Những tấm gương bình dị giữa đời thường làm theo lời Bác Hồ

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: 'Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp'. Thấm nhuần lời dạy ấy, các thế hệ người Việt Nam ra sức thi đua, học tập học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, một Triển lãm đặc biệt mang tên “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ nay đến hết tháng 8.

Với hơn 200 tài liệu và hiện vật, Triển lãm giới thiệu đến công chúng 135 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến là 71 tập thể và 64 cá nhân có thành tích xuất sắc được lựa chọn từ hơn 600 tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương giới thiệu, tôn vinh.

Tại đây, mỗi tài liệu và hiện vật là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và sự phồn vinh của đất nước...

 Thượng úy Nguyễn Viết Quân làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội)

Thượng úy Nguyễn Viết Quân làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội)

Người lính cứu hỏa tận tụy, dũng cảm

Thượng úy Nguyễn Viết Quân, cán bộ Phòng Tham mưu, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội là một tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ tận tụy, dũng cảm.

Nhập ngũ năm 2011, từ những ngày đầu anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến. Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ không chỉ yêu cầu kỹ năng chuyên môn mà còn đòi hỏi sự hy sinh và kiên trì.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân đã không ít lần phải làm việc xuyên đêm, đối mặt với khói độc, nhiệt độ cao, và những tình huống nguy hiểm khác. Dù vậy, anh luôn giữ vững tinh thần thép, sẵn sàng hy sinh bản thân vì sự an toàn của nhân dân.

Trong hàng trăm vụ chữa cháy từng tham gia, tiêu biểu có vụ cháy tại Quỳnh Lôi (2/2024). Anh đã dũng cảm cùng đồng đội phá lồng sắt, cứu sống 4 người trong đêm nguy hiểm, góp phần bảo vệ an toàn khu dân cư. Với thành tích đó, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Không chỉ dũng cảm trên tuyến đầu phòng cháy, chữa cháy, Quân còn là tấm gương trong huấn luyện, tuyên truyền, góp phần nâng cao kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho cộng đồng.

Anh nhiều lần được khen thưởng và là Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc, hình mẫu tiêu biểu của người lính cứu hỏa "vì nhân dân quên mình".

Thắp hy vọng sống từ trái tim người bệnh

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (bên trái) đang thực hiện kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam)

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (bên trái) đang thực hiện kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam)

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam là thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc, người đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành tại tỉnh.

Trải qua 15 năm ở khoa Cấp cứu và nhiều năm gắn bó với chuyên ngành tim mạch, anh luôn nêu cao tinh thần “lương y như từ mẫu”, tận tụy cứu sống hàng ngàn bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Với hơn 2.000 ca chụp, 600 ca can thiệp động mạch vành thành công, cùng 10 đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều kỹ thuật tiên tiến được triển khai, bác sĩ Tuấn không chỉ góp phần nâng tầm trình độ chuyên môn cho bệnh viện mà còn là tấm gương sáng về y đức và khát vọng cống hiến.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn, cùng hàng chục danh hiệu cao quý khác. Bằng tài năng, đạo đức và tâm huyết, ông đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành y tế tỉnh nhà.

Ngoại Sáu với gánh bánh mì yêu thương

Bà Nguyễn Thị Ngang (còn gọi ngoại Sáu) bền bỉ gánh bánh mì giá rẻ mỗi ngày. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương)

Bà Nguyễn Thị Ngang (còn gọi ngoại Sáu) bền bỉ gánh bánh mì giá rẻ mỗi ngày. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương)

Suốt hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Ngang (ngoại Sáu), sinh năm 1936, ngụ khu phố 3, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, vẫn lặng lẽ bán bánh mì với một tấm lòng nhân hậu.

Nhiều người trìu mến gọi bà Ngang là “bà tiên” giữa đời thường, bởi ở tuổi xưa nay hiếm, cụ bà vẫn minh mẫn, ngày ngày đem những ổ bánh mì giá "không thể nào rẻ hơn” đến với những người khó khăn.

Từ gánh bánh mì nhỏ, bà đã lan tỏa yêu thương bằng hành động giản dị mà đầy ý nghĩa. Ổ bánh mì 5.000 đồng - giá không đổi suốt nhiều thập kỷ, là cách bà chia sẻ yêu thương với học sinh, công nhân, người lao động nghèo, giúp họ có bữa sáng ấm lòng trước khi bước vào một ngày làm việc, học tập.

Tấm gương giản dị mà cao đẹp ấy được người dân quý mến, cảm phục. Trong lễ tổng kết Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, bà được phường Tân An tuyên dương danh hiệu “Người công dân gương mẫu”.

Hành động bình dị của bà là bài học quý về lòng nhân ái, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống tốt đẹp, xây dựng Thủ Dầu Một văn minh, hiện đại và giàu tình người.

Cô học trò đam mê nghiên cứu khoa học

Em Nguyễn Minh Tú, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh.

 Em Nguyễn Minh Tú là học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hưng Yên. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên)

Em Nguyễn Minh Tú là học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hưng Yên. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên)

Đam mê nghiên cứu khoa học từ sớm, em luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi để có thể cho ra đời nhiều dự án có tính thực tiễn, ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, em luôn được thầy, cô giáo, gia đình, bạn bè khuyến khích, hỗ trợ cả vật chất lẫn kiến thức chuyên môn, điều đó đã giúp em hoàn thành những ý tưởng, có cách làm sáng tạo, phù hợp hơn với điều kiện thực tế, thành công trong việc nghiên cứu những sản phẩm. Minh Tú đã chế tạo nhiều sản phẩm ứng dụng cao.

Năm học 2023 - 2024, sản phẩm “Máy BMD bấm huyệt, massage, dẫn dược tự động” của em đã giành giải Nhì cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Thiết bị gồm ba bộ phận: thị giác máy tính để quét bàn chân, hệ thống bấm huyệt - massage - dẫn dược và giao diện cập nhật thông tin bệnh nhân cho bác sĩ theo dõi từ xa.

Năm 2023, nhóm của em giành Huy chương Vàng tại cuộc thi sáng tạo quốc tế INNOVERSES 2023 với sản phẩm “Head-Mouse” điều khiển máy tính bằng đầu. Các sản phẩm của Tú được đánh giá cao về tính sáng tạo, khả năng thương mại hóa và được doanh nghiệp trong nước quan tâm phát triển.

Những thành tích nổi bật của Minh Tú không chỉ là niềm tự hào của gia đình, nhà trường mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các bạn học sinh khác.

Với tinh thần say mê nghiên cứu em đang viết tiếp hành trình chinh phục tri thức, góp phần xây dựng thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo, hội nhập và phát triển.

Đảng viên trẻ đổi mới, sáng tạo trong sản xuất

Sinh ngày 3/4/1992 tại Yên Thành, Nghệ An, kỹ sư trẻ Tô Quang Thực Anh là nhân viên phòng Công nghệ thuộc Công ty CP Xi Măng Tân Thắng từ năm 2019 đến nay.

Kỹ sư Tô Quang Thực đang làm việc tại nhà máy. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An)

Kỹ sư Tô Quang Thực đang làm việc tại nhà máy. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An)

Trong quá trình công tác kỹ sư trẻ Thực đã có nhiều tìm tòi, đổi mới, cùng tập thể cán bộ công nhân viên tìm ra những sáng kiến, giải pháp làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty.

Là đảng viên trẻ, anh luôn phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, không ngừng học hỏi, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng.

Trong công việc ,anh Thực luôn không ngừng học hỏi cập nhật công nghệ mới, bám sát sản xuất, cùng tập thể cán bộ công nhân viên tìm ra những giải pháp mang lại lợi ích cho công ty. Anh đã nghiên cứu, đề xuất sử dụng phụ gia FNT6VN trong dầu sấy lò, giúp công ty tiết kiệm hơn 3,2 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, anh còn triển khai các giải pháp vận hành tiết kiệm điện năng, sử dụng than phẩm cấp thấp, kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào - đầu ra, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Từ năm 2023-2025, Tô Quang Thực liên tiếp được biểu dương là công nhân tiêu biểu, đảng viên xuất sắc cấp cơ sở và cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của công nhân viên chức, lao động.

Chiến sĩ công an 28 lần hiến máu cứu người

Đại úy Đinh Văn Giáp, cán bộ Công an thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là gương điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Tham gia từ những ngày đầu thành lập mô hình “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” của Công an huyện Krông Nô, cứ mỗi lần có yêu cầu của người bệnh, Đại úy Đinh Văn Giáp đã không quản ngại khó khăn, dù đó là ngày hay đêm, mưa hay nắng đều vượt chặng đường hàng chục km đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) hiến tiểu cầu, kịp thời cứu bệnh vượt qua cơn nguy kịch.

Đại úy Đinh Văn Giáp hiến tiểu cầu tại Trung tâm Huyết học-Truyền máu tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông)

Đại úy Đinh Văn Giáp hiến tiểu cầu tại Trung tâm Huyết học-Truyền máu tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông)

Từ tháng 4/2023 đến nay, anh đã 28 lần hiến máu cứu người, trong đó có 18 lần hiến tiểu cầu kịp thời hỗ trợ nhiều em nhỏ và sản phụ vượt qua nguy kịch.

Bất kể lúc nào, đang ở đâu, khi có các trường hợp nguy kịch và cần đến mình, anh Giáp đều có mặt cứu giúp. Điển hình, ngày 9/11/2024, nhận tin bé sơ sinh 11 ngày tuổi ở Đắk Lắk cần tiểu cầu nhóm B gấp, anh đã tức tốc vượt 60km đường đèo trong đêm để hiến máu. Khi đang hiến, nhận thêm tin có bé sơ sinh 10 ngày tuổi cũng cần tiểu cầu nhóm B, anh tiếp tục hiến lần thứ hai.

Ngày 29/12/2024, anh lại kịp thời đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiến tiểu cầu cứu bé 11 tuổi bị sốt xuất huyết nặng. Không quản ngại khó khăn, anh luôn sẵn sàng lên đường cứu người - một nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng.

Có thể thấy, những tấm gương điển hình như anh Giáp, ngoại Sáu, Thượng úy Nguyễn Viết Quân... tiếp tục khẳng định lời răn dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng – xây dựng những con người mới, cuộc sống mới".

"Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” là sự kiện quan trọng góp phần vào việc động viên, khích lệ kịp thời những tấm gương “người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay" - TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hà Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-tam-guong-binh-di-giua-doi-thuong-lam-theo-loi-bac-ho-314924.html