Những tấm gương hiếu thảo: Con sẽ làm đôi mắt cho mẹ
Khi mắt mẹ chìm dần trong bóng tối, tay mẹ vụng về, chân mẹ chậm rãi, chị luôn bên cạnh thủ thỉ: Con sẽ làm đôi mắt cho mẹ
"Ngon không mẹ?" - chị hỏi. "Ngon" - người mẹ không nhìn thấy gì, vụng về xúc từng thìa cơm trả lời. Đó là vì chiều ý mẹ, chị không tranh đút cơm, chỉ ngồi cạnh bên đều đặn gắp thức ăn cho vào chén của bà, thi thoảng dỗ dành: "Ngon thì mẹ ráng ăn nhiều nghen". Cô con gái lớn của chị rót ly nước đặt kế bên, khẽ nhắc: "Nước con để ở đây nghe ngoại". Cứ như vậy, bữa cơm của gia đình chị Trần Thúy Diễm (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) trôi qua trong hạnh phúc, yêu thương dù chỉ vỏn vẹn vài món đơn giản.
Chỉ sợ mẹ không còn nữa
Gia đình chị Diễm gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con nhỏ (học tiểu học, THCS) và người mẹ già hơn 70 tuổi. Chồng chị là công nhân điện lạnh, lao động chính trong nhà; chị làm nội trợ, phần lớn thời gian dành để lo toan, chăm sóc cho mẹ và 2 con nhỏ. Dù vậy, chị cũng ráng thu xếp tham gia các hoạt động tại địa phương với nhiệm vụ tổ phó tổ dân phố, kiêm chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố.
Ít ai biết để có được cuộc sống bình yên như hiện nay, chị đã trải qua biết bao sóng gió. Hơn 10 năm lấy chồng, cũng chừng ấy thời gian chị đau đáu về bổn phận dâu con. Năm đó, về nhà chồng chưa được bao lâu, bố ruột qua đời, mẹ bị tai biến, đôi mắt gần như không thể thấy được xung quanh, chị không đành, quyết định về bên mẹ, "làm đôi mắt cho mẹ". Nhiều người gièm pha chị xuất giá mà không "tòng phu", trách chị không về làm dâu, phụng sự gia đình chồng. Vợ chồng chị cũng vì thế mà nhiều phen lục đục. Thương chồng, thương cha mẹ hai bên, thương bản thân, chị khóc hết nước mắt.
Về với mẹ, chị dành toàn bộ thời gian chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, kiên nhẫn túc trực bên mẹ mỗi ngày. Đáp lại tình thương và sự chăm sóc của chị, đến một ngày, bà chập chững đi lại được, chị vỡ òa hạnh phúc.Trải qua nhiều biến cố, chồng chị quyết định về sống chung với chị. Tuy cái nghèo vẫn còn đeo bám nhưng điều chị sợ nhất là một ngày thức dậy không còn mẹ trên đời. Vậy nên, làm bất cứ điều gì cho mẹ vui, khỏe, chị đều không nề hà.
Vì mẹ chỉ có một trên đời
Theo thời gian, mắt mẹ chị chìm dần vào bóng tối, tay bà vụng về, chân bà chậm chạp. Chị bây giờ không chỉ là đôi mắt mà còn là đôi chân, đôi tay cho mẹ.
Chị kể ngày trước, có lần đi làm cả ngày trở về, chị chết điếng khi hay tin bà ngã gãy tay chỉ vì cố gắng tự mặc đồ. Ôm mối ray rứt trong lòng, kể từ đó, khi buộc phải ra ngoài, chốc chốc chị lại tạt về nhà thăm mẹ mới an tâm.
Sợ nhất là những khi trái gió trở trời, xương gãy ở tay của bà lại đau nhức. Xót dạ, chị kiên nhẫn ngồi xoa bóp rồi dỗ dành bà: "Đỡ đau hơn không mẹ?". Hai đứa trẻ thấy mẹ chăm sóc, yêu thương bà, chúng cũng thích quấn quýt cạnh bên thủ thỉ trò chuyện.
Tôi hỏi bà có thương chị không nhưng phải tới lần thứ hai, bà mới nghe thấy rồi chóp chép khuôn miệng móm mém nói từng câu run run: "Thương... thương nhiều lắm... Không thương Diễm, còn thương ai...".
Tuổi già làm bà nhớ trước quên sau, lại hay hờn giận, cáu gắt. "Thấy mẹ vậy, tôi càng thương hơn. Vẫn biết chăm người già không dễ, nhiều lúc bản thân mình cũng chịu nhiều uất ức nhưng ngày xưa, mẹ đã vất vả một đời chăm sóc, nuôi dưỡng tôi mà có bao giờ kêu than? Mẹ chỉ có một trên đời, được làm chút gì cho mẹ, với tôi đó là phúc. Chỉ mong mẹ khỏe mạnh, sống với con cháu lâu hơn để tôi được kề cận chăm sóc mỗi ngày" - chị nhìn mẹ âu yếm nói.
Ăn cơm trưa xong, chị dỗ dành bà lên giường, nằm cạnh bên nghe bà kể những câu chuyện đứt quãng, không đầu không đuôi cho đến khi bà thiếp đi. Cẩn thận kê gối cho mẹ, chị bắt đầu quần quật với những công việc không tên, sắp xếp, lo toan cho gia đình. Dưới mái nhà đong đầy tình yêu thương, hai đứa trẻ con chị cứ thế lớn lên, hiền lành, chăm ngoan, nhiều năm liền là học sinh giỏi của phường, của quận.