Những tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ có gì?

Một kho tài liệu cực kỳ nhạy cảm của tình báo Mỹ đã bị rò rỉ trực tuyến, bao gồm các đánh giá bí mật về cuộc xung đột Ukraine cũng như việc Mỹ đang tiến hành theo dõi bí mật các đồng minh.

Lầu Năm Góc cho biết vi phạm gây ra "nguy cơ rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia" và Bộ Tư pháp đã mở một cuộc điều tra hình sự về vấn đề này.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã không xác nhận công khai rằng các tài liệu hiển thị trong các bức ảnh được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội và các trang web khác là có thật và tính xác thực của chúng hiện vẫn chưa được xác minh.

 Các binh sĩ Ukraine. Ảnh: AFP

Các binh sĩ Ukraine. Ảnh: AFP

Dưới đây là 1 số thông tin hữu ích thêm về các tài liệu này:

Số người thiệt mạng trong cuộc xung đột Ukraine

Một tài liệu chủ yếu đánh giá về tình trạng của cuộc xung đột đã đưa ra con số tử vong trong chiến đấu của Nga là từ 35.500 đến 43.500 và của Ukraine là 16.000 đến 17.500. Nga cũng mất hơn 150 máy bay và trực thăng, trong khi Ukraine mất hơn 90 máy bay.

Một phiên bản khác của tài liệu, dường như đã được chỉnh sửa, cho biết thiệt hại về binh lính và thiết bị của Ukraine cao hơn của Nga. Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng các tài liệu "có khả năng lan truyền thông tin sai lệch".

Thiếu tên lửa phòng không

Có hai tài liệu ngày 28/2 đã nhấn mạnh các vấn đề quan trọng với hệ thống phòng không của Ukraine, vốn là công cụ bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của Nga và ngăn chặn lực lượng của Moscow giành quyền kiểm soát bầu trời.

Hai tài liệu cho biết khả năng sử dụng hệ thống phòng không tầm trung để bảo vệ tiền tuyến "sẽ bị giảm hoàn toàn vào ngày 23/5". Một trong số đó lưu ý rằng các hệ thống SA-10 và SA-11 thời Liên Xô chiếm gần 90% khả năng bảo vệ tầm trung và tầm cao của Ukraine, và dự đoán kho đạn dược cũng sẽ cạn kiệt vào đầu tháng 5.

Tài liệu liệt kê các phản ứng có thể xảy ra bao gồm tiếp tế đạn dược từ các đồng minh và đối tác trong thời gian tới, đồng thời thu hút sự đóng góp của các hệ thống phòng không phương Tây trong thời gian trung hạn.

Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng UAV

Một tài liệu không ghi ngày tháng cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào ngày 28/2 đã bày tỏ lo ngại với vị tướng hàng đầu của nước này và một quan chức khác về việc Kiev thiếu tên lửa có tầm bắn để tấn công lực lượng của Moscow bên trong lãnh thổ Nga và đề xuất sử dụng máy bay không người lái (UAV) để làm việc đó.

Báo cáo này có thể giúp giải thích sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa do lo ngại rằng vũ khí của mình có thể bị sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Kiev dường như đã thực hiện các cuộc tấn công như vậy bằng các phương tiện khác.

Các cuộc biểu tình ở Israel

Một tài liệu không ghi ngày tháng khác cho biết các nhà lãnh đạo từ tổ chức tình báo Mossad của Israel đã thúc đẩy cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp ở nước này. Tài liệu cho biết thông tin này được thu lại từ các tín hiệu điện tử, cho thấy Mỹ đang theo dõi quốc gia mà họ có quan hệ chặt chẽ này.

Theo dõi Hàn Quốc

Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc "cũng bày tỏ sự lo ngại" về khả năng Mỹ sẽ cung cấp vũ khí mua từ Seoul cho Ukraine, theo một tài liệu mật vào ngày 1/3 nói về một cuộc trao đổi giữa hai quan chức Hàn Quốc.

Điều đó sẽ vi phạm chính sách của Hàn Quốc về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Giống như các tài liệu trước, tài liệu này chỉ ra sự giám sát của Mỹ đối với một đồng minh.

Tiết lộ đã làm dấy lên chỉ trích ở Hàn Quốc về lỗ hổng an ninh, nhưng văn phòng của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bác bỏ các thông tin và gọi báo cáo này là "dối trá". Phe đối lập ở Hàn Quốc hôm thứ Tư kêu gọi chính phủ điều tra hoạt động gián điệp.

Giám sát Biển Đen

Một tài liệu ngày 27/2 nêu chi tiết các chuyến bay giám sát trên Biển Đen của Mỹ, Anh, Pháp và NATO từ cuối tháng 9 năm ngoái đến cuối tháng 2 năm nay, sử dụng cả máy bay có người lái và máy bay không người lái, bao gồm cả MQ-9 Reaper.

Khoảng hai tuần sau ngày công bố tài liệu, Mỹ cho biết một máy bay phản lực Su-27 của Nga đã tấn công một chiếc MQ-9 của họ, khiến chiếc máy bay không người lái này rơi xuống Biển Đen. Nga phủ nhận cáo buộc trên.

Serbia đồng ý vũ trang cho Ukraine

Cũng theo tài liệu mật bị rò rỉ, Serbia đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc đã gửi chúng, bất chấp việc nước này tuyên bố trung lập trong cuộc chiến Ukraine và từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic đã bác bỏ và khẳng định rằng tài liệu này là "không đúng sự thật" trong một tuyên bố hôm thứ Tư. "Serbia đã không và sẽ không bán vũ khí cho Ukraine, phía Nga hay các nước xung quanh cuộc xung đột đó", ông nói thêm.

Quốc Thiên (theo AFP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-tai-lieu-mat-bi-ro-ri-cua-my-co-gi-post243437.html