 24.670 đồng/USD vào ngày 21/10.
Sau khi đưa ra quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tê, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.
Cân đo với các yếu tố kinh tế
Thực tế, tỷ giá đã có giai đoạn tăng từ trước đó, cụ thể trong giai đoạn từ đầu năm đến 20/9, tỷ giá VND so với USD cũng đã mất giá khoảng 4%. Từ ngày 21/9, FED đã công bố tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, ghi nhận 5 lần tăng lãi suất liên tiếp trong năm nay, trong đó có 3 lần liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm. Sau đó, NHNN cũng công bố tăng lãi suất điều hành, cụ thể: lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Sau thời điểm đó, tỷ giá của đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ tiếp tục leo dốc, cụ thể là từ 23/9 đến 21/10, tỷ giá USD tham khảo đã tăng từ 23.324 đồng/USD lên 23.688 đồng/USD (tăng 364 đồng/USD, tương ứng tăng khoảng 1,6%). Tỷ giá USD tại Vietcombank đã tăng từ 23.535; 23.565; 23.845 đồng/USD lên 24.360; 24.390; 24.670 đồng/USD (tăng 825 đồng/USD, tương ứng tăng 3,5%).
Theo NHNN, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng… Trước bối cảnh hiện tại, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD đã tăng tới 7% so với cuối năm 2021 (tức đồng VND đã mất giá 7%). Tuy nhiên, động thái này cũng nằm trong diễn biến chung của các đồng tiền trên thế giới so với USD và thực tế đồng VND đang mất giá ít hơn. Cụ thể, Yên Nhật đã mất giá 30%; EUR mất 30%; Bảng Anh mất 35%, Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá hơn 8%...
Tỷ giá hối đoái tăng thường có lợi hơn cho xuất khẩu
TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tỷ giá hối đoái tăng thường có lợi cho nhà xuất khẩu, ngược lại bất lợi cho nhập khẩu do hàng hóa từ bên ngoài sẽ trở nên đắt hơn. Đây là điều thường xuyên xảy ra trên thương trường.
Tuy nhiên, yếu tố tỷ giá hối đoái tác động cung cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam không lớn lắm vì chúng ta thấy có sự trung hòa giá trị gia tăng thấp của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỷ giá trong những tháng tới đây nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, hoặc tham gia vào thị trường phái sinh nào đó để bảo vệ đồng tiền.
Các chuyên gia cho rằng, việc chấp nhận đồng nội tệ mất giá ở mức độ nào đó là phù hợp với bối cảnh chung, nhưng mức độ mất giá cụ thể là bao nhiêu sẽ là yếu tố phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng. Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc điều chỉnh cần có sự tính toán trên sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ… “Việc điều tiết phải làm sao phù hợp để góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh nhưng không tăng quá nhiều áp lực lên lãi suất, thanh toán, nhập khẩu…” - ông Thành nói.
Liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá có thể là động thái kích thích hoạt động xuất khẩu, bởi khi đồng tiền Việt Nam giảm giá ở mức hợp lý thì hàng hóa của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Theo đó, khi đưa ra một góc nhìn khái quát về vấn đề này, ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam cho biết, động thái điều chỉnh tỷ giá lần này là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô của Việt Nam. Cũng theo ông Francois Painchaud, các biện pháp can thiệp ngoại hối có thể giúp đối phó với tình hình phức tạp của thị trường hiện nay và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thận trọng.