Những tấm gương Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở huyện Cầu Kè

Trong những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp trong huyện Cầu Kè đã tích cực phát động trong lực lượng hội viên tham gia các phong trào thi đua, nhất là phong trào CCB làm kinh tế giỏi, qua đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình hội viên làm kinh tế giỏi, cho thu nhập kinh tế cao, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Mô hình trồng dừa, chuối và nuôi ốc bươu đen của ông Nguyễn Văn Qưỡn, ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân.

Mô hình trồng dừa, chuối và nuôi ốc bươu đen của ông Nguyễn Văn Qưỡn, ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân.

Điển hình như hội viên Phạm Văn To, ở ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi với mô hình trồng chanh bông tím trên diện tích 0,5ha cho thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Ông To cho biết: năm 1974 ông tham gia cách mạng hoạt động du kích tại xã Tam Ngãi, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất ông lập gia đình sống tại địa phương, trong thời gian này cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn với 03 công đất ruộng được cha mẹ cho làm sinh kế.

Với tinh thần không cam chịu đói nghèo, ông tích cực lao động sản xuất kết hợp chăn nuôi để lo cuộc sống gia đình, từ đó cuộc sống ngày một khấm khá và dư giả, ông tích góp mua thêm 09 công đất làm tài sản cho gia đình. Trong tổng số 1,2ha diện tích đất của gia đình, 0,7ha đã được ông To chia cho các con, phần còn lại 0,5ha ông lên liếp trồng ổi, sau một thời gian trồng ổi cho thu hoạch kéo dài dẫn đến cây ổi già cỗi, không có năng suất.

Đến năm 2021, ông To quyết định chuyển sang trồng 900 gốc chanh bông tím, hiện nay chanh phát triển tốt, cho trái sai và đã cho thu hoạch mỗi tháng 01 lần, với sản lượng trên 02 tấn, được thương lái ở Cần Thơ thu mua tại vườn với giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, lợi nhuận 20 triệu đồng.

Ông Phạm Văn To chia sẻ: sau giải phóng gia đình cũng khó khăn, vợ chồng cố gắng làm ăn để vươn lên thoát nghèo, thấy mô hình trồng chanh ở địa phương có hiệu quả kinh tế, nên gia đình trồng chanh trên diện tích 05 công đất và đã cho thu hoạch, giá cả tương đối ổn định, từ đó đời sống gia đình cũng ổn định hơn.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Qưỡn, ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân là một trong những hội viên CCB có thu nhập ổn định từ mô hình trồng dừa, chuối kết hợp nuôi ốc bươu đen.

Ông Qưỡn cho biết: từ năm 1976 - 1979 ông tham gia hoạt động kháng chiến ở chiến trường Tây Nam, đến năm 1981 ông trở về sống tại địa phương và có gia đình. Khi mới lập gia đình 02 vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn do ít đất sản xuất, từ khó khăn, vất vả đó bản thân ông luôn dốc hết sức mình để phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Qua thời gian dài làm ăn dành dụm, vợ chồng ông đã tích lũy số tiền mua thêm 10 được công đất để canh tác. Ban đầu các diện tích đất của gia đình chủ yếu canh tác lúa, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, đến năm 2014 ông quyết định chuyển sang trồng dừa xen chuối xiêm, mỗi công cho thu hoạch khá ổn định, bình quân 01 tháng cho thu hoạch 01 lần được hơn 1.200 trái dừa khô, cùng với nguồn thu từ việc bán chuối đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Bên cạnh đó, ông Qưỡn đầu tư nuôi ốc bươu đen trong ao vườn của gia đình, trên tổng diện tích mặt nước thả nuôi khoảng 5.000m2, ốc là loài sinh vật để nuôi có thể tận dụng bèo trong tự nhiên và các loại rau, củ, quả dễ làm thức ăn cho ốc. Hiện tại, trung bình mỗi tháng xuất bán ra thị trường khoảng 100kg ốc, với giá bán trung bình 40.000 - 45.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/năm. Ngoài việc bán ốc thương phẩm, ông Qưỡn còn thực hiện ấp trứng ốc để có được nguồn giống nuôi cũng như cung cấp giống ốc cho các hộ dân nuôi xung quanh. Theo hạch toán, mỗi năm ông có tổng thu nhập trên dưới 150 triệu đồng.

Hiện toàn huyện Cầu Kè có 2.208 hội viên CCB, trong đó có 175 hội viên làm kinh tế giỏi, với mức thu nhập hàng năm từ 150 - 250 triệu đồng trở lên. Hội viên Phạm Văn To, ở ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngài và hội viên Nguyễn Văn Qưỡn, ở ấp Dình An, xã An Phú Tân là 02 trong số những hội viên CCB tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở huyện Cầu Kè.

Ông Lê Hoàng Ái, Chủ tịch Hội CCB huyện Cầu Kè nhận xét: những năm qua, Hội CCB các cấp trong huyện Cầu Kè đã phát động trong hội viên tham gia các phong trào thi đua, nhất là phong trào CCB làm kinh tế giỏi, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, mà tiêu biểu nhất là mô hình trồng chanh của hội viên Phạm Văn To, ở ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi và mô hình trồng dừa, chuối kết hợp nuôi ốc bươu đen của ông Nguyễn Văn Qưỡn, ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân, để phát triển mô hình làm ăn có hiệu quả trong thời gian tới, Hội Cựu chiến binh huyện sẽ chỉ đạo cơ sở Hội tiếp tục nhân rộng mô hình này, tạo điều kiện cho hội viên CCB tham quan học hỏi để áp dụng trong sản xuất tại hộ gia đình, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn cũng như khoa học - kỹ thuật để hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuốc sống”.

Phát huy tinh thần xung kích của người lính Cụ Hồ, không chỉ hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, mà sau khi trở về địa phương với cuộc sống đời thường ông Phạm Văn To và ông Nguyễn Văn Qưỡn vẫn luôn phát huy tinh thần ấy để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xứng đáng là CCB tiêu biểu về tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Bài, ảnh: THÂN NI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doan-the/nhung-tam-guong-cuu-chien-binh-lam-kinh-te-gioi-o-huyen-cau-ke-42092.html